Tổng Bí thư Tô Lâm:

Tiếp tục xây dựng bộ máy nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả

Cập nhật ngày: 31/10/2024 15:39:44

Trong khuôn khổ phiên thảo luận tại tổ của Quốc hội sáng 31/10, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, yêu cầu tiếp tục phải xây dựng bộ máy nhà nước bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.


Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Phát triển TP Huế thành cực tăng trưởng của khu vực

Phát biểu định hướng một số nội dung liên quan đến Tờ trình của Chính phủ về Đề án thành lập TP Huế trực thuộc Trung ương, Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết, đề án này đã có quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng. Trung ương đã bàn bạc và thống nhất cho rằng, quan trọng nhất là có đủ các căn cứ và tiêu chí của thành phố trực thuộc Trung ương như dân số, quy mô phát triển…

Tổng Bí thư cho rằng, Nhà nước cũng phải tính toán cơ cấu vùng, khu vực… để TP Huế trở thành một cực tăng trưởng của khu vực, không để khi lên thành phố trực thuộc Trung ương lại tụt hậu, trở thành gánh nặng.

Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh đến tiêu chí rất quan trọng là triển vọng phát triển, khẳng định khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, Huế cần một cơ chế đặc thù, đặc biệt nhằm phát huy vai trò tiên phong trong đổi mới sáng tạo, thu chi ngân sách và phát triển kinh tế - xã hội.


Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại Tổ 12 (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

"Tất nhiên để trở thành cực tăng trưởng phải đi đầu trong đổi mới sáng tạo, trong phát triển kinh tế - xã hội, thu chi ngân sách và cần có cơ chế đặc biệt để thực hiện. Nhưng nếu không có tiềm năng mà chỉ cố gắng lên thành phố trực thuộc Trung ương để hưởng ưu đãi thì không được", Tổng Bí thư lưu ý.

Về mục tiêu phát triển, Tổng Bí thư Tô Lâm cho rằng, cần quan tâm đến sự phát triển bền vững và hài hòa. Các ý kiến đại biểu nhất trí rằng, Huế đủ điều kiện trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, song cần tiếp tục nỗ lực hoàn thành các tiêu chí về quy hoạch, dân số, văn hóa… để thể hiện rõ vai trò dẫn đầu, là một cực tăng trưởng, cực đổi mới sáng tạo.

Tổng Bí thư cho rằng, đến nay, Huế đã đủ tiêu chí, xứng đáng để lên thành phố trực thuộc Trung ương và cần phải chia sẻ với những khó khăn mà địa phương đang phải đối mặt.

"Cả nước vì Huế, Huế vì cả nước", Tổng Bí thư chia sẻ và bày tỏ hy vọng thời gian chuyển tiếp lên thành phố thuộc Trung ương không kéo dài.


Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Tinh gọn bộ máy để dành nguồn lực cho phát triển

Đối với dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh tính cấp thiết của việc xây dựng bộ máy nhà nước tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, không hình thức để bảo đảm đúng thực chất, áp dụng không chỉ cho TP Hải Phòng mà của cả nước.

Theo Tổng Bí thư, Nghị quyết 17-NQ/TW về cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước đã chỉ rõ thực trạng bộ máy còn cồng kềnh, hoạt động kém hiệu lực, hiệu quả, phải sắp xếp và tinh gọn. Nghị quyết Đại hội Đảng, Nghị quyết Trung ương trong các nhiệm kỳ qua đều nêu chủ trương về sự cần thiết tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả.

“Sắp tới, các ban của Đảng, Quốc hội, Chính phủ phải gương mẫu, phải rất thẳng thắn, mạnh dạn và nhìn nhận nếu không tinh gọn bộ máy thì không thể phát triển được”, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh.

Tổng Bí thư cũng đề cập đến thực tế, 70% ngân sách hiện đang dành cho chi trả lương và chi thường xuyên, tỷ lệ ngân sách dành cho chi đầu tư phát triển thấp.

Do đó, Tổng Bí thư yêu cầu cần tiếp tục tinh giản bộ máy, tinh giản biên chế, giảm chi thường xuyên để dành nguồn lực cho đầu tư phát triển.

Tổng Bí thư cho rằng, cần phải thẳng thắn, mạnh dạn nhìn nhận thẳng vào thực tế bộ máy hiện nay khi vẫn còn nhiều bộ, ngành quản lý không rõ, đôi khi một vấn đề nhưng không biết ai chủ trì giải quyết.

"Bộ máy cồng kềnh sẽ kìm hãm sự phát triển. Nhiều bộ, ngành không rõ chức năng nhiệm vụ, không phân cấp cho địa phương, để xảy ra xin - cho...”, Tổng Bí thư nói.

Do đó, Tổng Bí thư nhấn mạnh vào việc phân cấp, phân quyền để địa phương tự chịu trách nhiệm, tránh tình trạng “xin - cho” gây lãng phí thời gian của người dân và doanh nghiệp. Theo Tổng Bí thư, những quan điểm này đã được cụ thể hóa thành chính sách, pháp luật, cần triển khai trong thực tiễn cuộc sống.


Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Tăng năng suất lao động - nền tảng của phát triển bền vững

Cũng trong phiên thảo luận, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nâng cao năng suất lao động, chỉ rõ mặc dù nền kinh tế phát triển, năng suất lao động của Việt Nam vẫn chưa đạt kỳ vọng và có chiều hướng giảm sút.

Theo Tổng Bí thư, muốn tăng năng suất lao động phải nâng cao tay nghề lao động, áp dụng khoa học công nghệ, có cách thức quản lý tốt.

Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết, năng suất lao động của các quốc gia khác trong khu vực như: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ… đã vượt xa Việt Nam, do đó phải có cơ chế, chính sách khuyến khích để tăng năng suất lao động.

Tổng Bí thư khẳng định, không có con đường nào khác ngoài tăng năng suất lao động, dựa vào nguồn lực sẵn có, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, tự chủ để phát triển bền vững.

Chúng ta cần tận dụng tối đa thời kỳ dân số vàng để bước vào kỷ nguyên mới, bứt tốc đạt được mục tiêu đến năm 2045 là một nước phát triển có thu nhập cao. Muốn vậy, quy mô kinh tế sẽ phải gấp 3 lần hiện nay, thu nhập bình quân đầu người cũng phải tăng gấp 3 lần hiện nay và nếu không tăng năng suất thì không đạt được, Tổng bí thư nhấn mạnh.

Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định rằng, phải bỏ tư duy “xin việc”, khẳng định người lao động Việt Nam có sức khỏe, trí tuệ, khao khát làm việc lo cho bản thân, cho gia đình, tạo ra sản phẩm xã hội, đóng góp chung vào sự phát triển của đất nước và thế giới.

Nhà nước phải có chính sách khuyến khích toàn xã hội lao động, vừa tăng năng suất nhưng vừa giảm giờ làm để Nhân dân có cuộc sống tốt đẹp hơn, Tổng Bí thư nói.

Theo TRUNG HƯNG (NDO)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn



Tin cùng chuyên mục
Các tin khác