Phản biện xã hội dự thảo Chương trình giải quyết tình trạng xây dựng công trình, nhà ở lấn chiếm sông, kênh, rạch

Cập nhật ngày: 28/06/2024 14:33:10

ĐTO - Ngày 28/6, tại hội trường khối Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tỉnh, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) tỉnh tổ chức Hội nghị phản biện xã hội dự thảo Chương trình giải quyết tình trạng xây dựng công trình, nhà ở lấn chiếm sông, kênh, rạch trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đến năm 2030 (viết tắt là Chương trình).

Đồng chí Đinh Văn Dũng - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN tỉnh và các Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQVN tỉnh cùng chủ trì hội nghị. Dự hội nghị có đại diện lãnh đạo một số sở, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh; đại diện các Hội đồng tư vấn Ủy ban MTTQVN tỉnh; các vị chuyên gia; đại diện lãnh đạo Ủy ban MTTQVN các huyện, thành phố trong tỉnh.


Quang cảnh hội nghị

Tại hội nghị, đồng chí Đoàn Thị Nghiệp - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQVN tỉnh cho biết, thời gian qua, nhiều đoạn sông, kênh, rạch trên địa bàn tỉnh bị lấn chiếm để xây dựng công trình, nhà ở lấn chiếm sông, kênh rạch, ảnh hưởng xấu đến cảnh quan, môi trường. Việc khảo sát, đánh giá thực trạng; nghiên cứu giải pháp, xây dựng lộ trình cụ thể, từng bước giải quyết các trường hợp lấn chiếm, sông, kênh, rạch trên địa bàn tỉnh là vấn đề cần thiết thực hiện. Do đó, Thường trực Tỉnh ủy thống nhất giao Ban cán sự đảng UBND tỉnh lãnh đạo UBND tỉnh xây dựng Đề án giải quyết tình trạng xây dựng công trình, nhà ở lấn chiếm sông, kênh, rạch trên địa bàn tỉnh. Nhằm đảm bảo Chương trình khi ban hành có tính khả thi, được sự đồng thuận, ủng hộ của người dân và thực hiện chức năng phản biện xã hội, Ban Thường trực Ủy ban MTTQVN tỉnh tổ chức Hội nghị phản biện xã hội dự thảo Chương trình.

Đại diện lãnh đạo Sở Xây dựng trình bày tóm tắt dự thảo và nhấn mạnh mục tiêu chung của Chương trình là khảo sát, đánh giá thực trạng công trình, nhà ở lấn, chiếm sông, kênh, rạch trên địa bàn tỉnh, làm cơ sở cho việc quản lý trật tự xây dựng. Nghiên cứu các giải pháp ngăn chặn không để phát sinh các trường hợp vi phạm mới; xây dựng lộ trình cụ thể, từng bước giải quyết các trường hợp lấn, chiếm sông, kênh, rạch đã tồn tại trước đây. Bên cạnh đó, tập trung giải quyết, tạo chuyển biến tích cực tại các thành phố: Cao Lãnh, Sa Đéc, Hồng Ngự; ở các khu vực trong đô thị, vùng thượng nguồn các sông và kênh đi qua địa bàn tỉnh. Cùng với đó, xác định các nhóm giải pháp cần thực hiện; kinh phí, nguồn vốn và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, địa phương trong quá trình thực hiện Chương trình.


Đồng chí Nguyễn Hải Quân - Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn kinh tế của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh phát biểu ý kiến tại hội nghị

Với tinh thần dân chủ, nhiều đại biểu tham gia phát biểu góp ý, phản biện tại hội nghị về nội dung dự thảo Chương trình. Các đại biểu bày tỏ thống nhất cao đối với chủ trương giải quyết tình trạng xây dựng công trình, nhà ở lấn chiếm sông, kênh, rạch trên địa bàn. Bên cạnh đó, theo các đại biểu, đây là chương trình lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân, do đó, cần xem xét tính khả thi, cơ sở pháp lý; tiếp tục khảo sát, thống kê bảo đảm tính chính xác của các số liệu như: về nhà ở, nhân khẩu, khả năng, nguồn lực và nguyện vọng của từng gia đình.

Cùng với đó, quan tâm thực hiện quy hoạch hợp lý các khu vực tái định cư phục vụ cho việc giải tỏa nhà dân; xác định rõ các nhóm giải pháp phù hợp thực tế địa phương, cơ sở, nguồn lực để thực hiện chương trình và mức độ tác động, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân… Nhiều đại biểu cho rằng, cần cân đối lại mục tiêu, tập trung làm tốt công tác chuẩn bị, xác định rõ lộ trình thực hiện, tính toán các phương án chuẩn bị nguồn lực tài chính, đất đai chi tiết hơn để hoàn thành mục tiêu phù hợp với từng giai đoạn phát triển của tỉnh.


Đồng chí Đinh Văn Dũng - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh phát biểu tại hội nghị

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Đinh Văn Dũng - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN tỉnh ghi nhận các ý kiến góp ý, phản biện sâu sắc, sát thực tiễn của các đại biểu về nội dung dự thảo Chương trình. Đồng thời khẳng định, đây là chương trình lớn theo chủ trương của tỉnh, có phạm vi ảnh hưởng rộng và trực tiếp đến cuộc sống người dân. Do đó, việc góp ý kiến, phản biện góp phần hoàn thiện nội dung Chương trình đảm bảo tính khả thi, hiệu quả khi Chương trình được triển khai. Chủ tịch Ủy ban MTTQVN tỉnh mong muốn, các đại biểu tiếp tục quan tâm đóng góp thêm ý kiến cho dự thảo Chương trình; Ủy ban MTTQVN tỉnh sẽ tổng hợp đầy đủ các ý kiến, kiến nghị để báo cáo với Ban Thường vụ Tỉnh ủy và thông tin đến cơ quan soạn thảo Chương trình nghiên cứu, tổng hợp trình UBND tỉnh.

Ngân Nguyễn

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn