Triết lý “bông lúa gục đầu”

Cập nhật ngày: 02/11/2019 05:24:40

Khi gặp nhau, theo tập quán, truyền thống dân tộc, vùng, miền, có cách chào hỏi khác nhau. Ở nước ta hiện nay, có 3 cách chào hỏi phổ biến: khoanh tay, chắp tay và bắt tay.

Hai năm trước, tháng 10/2017, dư luận quan tâm về sự việc trạm xăng của một doanh nghiệp Nhật Bản tại khu công nghiệp Bắc Thăng Long, Hà Nội.

100% vốn nước ngoài tham gia thị trường bán lẻ xăng dầu tại Việt Nam, mà là thái độ phục vụ: từ giám đốc đến nhân viên đều cúi người chào khi khách đến đổ xăng và rời đi.

Trước hành động có phần lạ lẫm này, có nhiều ý kiến trái chiều trên báo chí và mạng xã hội. Chỉ khi các chuyên gia nghiên cứu văn hóa Nhật Bản cùng những người từng đến đó học tập, làm việc lên tiếng thì dư luận mới lắng xuống, và lắng đọng trong nhiều người Việt khi nghĩ về thái độ trong giao tiếp của mình.

Theo đó, việc người Nhật cúi người trước người khác có liên quan đến câu thành ngữ của Nhật Bản: “Bông lúa chín là bông lúa cúi đầu”.

Ai từng làm lúa hoặc quan sát cây lúa đều thấy những bông lúa lép hạt sẽ vươn lên, còn những bông lúa chắc hạt sẽ cong xuống.

Cúi người chào người khác, như bông lúa chắc hạt, thể hiện sự khiêm tốn, trở thành triết lý sống, một trong những yếu tố cấu thành văn hóa, cội nguồn của sức mạnh Nhật Bản.

Trong giao tiếp của người Việt Nam, khi người nhỏ gặp người lớn thì khoanh tay, cúi đầu kèm câu chào, lời thưa. Khi gặp những người đồng vai phải lứa, thì cách chào nhau là chắp tay. Những hành động như vậy từ lâu trở thành đương nhiên trong giao tiếp, thành chuẩn mực đạo đức, một trong những thước đo của giáo dục cá nhân, cấu thành văn hóa truyền thống của dân ta; tiếp tục được nhiều gia đình, trường học kế thừa, phát huy.

Tuy nhiên, hiện nay không hiếm chuyện người nhỏ, cả trẻ con, gặp người lớn chỉ chào bằng chữ hê - lô, hây, hoặc suồng sã bắt tay... Và những hành vi đó lại được gọi là văn minh.

Trong bối cảnh giao lưu, hội nhập ngày càng sâu rộng, có nhiều lớp tập huấn cho cán bộ, công chức những kiến thức cơ bản về công tác đối ngoại, như chào nhau khi gặp đối tác. Tuy nhiên không phải ai cũng thuộc, cũng nhớ. Như việc chủ nhà, nhỏ hơn cả tuổi đời lẫn chức vụ, đứng trên bậc tam cấp hồ hởi bắt tay thủ trưởng đang đứng dưới, tưởng là quý trọng nhưng đó là hành vi bất kính, trịch thượng.

Hiện nay, ở nhiều cửa hàng, siêu thị, trụ sở doanh nghiệp có hình ảnh trở nên quen thuộc là nhân viên chắp tay hoặc đặt tay lên ngực khi đón và tiễn khách.

Liên quan đến thái độ ứng xử trong giao tiếp, tháng 12/2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định phê duyệt Đề án Văn hóa công vụ, trong đó cán bộ, công chức cần thực hiện “4 xin, 4 luôn”: xin chào, xin lỗi, xin cảm ơn, xin phép; luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn lắng nghe, luôn giúp đỡ. Có thể nói yêu cầu này là sự kế thừa truyền thống văn hóa trong giao tiếp của Việt Nam, một trong những giải pháp khắc phục cách hành xử kiểu “xin - cho” thời bao cấp.

Mọi sự so sánh đều khập khiễng, nhưng hành động cúi người của người Nhật và khoanh tay, chắp tay, “4 xin, 4 luôn” của người Việt có nét tương đồng, thể hiện sự khiêm tốn của bản thân và tôn trọng người đối diện, như bông lúa chín.

Hữu Ý

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn