Rà soát cụ thể tình hình triển khai thực hiện quy hoạch từng cụm công nghiệp trên địa bàn
Cập nhật ngày: 02/12/2019 05:09:22
ĐTO - Vừa qua, Đoàn Ban Kinh tế - Ngân sách, Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh đến làm việc với Sở Công Thương về tình hình triển khai, kết quả thực hiện quy hoạch, quản lý quy hoạch đầu tư xây dựng, hiệu quả của các cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn tỉnh.
Ông Trần Văn Hiếu – Trưởng Ban Kinh tế – Ngân sách, Hội đồng nhân dân tỉnh phát biểu tại buổi làm việc
Sở Công Thương cho biết, theo Phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp tỉnh Đồng Tháp đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, tỉnh Đồng Tháp có 30 CCN với tổng diện tích 1.290ha. Đến nay, UBND tỉnh đã có quyết định thành lập 15 CCN với tổng diện tích 541ha. Trong đó, 12 CCN đã hoạt động với tổng diện tích 405ha và 3 CCN chưa hoạt động với tổng diện tích 136ha. Hiện còn 15 CCN có trong quy hoạch chưa được thành lập.
Về công tác bố trí vốn đầu tư cho CCN đã được Sở Kế hoạch và Đầu tư bố trí thông qua kế hoạch vốn trung hạn và vốn hàng năm. Đến nay, tổng vốn đầu tư 15 CCN dự kiến là 1.944 tỷ đồng, trong đó có 768 tỷ đồng vốn doanh nghiệp; 1.135,1 tỷ đồng vốn ngân sách địa phương; 40,9 tỷ đồng vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng. Về tỷ lệ lấp đầy các CCN đã hoạt động: Tổng diện tích đất công nghiệp của 12 CCN đã hoạt động là 227ha, trong đó diện tích đất đã cho thuê là 179ha, đạt tỷ lệ lấp đầy bình quân khoảng 79%.
Tuy nhiên, theo Sở Công Thương việc triển khai thực hiện công tác này hiện nay đang gặp nhiều khó khăn: công tác đền bù giải phóng mặt bằng, thu hồi đất gặp khó khăn, nhất là trong việc thỏa thuận giá đất với dân; việc lập và phê duyệt dự án đầu tư hạ tầng cũng như tiến độ thực hiện đầu tư của các CCN do huyện làm chủ đầu tư còn chậm; địa điểm quy hoạch CCN không còn hấp dẫn nhà đầu tư, chi phí đầu tư lớn ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp; việc thu hút các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng CCN còn khó khăn do các doanh nghiệp bị hạn chế về vốn, thụ động trong việc đầu tư hạ tầng CCN;...
Qua 2 ngày khảo sát thực tế và báo cáo từ Sở Công Thương, để việc xây dựng và thực hiện quản lý, phát triển các CCN trên địa bàn hiệu quả, ông Trần Văn Hiếu, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND tỉnh đề nghị, Sở Công Thương rà soát thật cụ thể tình hình triển khai thực hiện, chưa thực thực hiện, phân tích nguyên nhân khó khăn, vướng mắc từng CCN để tham mưu UBND tỉnh, HĐND tỉnh có giải pháp xử lý. Với vai trò chủ trì, Sở Công Thương cùng với các ngành và UBND các địa phương thẩm định tham mưu UBND tỉnh trong việc hủy bỏ các CCN chưa triển khai vì không có nhà đầu tư hoặc không hiệu quả được các địa phương kiến nghị hủy bỏ quy hoạch; điều chỉnh tăng, giảm diện tích các CCN cho phù hợp với tình hình thực tế. Tham mưu UBND tỉnh tổ chức sơ kết, đánh giá kết quả thực hiện công tác này để có điều chỉnh, kịp thời bổ sung quy hoạch phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh cũng như quy hoạch của ngành công nghiệp;...
BÍCH LIỄU