Đề thi môn Ngữ văn bám sát chương trình ôn tập

Cập nhật ngày: 25/06/2018 11:49:27

Sáng 25/6, thí sinh (TS) bước vào môn thi đầu tiên là môn Ngữ văn với thời gian làm bài 120 phút. Dù đã chuẩn bị khá tốt cho kỳ thi, nhưng nhiều TS vẫn cảm thấy lo lắng trước “giờ G”. Tuy nhiên, có vẻ đề thi Ngữ văn năm nay không quá khó và vừa sức đối với nhiều TS.

Theo Cô Phạm Thị Tường Vi – Tổ trưởng Tổ Ngữ văn – Trường THPT Tân Thành A (huyện Tân Hồng), đề thi Ngữ văn năm nay, bám sát nội dung chương trình dạy và học, đồng thời theo đúng với cấu trúc đề tham khảo của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đề không quá khó, kiểu dạng quen thuộc và có thể gợi được nhiều hứng thú để TS làm bài. Học sinh ôn tập nghiêm túc có thể đạt điểm trung bình trở lên.

“Phần đọc hiểu các câu hỏi đầy đủ các mức độ: nhận biết, thông hiểu và vận dụng. Với đoạn văn 200 chữ mang nội dung thực tế khi yêu cầu học sinh nêu suy nghĩ của mình về sứ mệnh đánh thức tiềm lực đất nước trong thời điểm hiện nay. Còn câu làm văn 5 điểm cũng rất hay, có liên hệ với nội dung lớp 11, có tính phân loại học sinh cao để xét tốt nghiệp và cao đẳng, đại học” – cô Vy chia sẻ.


Thí sinh điểm thi Trường THCS An Thạnh, TX.Hồng Ngự phấn khởi sau khi hoàn thành bài thi môn Ngữ văn

Em Trần Thị Trúc Chi - học sinh lớp 12XH, Trường THPT Lai Vung 2, nói: “Em cảm nhận đề thi có phần phân hóa hơn năm rồi một ít. Tuy nhiên, mấy bạn chuẩn bị kỹ thì có thể làm lấy điểm đậu tốt nghiệp không khó. Riêng em muốn xét vào đại học nên có sự chuẩn bị khá tốt từ đầu và có đầu tư nâng cao kiến thức nên em tự tin bài thi sáng nay em làm trên 6 điểm”.

Cô Lê Thị Thùy Ngân –  giáo viên môn Ngữ văn, Trường THPT Lấp Vò 1 chia sẻ: “Về cấu trúc đề thi không có sự bất ngờ với các em. Về mức độ đề thi thì các em có thể đạt 5 điểm nếu có sự ôn tập kỹ, tuy nhiên, đề thi năm nay đã có sự phân hóa học sinh, với những em khá giỏi mới có thể đạt từ điểm 8 trở lên.”


Phụ huynh chờ đón thí sinh thi môn Ngữ văn tại Trường THPT Lấp Vò 1

Cô Thùy Ngân cho biết thêm, phần thi đọc hiểu, các em có thể làm tốt, câu nghị luận xã hội về “sứ mệnh đánh thức tiềm lực đất nước của mỗi cá nhân” vì gắn với hiện thực cuộc sống, các em có thể liên tưởng bày tỏ quan điểm và ý thức, trách nhiệm cá nhân mình với xã hội. Về phần nghị luận văn học, các em phải có sự kết hợp giữa kiến thức và kỹ năng làm văn.

Em Phạm Văn Lực, TS đến từ Trường THPT Trường Xuân cho biết: “Đề thi có 2 phần, phần đọc hiểu và làm văn. Phần đọc hiểu khá hay vì bám sát và có liên hệ thực tế. Phần làm văn, câu 2 tương đối khó và dài phải liên hệ nội dung của cả 2 tác phẩm văn học: Hai đứa trẻ (kiến thức lớp 11) và Chiếc thuyền ngoài xa (kiến thức lớp 12). Em khá tự tin với phần đọc hiểu, còn phần làm văn em chưa hài lòng lắm về bài làm của mình vì có nhiều nội dung em chưa biểu đạt hết theo yêu cầu của đề”.


Thí sinh tại điểm thi Trường THPT Tháp Mười bàn luận đề thi môn Ngữ văn sau khi rời phòng thi

TS Nguyễn Tấn Lộc, lớp 12B1 Trường THPT TP.Sa Đéc cho rằng: “Nội dung câu hỏi chú trọng hơn về phần tư duy và kiến thức thực tế, chứ kiến thức sách vở thì ít hơn. Tuy nhiên, phần nghị luận về một vấn đề xã hội đòi hỏi TS phải có kiến thức thực tiễn, có nhiều thông tin,… nên có thể dễ với bạn này nhưng khó với bạn khác”.

Chiều nay, TS thi môn Toán, với thời gian làm bài 90 phút.

Nhóm phóng viên và cộng tác viên

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn