Bước đột phá ấn tượng về phát triển kinh tế của vùng Đất Sen hồng

Cập nhật ngày: 07/08/2019 15:52:18

Những năm qua, cấp ủy, chính quyền tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế mang lại nhiều kết quả đáng ghi nhận, góp phần nâng cao đời sống vật chất lẫn tinh thần của người dân Đất Sen hồng.


Không gian Văn hóa Du lịch TP.Cao Lãnh - TP.Hội An năm 2019 (tại TP.Cao Lãnh) thu hút đông đảo du khách tham quan

Tập trung lãnh đạo phát triển kinh tế

Tiếp thu Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI, XII của Đảng, Tỉnh ủy Đồng Tháp đã cụ thể hóa thành các Chương trình hành động. Bên cạnh đó, các nghị quyết, chỉ thị, kết luận chuyên đề của Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương khóa XI, XII, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Tháp cụ thể hóa thành chương trình, kế hoạch và tổ chức học tập, quán triệt đầy đủ, nghiêm túc đến cán bộ chủ chốt tỉnh. Theo đó, Hội đồng nhân dân tỉnh, UBND tỉnh, các ban, ngành liên quan ban hành các văn bản để cụ thể hóa việc thực hiện các chương trình, kế hoạch của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Tháp khóa IX và khóa X.

Các cấp ủy, tổ chức đảng trên địa bàn chú trọng tuyên truyền, phổ biến sâu rộng nội dung các văn kiện Đại hội XI, XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội IX, X Đảng bộ tỉnh và các nghị quyết, kết luận của Tỉnh ủy khóa IX, X đến các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên và nhân dân bằng nhiều hình thức, tạo sự nhất trí cao trong toàn Đảng bộ, sự đồng thuận của nhân dân nhằm thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra.

Ngay sau Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX, nhiệm kỳ 2010 - 2015 và lần thứ X nhiệm kỳ 2015 - 2020, Tỉnh ủy chủ động cụ thể hóa bằng nghị quyết và kết luận chuyên đề về phát triển kinh tế của địa phương. Cụ thể: phát triển hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011 - 2015; phát triển kinh tế - xã hội TP.Cao Lãnh và TP.Sa Đéc đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; tạo dựng hình ảnh tỉnh Đồng Tháp... bám sát vào mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể theo Nghị quyết Đại hội IX, X của Đảng bộ tỉnh để triển khai thực hiện.

Hàng năm, Tỉnh ủy xây dựng Chương trình hành động để lãnh đạo thực hiện phù hợp với quan điểm chỉ đạo của Trung ương và tình hình thực tế của địa phương. Trong đó phát huy tính chủ động, sáng tạo của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, sự nỗ lực của các ngành, các cấp, các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp. Đặc biệt sự đoàn kết, sáng tạo trong lãnh đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã giúp tỉnh nhà vượt qua khó khăn, thách thức và đạt được kết quả tốt.

Mang lại kết quả đáng ghi nhận

Từ năm 2013 - 2018, quy mô nền kinh tế của tỉnh ngày càng được mở rộng, bình quân tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP - theo giá so sánh năm 2010) đạt 6,18%/năm, trong đó khu vực nông - lâm - thủy sản tăng 3,45%/năm; khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 9,3%/năm; khu vực thương mại - dịch vụ tăng 8,67%/năm. Tính đến cuối năm 2018, quy mô nền kinh tế của tỉnh (GRDP - giá thực tế) tăng 1,52 lần so với năm 2013, đạt 72.872 tỷ đồng, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng khu vực nông - lâm - thủy sản, tăng tỷ trọng khu vực công nghiệp - xây dựng và khu vực thương mại - dịch vụ; GRDP/người đạt 43,04 triệu đồng, tương đương với 1.888 USD (theo giá hiện hành), tăng 1,51 lần so với năm 2013.

Trong đó, tỉnh đã xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp; từng bước chuyển dần tư duy “sản xuất nông nghiệp” sang tư duy “kinh tế nông nghiệp”; phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu trên địa bàn. Nhìn chung, kinh tế nông nghiệp của tỉnh có nhiều khởi sắc; tổng giá trị tăng thêm của toàn ngành nông nghiệp trong 5 năm đạt hơn 81.000 tỷ đồng, tăng bình quân 3,45%/năm. Mô hình Hội quán phát triển rộng khắp, phát huy được vai trò cộng đồng tham gia xây dựng nông thôn mới và tăng cường hợp tác, liên kết trong sản xuất thông qua hình thức tập hợp nông dân, thương nhân trên tinh thần tự nguyện; làm tiền đề quan trọng để hình thành các hợp tác xã kiểu mới.

Sản xuất công nghiệp được củng cố, đổi mới, nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm theo chuỗi giá trị ngành hàng, mở rộng quy mô, tăng sản lượng sản xuất gắn với phát triển sản phẩm mới. Cơ cấu sản xuất nội bộ ngành công nghiệp được đầu tư vào chiều sâu, nâng tỷ lệ tinh chế trong sản phẩm, làm tăng giá trị và tính cạnh tranh cho sản phẩm công nghiệp. Các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp, làng nghề được hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi phát triển, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm. Công nghiệp tiếp tục phát triển nhưng tốc độ tăng trưởng chậm lại do khó khăn chung về kinh tế, GRDP khu vực công nghiệp đạt tăng trưởng khoảng 8,67%/năm.

Hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đạt nhiều dấu ấn đột phá, tiềm năng du lịch được khai thác theo trọng điểm, phát huy được các giá trị văn hóa truyền thống, tạo nét đặc sắc riêng có với thương hiệu “Đồng Tháp - Thuần khiết như hồn sen”. Song song đó, tỉnh chủ trương phát triển du lịch cộng đồng và ban hành Đề án Phát triển du lịch với nhiều chính sách hỗ trợ khả thi, nhiều gia đình đã mạnh dạn mở cửa vườn cây ăn trái đón khách tham quan và làm du lịch homestay (hiện có 73 điểm phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh). Năm 2018, Đồng Tháp đón trên 3,6 triệu lượt khách, tăng hơn 2,2 lần so với năm 2013, xếp thứ 3 khu vực đồng bằng sông Cửu Long về số lượng du khách đến tham quan; tổng doanh thu từ du lịch đạt 913 tỷ đồng, tăng gấp 4 lần so với năm 2013.

DŨNG CHINH

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn