Tín hiệu tích cực từ công tác tuyển sinh học nghề

Cập nhật ngày: 06/11/2019 15:55:25

ĐTO - Tuyển sinh học nghề là một trong những định hướng nghề nghiệp cho học sinh (HS) THCS, THPT nhằm giảm thiểu tình trạng HS bỏ học, nghỉ học hoặc chọn ngành, nghề không phù hợp với trình độ học vấn, điều kiện kinh tế gia đình, nhu cầu xã hội. Từ đầu năm 2019 đến nay, UBND tỉnh, huyện, thị xã, thành phố, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai, thực hiện các giải pháp đầu tư cơ sở vật chất các trường, cơ sở dạy nghề, chủ động mở các nghề mới, giới thiệu việc làm cho HS, sinh viên (SV) sau khi ra trường.


Học sinh tham gia tư vấn học nghề tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Tháp

Từ năm 2017 đến tháng 6/2019 tuyển sinh cao đẳng, trung cấp toàn tỉnh đều vượt so với chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Năm 2018 có gần 5.000 học viên, HS, SV tham gia học nghề; 6 tháng đầu năm 2019 toàn tỉnh có 3.000 HS, SV, học viên được tuyển mới. Sở LĐ-TB&XH cùng các sở, ngành đã tham mưu UBND tỉnh triển khai, thực hiện các giải pháp liên quan đến cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) toàn tỉnh, trong đó tập trung phát triển mạng lưới cơ sở GDNN, đầu tư, hoàn thiện cơ sở vật chất, đổi mới hệ thống tổ chức, quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh, sáp nhập cơ sở GDNN, chuyển nhiệm vụ giáo dục thường xuyên về ngành GD&ĐT, chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, giáo viên tham gia đào tạo nghề nghiệp...

Toàn tỉnh hiện có 25 cơ sở GDNN tham gia hoạt động đào tạo gồm hệ cao đẳng, trung cấp, GDNN. Các huyện, thị xã, thành phố đều có các cơ sở GDNN tạo điều kiện cho HS, SV đăng ký tham gia học tập sau khi hoàn thành chương trình THCS, THPT. Từ năm 2011 đến nay, có 13 cơ sở GDNN được đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo. Với nguồn kinh phí Trung ương hỗ trợ chủ yếu mua sắm trang, thiết bị, nguồn ngân sách địa phương tập trung đầu tư cơ sở vật chất cho các trường, trung tâm. Các nghề được đầu tư gồm: điện công nghiệp, kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí, cắt gọt kim loại, chế biến và bảo quản thủy sản, nuôi trồng thủy sản... Các chương trình, giáo trình được Sở LĐ –TB&XH cập nhật, chỉnh sửa mỗi năm theo quy định, áp dụng đồng bộ, thống nhất trên địa bàn tỉnh.

Những năm trước đây, do khó khăn trong việc tuyển sinh, nên một số trang thiết bị ở các cơ sở GDNN chưa phát huy hiệu quả sử dụng cho việc giảng dạy. Khắc phục tình trạng trên, Sở LĐ-TB&XH phối hợp với các sở, ngành liên quan tiến hành rà soát, đánh giá, tham mưu UBND tỉnh xem xét, điều chuyển trang, thiết bị giữa các đơn vị đào tạo. Đồng thời có văn bản nhắc nhở các đơn vị bảo quản trang thiết bị đúng yêu cầu, mục đích sử dụng. Các trường cao đẳng, trung cấp nghề đã đào tạo 63 ngành, nghề trong tổng số 135 ngành nghề tất cả các lĩnh vực. Các ngành, nghề được các đơn vị trường, cơ sở GDNN chọn khá đa dạng như kế toán, kỹ thuật xây dựng, văn thư hành chính, thiết kế đồ họa, thú y… Ngoài hình thức học chính quy tập trung, các trường, cơ sở GDNN có hệ vừa học vừa làm, hoặc liên thông trung cấp, cao đẳng. HS khi tham gia học nghề được hưởng các hỗ trợ về học phí, xét học bổng, xét ở ký túc xá, tặng xe đạp...

Sở LĐ – TB&XH, các đơn vị trực thuộc thực hiện, phối hợp với các sở, ngành tổ chức các hoạt động tư vấn, hướng nghiệp cho HS tại các điểm trường THCS, THPT; cập nhật thông tin tư vấn học nghề tại các phiên giao dịch việc làm do Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Tháp tổ chức mỗi tháng. Hoạt động tư vấn tác động tích cực đến suy nghĩ chọn lựa nghề nghiệp của các em HS. Em Lê Thị Mỹ Trinh - học sinh lớp 12CB6, Trường THPT Đốc Binh Kiều, huyện Tháp Mười cho biết: “Trường em cũng có tư vấn tuyển sinh chọn ngành nghề, giúp em có kiến thức về nghề, mong muốn của em là tham gia học các ngành, nghề phù hợp với khả năng. Em không chọn nghề theo số đông, mà em chọn nghề nào xã hội cần và có thu nhập tương đối tốt. Bản thân em cũng suy nghĩ không chọn ngành bản thân không thích, ra trường khó xin việc làm, dù đó là hệ đại học...”. Các đơn vị trường THCS, THPT cũng kết nối chặt chẽ với các Phòng LĐ-TB&XH, Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Tháp, trường cao đẳng, trung cấp, cơ sở GDNN trong hoạt động tư vấn, tuyển sinh học nghề. Theo Sở LĐ-TB&XH, đối với tuyển sinh, mỗi năm công tác tuyển sinh đào tạo đều đạt, vượt kế hoạch đề ra, tỷ lệ HS, SV, học viên ra trường có việc làm trong, ngoài nước đạt khoảng 75%.

Hiện nay, đảm bảo số lượng tuyển sinh cao đẳng, trung cấp, các đơn vị tham gia dạy nghề đã đề ra các giải pháp trong công tác tư vấn, tuyên truyền, hỗ trợ HS, SV, học viên học nghề. Đồng thời xây dựng kế hoạch nâng cao chất lượng đào tạo nghề nghiệp, giảng dạy văn hóa đối với hệ giáo dục thường xuyên, chủ động ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy, gắn kết đào tạo với doanh nghiệp, thực hiện tiêu chí, tiêu chuẩn về kiểm định chất lượng GDNN. Tiếp tục triển khai, thực hiện Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng HS trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2019 - 2025”.

C.Phương

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn