Cuộc thi báo chí viết về tấm gương “Dân vận khéo”:

Tập trung phản ánh các nhân tố mới, mô hình hay sát với thực tiễn

Cập nhật ngày: 07/09/2020 15:01:54

ĐTO - Sau khi tiếp thu Kế hoạch số 1273 của Ban Dân vận Trung ương về tổ chức Cuộc thi báo chí viết về tấm gương “Dân vận khéo” giai đoạn 2017 - 2020 (gọi tắt là Cuộc thi), Ban Dân vận Tỉnh ủy Đồng Tháp đã chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan phát động thực hiện trong toàn tỉnh. Đồng thời phối hợp với Hội Nhà báo tỉnh, Báo Đồng Tháp, Đài Phát thanh và Truyền hình Đồng Tháp xét chọn những tác phẩm đã được in, phát sóng đúng với chủ đề, yêu cầu để tham gia dự thi.


Nhằm cụ thể hóa phong trào “Dân vận khéo”, lực lượng chức năng tăng cường tuyên truyền, vận động người dân vùng biên tích cực tự quản về bảo vệ an ninh trật tự ở vùng biên

Để bảo đảm chất lượng, yêu cầu của Cuộc thi, hàng tháng tại các cuộc họp giao ban báo chí, Ban Dân vận Tỉnh ủy cung cấp thông tin, giới thiệu về các tấm gương, mô hình điển hình “Dân vận khéo” đến các đơn vị báo, đài để truyên truyền, phát động và viết bài dự thi. Đồng thời chủ động phân công cán bộ phối hợp cùng phóng viên Báo Đồng Tháp đến các đơn vị, địa phương liên hệ, gặp gỡ, thu thập thông tin để viết bài giới thiệu mô hình, gương điển hình “Dân vận khéo” được 20 tác phẩm (13 cá nhân và 7 tập thể trong tỉnh). Hàng năm, Ban Dân vận Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Đồng Tháp, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội, các tổ chức hội đặc thù triển khai thực hiện chuyên mục “Dân vận khéo”. Từ năm 2018 đến tháng 8/2020, có 32 kỳ phát sóng với 64 mô hình, thời lượng phát sóng chuyên mục 10 phút. Việc thực hiện chuyên mục phát sóng nhằm tuyên truyền, giới thiệu những tấm gương, mô hình, cách làm hay, thiết thực và có sức lan tỏa trong công tác dân vận của các cá nhân, tập thể ở các địa phương, đơn vị, góp phần cổ vũ, động viên cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang, đoàn viên, hội viên và Nhân dân tích cực tham gia thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, các chương trình, đề án trọng tâm của tỉnh và địa phương, thực hiện an sinh xã hội, giữ vững an ninh trật tự.

Qua đó, nhiều mô hình mới, cách làm hiệu quả trong vận động cất nhà tình thương, đóng góp xây cầu, đường nông thôn, liên kết trong sản xuất, tự quản cộng đồng (mô hình Hội quán, Tổ nhân dân tự quản, Ngày thứ 7 Đại đoàn kết), Tết quân dân,... được duy trì, nhân rộng, nâng dần chất lượng. Điển hình như: đến nay toàn tỉnh đã thành lập được hơn 12.680 “Tổ nhân dân tự quản”, phủ kín toàn địa bàn, mỗi tổ có từ 39 - 45 hộ, trường hợp tổ có hộ đông nhất cũng không quá 50 hộ (ở TP.Cao Lãnh). Cơ cấu Ban quản lý tổ từ 3 - 4 người, bao gồm Tổ trưởng, từ 1 - 2 Tổ phó và Thư ký. Qua khảo sát thực tế, hiện có 9.229 tổ được cấp ấp, khóm, xã, phường, thị trấn và huyện, thị xã, thành phố tổng hợp đánh giá hoạt động tốt chiếm 75%. Về nội dung hoạt động chủ yếu của “Tổ Nhân dân tự quản” thì căn cứ vào tình hình thực tế của từng địa bàn dân cư, yêu cầu nhiệm vụ của xã, phường, thị trấn và ấp, khóm đề ra, Ban quản lý tổ bàn bạc thống nhất với người dân thông qua “Hội nghị nhân dân” của tổ để xác định các nội dung cộng đồng cam kết quyết tâm thực hiện thông qua phát huy vai trò tự chủ, tự quản của từng hộ gia đình. Trong đó tập trung vào hai nhiệm vụ chính: Tự chủ, tự quản về phòng, chống thanh thiếu niên bỏ học, thực hiện tốt công tác khuyến học, khuyến tài; tự chủ, tự quản về bảo vệ an ninh trật tự, giáo dục và quản lý các thành viên trong từng hộ gia đình không vi phạm pháp luật,... Sau khi Cuộc thi được phát động, nhiều địa phương, đơn vị quan tâm hưởng ứng thực hiện. Cụ thể như: Công an tỉnh có 68 bài dự thi của 64 tác giả; Tỉnh đoàn có 28 bài dự thi của 24 tác giả, Báo Đồng Tháp có 9 tác phẩm dự thi của 6 tác giả, Đài Phát thanh - Truyền hình Đồng Tháp có 5 tác phẩm phóng sự gửi dự thi...

Theo đồng chí Nguyễn Hữu Thời – Phó Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Đồng Tháp, các cấp ủy, cơ quan, đơn vị có quan tâm đến công tác triển khai Cuộc thi báo chí viết về tấm gương “Dân vận khéo” giai đoạn 2017 - 2020 tại đơn vị, địa phương mình. Qua phát động Cuộc thi đã góp phần tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân trong tỉnh; giới thiệu kịp thời những tập thể, cá nhân điển hình trong công tác dân vận; thu hút cán bộ, đảng viên và Nhân dân tham gia thực hiện tốt phong trào “Dân vận khéo”, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh, phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án trọng tâm của địa phương và tỉnh. Tuy nhiên, còn một vài đơn vị, địa phương chưa quan tâm đúng mức đến công tác triển khai, phát động thực hiện Cuộc thi nên việc hưởng ứng tham gia chưa thật sự sâu rộng, sôi nổi; còn nhiều mô hình mới, cách làm hiệu quả trong công tác dân vận của các đơn vị, địa phương, nhưng việc cung cấp, giới thiệu với các cơ quan báo chí, Đài Phát thanh – Truyền hình và Ban Dân vận Tỉnh ủy còn ít, chưa kịp thời.

DŨNG CHINH

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn