Bất chấp khuyến cáo, một số người nuôi heo vẫn tái đàn

Cập nhật ngày: 14/10/2019 10:03:57

ĐTO - Dịch tả heo Châu Phi (DTHCP) gây thiệt hại nặng nề về kinh tế đối với người chăn nuôi và hiện nay dịch vẫn diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, bất chấp khuyến cáo của chính quyền địa phương cùng ngành chức năng, một số hộ từng bị thiệt hại do DTHCP vẫn mạo hiểm tái đàn trong giai đoạn này.


Dịch tả heo Châu Phi khiến anh Trần Trung Hiền tiếp tục thất bại sau khi tái đàn và cửa hàng kinh doanh thức ăn, thuốc thú y của anh buôn bán cũng ế ẩm

Thiệt hại nặng nề

Theo đại diện lãnh đạo Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Châu Thành, ngày 29/5/2019, lần đầu tiên, huyện Châu Thành phát hiện có heo mắc DTHCP và bệnh tiếp tục lây lan sau đó. Tính đến ngày 9/10/2019, số lượng heo trong huyện bị tiêu hủy do mắc bệnh DTHCP là 45.659 con với khối lượng 3.630 tấn. Dự kiến tổng số tiền chi hỗ trợ cho hộ dân bị thiệt hại vì DTHCP trên 110 tỷ đồng. Ngành chức năng của huyện đã tổ chức chi hỗ trợ 17 đợt, được hơn 65 tỷ đồng. Châu Thành là địa phương có số lượng heo nuôi nhiều nhất, nhì trong tỉnh nhưng do DTHCP, đến nay, đàn heo của huyện giảm chỉ còn khoảng hơn 2.800 con.

DTHCP gây thiệt hại nặng nề về kinh tế đối với những hộ chăn nuôi heo. Chú Trần Văn Gặp (SN 1966) ở ấp Tân Hòa, xã Tân Phú, huyện Châu Thành cho hay: “Đợt DTHCP này, tôi có 50 con heo cả lớn lẫn nhỏ đều mắc bệnh, bị tiêu hủy. Lỗ vốn nặng rồi!”. Với kinh nghiệm hàng chục năm nuôi heo và kinh doanh thức ăn, thuốc thú y, anh Trần Trung Hiền (SN 1977) ngụ ấp Tân Thuận, xã Tân Phú Trung, huyện Châu Thành cũng điêu đứng vì DTHCP. Dù thực hiện nhiều biện pháp phòng ngừa, đàn heo của anh vẫn không tránh khỏi dịch bệnh, khoảng 200 con bị tiêu hủy. “Tôi vay ngân hàng 500 triệu đồng để đầu tư trang trại nuôi heo nhưng DTHCP đã khiến tôi trắng tay. Để có tiền trả ngân hàng, tôi đang kêu bán 10 công vườn, chứ không còn cách nào khác” - anh Hiền buồn hiu nói.

Đến ngày 3/10/2019, toàn tỉnh Đồng Tháp có hơn 121 ngàn con heo (khối lượng trên 7.900 tấn) bị tiêu hủy do mắc bệnh DTHCP, chiếm trên 46% tổng đàn heo của toàn tỉnh. Các huyện, thị xã, thành phố đã chi hỗ trợ cho những hộ chăn nuôi bị thiệt hại vì DTHCP hơn 157 tỷ đồng (tổng dự toán trên 233 tỷ đồng). “Cơn bão” DTHCP quét qua, để lại hậu quả nặng nề không chỉ đối với người chăn nuôi mà còn cả đối với những hộ kinh doanh thức ăn, thuốc thú y. Bởi buôn bán ế ẩm hơn; nhiều người nuôi heo mua thiếu tiền thức ăn, thuốc thú y, khi làm ăn thất bại, bà con không có điều kiện trả tiền cho cửa hàng. Chưa kể, DTHCP còn gây thiệt hại kép đối với nhiều hộ sống bằng nghề truyền thống làm bột, nuôi heo ở huyện Châu Thành, TP.Sa Đéc.


Heo chết do mắc dịch tả heo Châu Phi 

Tái đàn bất chấp khuyến cáo

Đến nay, một số xã, phường, thị trấn qua 30 ngày mà không phát sinh thêm ổ DTHCP mới. Tuy nhiên, tình hình bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp trong thời gian tới. Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), chỉ tính từ ngày 27/9/2019 - 3/10/2019, bình quân mỗi ngày, toàn tỉnh có 11 hộ chăn nuôi có heo mắc bệnh và tiêu hủy khoảng 130 con/ngày. DTHCP sẽ có nguy cơ bùng phát và lây lan trên diện rộng nếu người chăn nuôi không thực hiện tốt các yêu cầu về an toàn sinh học như sử dụng trực tiếp nguồn nước sông chưa qua xử lý để vệ sinh chuồng trại; không kiểm soát tốt và thực hiện vệ sinh, tiêu độc khử trùng ở người, phương tiện ra vào chuồng nuôi; không chú ý tăng cường sức đề kháng và chăm sóc đàn heo chu đáo.

Nuôi heo là nghề truyền thống của nhiều gia đình và gần đây, giá heo hơi đang “sốt” (trên 50 ngàn đồng/kg). Theo Sở NN&PTNT, có hộ chăn nuôi heo ở một số địa phương trong tỉnh tái đàn một cách tự phát. Việc tái đàn ở thời điểm DTHCP đang diễn ra có thể làm cho dịch tái phát, kéo dài, liên tục và tiếp tục gây thiệt hại kinh tế cho người chăn nuôi. Trước tình hình đó, Sở có văn bản đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố; Phòng Nông nghiệp, Phòng Kinh tế phối hợp, chỉ đạo những đơn vị trực thuộc đẩy mạnh khuyến cáo, tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân không tái đàn heo khi chưa có quyết định công bố hết DTHCP.

Dù được khuyến cáo không nên tái đàn heo trong giai đoạn hiện nay và bản thân đoán biết nguy cơ nhiễm bệnh cao nhưng một số người vẫn “nhắm mắt đánh liều” tiếp tục mua con giống về thả nuôi. Không ít hộ phải nếm “trái đắng” bởi DTHCP lần hai. Sau khi đàn heo của mình bị tiêu hủy vì mắc DTHCP, anh Trần Trung Hiền (ở xã Tân Phú Trung) mua lại hơn 40 con heo con để nuôi. Mới thả nuôi được khoảng 1 tuần, nhận thấy tình hình heo không ổn, anh bán bớt, chỉ chừa lại 15 con nuôi tiếp. Anh Hiền cho biết: “Tôi nuôi thử nghiệm xem heo có mắc DTHCP nữa hay không để tăng số lượng nhiều hơn. Trước và sau khi thả con giống, tôi vệ sinh, sát trùng chuồng rất kỹ; cho heo ăn uống bằng nước sạch có pha chất khử trùng cloramin B; cách ly heo tuyệt đối với những tác nhân có nguy cơ lây bệnh... Đã làm nhiều cách nhưng 15 con heo còn lại vẫn nhiễm bệnh, chết từ từ hết. Tôi đã đặt mua 50 con heo nái mà thấy vậy nên hủy luôn, không dám nuôi nữa”.

Ông Lương Thanh Minh - Trưởng Phòng Hành chính - Tổng hợp, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Châu Thành cho hay: “Dù đã tuyên truyền, khuyến cáo không nên tái đàn trong thời gian này, song, đến ngày 9/10, có 8 hộ (ở xã Tân Bình và Tân Phú Trung) từng bị thiệt hại bởi DTHCP đã tái đàn với 215 con heo. Chưa nuôi được bao lâu, có hộ đã phải bán tháo heo vì xuất hiện triệu chứng bị DTHCP. Những hộ tái đàn tự phát này đều có làm cam kết khi heo chết do DTHCP thì bà con phải tự chịu chi phí xử lý, đảm bảo đúng quy trình, vệ sinh và không được nhận số tiền hỗ trợ từ Nhà nước”.

N.AN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn