Kết nối tạo việc làm ổn định cho người lao động
Cập nhật ngày: 29/10/2019 10:00:35
ĐTO - Từ đầu năm 2019 đến nay, toàn tỉnh có gần 30.000 lao động (LĐ) được tư vấn, giới thiệu việc làm trong các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, thương mại, dịch vụ. Trong đó có gần 1.830 LĐ đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng. UBND tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), UBND các huyện, thị xã, thành phố, Phòng LĐ - TB&XH các địa phương trong tỉnh đã thực hiện, phối hợp đề ra nhiều giải pháp đào tạo nghề, tạo việc làm cho người LĐ tại địa phương.
Học viên Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Tháp học nghề hàn do doanh nghiệp đặt hàng tuyển dụng
UBND tỉnh, các sở, ngành đã tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, chủ động tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thủ tục đất đai, giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, công ty hoạt động, mở ra cơ hội việc làm cho người LĐ tại địa phương và địa bàn lân cận. Đa số LĐ làm việc tập trung vào lĩnh vực chế biến thực phẩm, thủy sản, nông nghiệp, may mặc... Hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp tiếp tục được phát triển ổn định trong toàn tỉnh. Các dự án khởi nghiệp được tập huấn về chuyên môn, xem xét các nguồn vốn vay từ nhiều nguồn mở rộng quy mô, thị trường tiêu thụ sản phẩm, qua đó đã tạo việc làm cho LĐ nông thôn có thu nhập ổn định mỗi tháng và trong thời gian nhàn rỗi. Toàn tỉnh hiện có 25 cơ sở tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp đào tạo đa ngành từ các ngành kỹ thuật công nghệ, kinh tế, dịch vụ. Trong đó có các nghề mới như chăm sóc sắc đẹp, trồng trọt, bảo vệ thực vật, thư viện, thiết bị trường học..., hoạt động giảng dạy diễn ra tại các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh giúp LĐ có thể tham gia học tập mà không mất nhiều chi phí, thời gian.
Các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đã triển khai, thực hiện các giải pháp đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho LĐ nông thôn, tư vấn, giới thiệu việc làm trong, ngoài tỉnh, đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Tại huyện Tam Nông, các xã, thị trấn thực hiện công tác tuyên truyền, vận động trực tiếp tại hộ gia đình, tập trung vào các hộ gia đình nghèo, có con em đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Phòng LĐ - TB&XH huyện tham mưu, đề xuất khen thưởng các cá nhân, tập thể làm tốt công tác tư vấn, giới thiệu việc làm; phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội tuyên truyền tại các hoạt động sinh hoạt thường kỳ. Tại huyện Thanh Bình, tất cả các xã, thị trấn của huyện qua tuyên truyền vận động đều có LĐ đăng ký đi làm việc trong, ngoài tỉnh, đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Phòng LĐ -TB&XH phối hợp cùng UBND các xã cù lao tư vấn các LĐ chưa có việc làm, vận động tham gia các phiên giao dịch việc làm (GDVL). Tại huyện Tháp Mười, các doanh nghiệp Công ty Tỷ Thạc, Công ty Cổ phần thực phẩm bánh gạo One One Miền Nam, Công ty Cổ phần Sao Mai... là một trong số các doanh nghiệp không chỉ tham gia tích cực vào các hoạt động an sinh xã hội mà còn tạo việc làm cho hàng ngàn LĐ địa phương.
Từ đầu năm 2019 đến nay, toàn tỉnh tổ chức 10 phiên GDVL, hơn 160 doanh nghiệp tham gia phỏng vấn, tuyển dụng LĐ, có hơn 7.000 LĐ tham dự phiên GDVL. Chất lượng các phiên GDVL được tổ chức mỗi tháng theo hướng có sự cải tiến, Trung tâm Dịch vụ Việc làm (DVVL) Đồng Tháp phối hợp cùng các địa phương, ngành tổ chức xe đưa, rước các em học sinh, sinh viên, người LĐ có nhu cầu tìm hiểu thông tin về nghề, việc làm trong, ngoài tỉnh hoặc đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng. Đồng thời, Trung tâm DVVL Đồng Tháp cũng kết hợp khai giảng các lớp đào tạo định hướng, ngoại ngữ cho học sinh, học viên về định hướng nghề nghiệp việc làm. Chủ động mời chủ tịch nghiệp đoàn, đại diện công ty tuyển dụng đến phỏng vấn và định hướng hỗ trợ người LĐ có các bước chuẩn bị về môi trường làm việc, thu nhập. Một số công ty, doanh nghiệp trong ngoài tỉnh cũng chủ động tham gia tại phiên GDVL để tuyển dụng LĐ làm việc tại Bình Dương, Đồng Nai, TP.Hồ Chí Minh, Long An với các tiêu chuẩn về LĐ phổ thông.
Chủ động kết nối với các nghiệp đoàn tìm kiếm cơ hội cho người LĐ từ đầu năm 2019 đến nay, lãnh đạo UBND tỉnh, các sở, ngành đã khảo sát thực tế về tình hình tuyển dụng LĐ sang nước ngoài làm việc, đồng thời có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho LĐ như kéo dài độ tuổi đối với LĐ thời vụ; ký kết các biên bản ghi nhớ với các nghiệp đoàn, nhà máy của Nhật Bản tạo việc làm cho hơn 1.000 LĐ sang Nhật Bản làm việc mỗi năm với thu nhập cao. Hướng đến thị trường đào tạo LĐ có trình độ, thu nhập cao, UBND tỉnh đã triển khai kế hoạch tăng cường gắn kết giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, theo đó các ngành, đơn vị đào tạo đổi mới chương trình, chất lượng đào tạo, gắn kết với đơn vị tuyển dụng đáp ứng quá trình sản xuất, kinh doanh của đơn vị sử dụng LĐ. Chủ động kết nối các nguồn lực, thực hiện hiệu quả chính sách xã hội hóa giáo dục nghề nghiệp, huy động doanh nghiệp vào tham gia đào tạo, ký kết, đặt hàng tạo việc làm cho học sinh, sinh viên, người LĐ sau khi hoàn thành chương trình đào tạo.
C.Phương