Quyết tâm chính trị phải thể hiện bằng hành động cụ thể

Cập nhật ngày: 28/06/2018 06:37:55

Tại Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống tham nhũng mới đây, nhiều con số đã được nêu ra, khẳng định kết quả to lớn, đột phá trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Đó là, từ năm 2014 đến nay, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật gần 2.720 đảng viên vi phạm về tham nhũng, cố ý làm trái. Từ sau Đại hội lần thứ XII của Đảng đến nay, có gần 1.300 đảng viên bị thi hành kỷ luật do tham nhũng, cố ý làm trái.

Trong số 50 cán bộ diện Trung ương quản lý bị thi hành kỷ luật, có chín đồng chí là Ủy viên T.Ư Đảng, nguyên Ủy viên T.Ư Đảng; một đồng chí Ủy viên T.Ư Đảng, Ủy viên Bộ Chính trị bị khai trừ Đảng. Từ năm 2014 đến nay, qua thanh tra, kiểm toán đã kiến nghị thu hồi hơn 260 nghìn tỷ đồng; chuyển cơ quan xử lý hình sự hơn 340 vụ, 436 đối tượng. Trong đó, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, đã kiến nghị thu hồi hơn 165 nghìn tỷ đồng và 12 ha đất; chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 194 vụ, 335 đối tượng liên quan đến tham nhũng, kinh tế… Theo đánh giá của Tổ chức Minh bạch quốc tế (TI), chỉ số cảm nhận tham nhũng của Việt Nam tăng liên tiếp hai năm, sau nhiều năm giữ nguyên. Năm 2016, tăng từ 31 điểm lên 33 điểm. Năm 2017, tăng tiếp hai điểm so với năm 2016, lên 35 điểm.

Nhưng cũng có những con số khiến dư luận lo lắng, thấy cần phải kiên trì, quyết liệt và đẩy mạnh hơn nữa trong cuộc đấu tranh khó khăn, phức tạp và lâu dài này. Đó là, số vụ việc, vụ án tham nhũng được phát hiện, xử lý chưa phản ánh đúng thực trạng tham nhũng, nhất là công tác phát hiện, xử lý tham nhũng tại các địa phương. Công tác tự kiểm tra, tự phát hiện và phát hiện tham nhũng trong nội bộ cơ quan, tổ chức, đơn vị còn nhiều hạn chế, yếu kém.

Theo báo cáo của Bộ Công an, năm 2016, có 11 công an cấp tỉnh không khởi tố mới vụ án tham nhũng là: Lạng Sơn, Tuyên Quang, Yên Bái, Bắc Cạn, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Bình Thuận, Sóc Trăng, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bạc Liêu. Năm 2017, có chín công an cấp tỉnh không khởi tố mới vụ án tham nhũng là: Tuyên Quang, Bắc Cạn, Bắc Ninh, Hải Dương, Thừa Thiên - Huế, Ninh Thuận, Đác Nông, Lâm Đồng, Bạc Liêu.

Năm 2017, trên toàn quốc chỉ có 16 vụ với 21 đối tượng tham nhũng bị phát hiện qua tự thanh tra, kiểm tra. Qua khảo sát của Ủy ban Tư pháp Quốc hội tại sáu tỉnh, thành phố, chỉ có tỉnh Long An phát hiện được tham nhũng qua công tác tự kiểm tra nội bộ. Công tác kiểm tra, giám sát việc thực thi quyền lực của người có chức vụ, quyền hạn chưa được quan tâm đúng mức; thanh tra, kiểm tra về công tác cán bộ còn hạn chế. Theo thống kê của Bộ Nội vụ, từ năm 2011 đến năm 2017, mới có 59 cuộc thanh tra, kiểm tra có liên quan đến công tác bổ nhiệm cán bộ. Trong khi trên thực tế, công tác cán bộ là một trong những lĩnh vực có nguy cơ cao tạo ra tham nhũng, do “lợi ích nhóm”, phe cánh, quan hệ…

Xảy ra tình trạng nêu trên là do tại một số cấp ủy đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị, quyết tâm chính trị đối với công tác phòng, chống tham nhũng chưa cao, chưa được thể hiện thành hành động cụ thể, nói chưa đi đôi với làm, vẫn còn tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”. Không ít cấp ủy, chính quyền, nhất là người đứng đầu một số địa phương, đơn vị chưa nhận thức sâu sắc mức độ nghiêm trọng của tình hình tham nhũng ở địa phương, lĩnh vực mình quản lý, chưa thật sự coi trọng công tác phòng, chống tham nhũng, thiếu gương mẫu, thậm chí còn có thái độ né tránh, không muốn đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Kết quả công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng thời gian qua khẳng định sự nhất quán và quyết tâm chính trị cao của Đảng và Nhà nước ta. Nhiều chủ trương, giải pháp mới, mạnh mẽ, quyết liệt về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và phòng, chống tham nhũng được ban hành. Nhiều nghị quyết, quy định được quán triệt và thực hiện nghiêm túc, đi vào cuộc sống. Nhưng để tiếp tục duy trì cuộc đấu tranh này thường xuyên, kiên trì và quyết liệt, cần có thêm nhiều hành động cụ thể.

Cần có cơ chế để minh bạch, công khai những việc làm cụ thể của địa phương, tổ chức và những người đứng đầu địa phương, tổ chức trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Không thể chấp nhận việc một địa phương trong nhiều năm lại không phát hiện, xử lý được một vụ án tham nhũng nào. Quyết tâm chính trị phải biến thành hành động cụ thể.

Chúng ta không chấp nhận việc phòng, chống tham nhũng chỉ bằng hô hào, bằng khẩu hiệu, cũng chính là việc phải đấu tranh với tư tưởng trung bình chủ nghĩa trong phòng, chống tham nhũng. Điều này đã được thể hiện rất rõ qua chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Nếu ai cảm thấy cản trở, nhụt chí thì dẹp sang bên cho người khác làm.

HÀ PHƯƠNG (NDĐT)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn