Hiệu quả bước đầu việc triển khai giáo dục STEM

Cập nhật ngày: 27/09/2019 10:29:30

ĐTO - Giáo dục (GD) STEM nhằm trang bị cho người học những kiến thức và kỹ năng cần thiết liên quan đến các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học. Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) triển khai GD STEM trong chương trình GD phổ thông; tổ chức thí điểm tại một số trường phổ thông từ năm 2017. Tại Đồng Tháp, với sự hỗ trợ của Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT huyện Tháp Mười, Trường THCS Mỹ Quý, huyện Tháp Mười đã triển khai, thực hiện GD STEM, bước đầu mang lại hiệu quả tích cực.

Sau khi được Sở GD&ĐT tạo điều kiện tập huấn, giới thiệu với hoạt động GD STEM, Ban giám hiệu Trường THCS Mỹ Quý, huyện Tháp Mười đã triển khai đến giáo viên (GV), học sinh (HS). Căn cứ vào tình hình thực tế của đơn vị, nhà trường đã nghiên cứu một số dự án, các mô hình tiết kiệm chi phí, phù hợp với GV, HS có thể áp dụng vào giảng dạy, kết hợp tổ chức dạy học lồng ghép, tích hợp liên môn và dạy học theo phương thức GD STEM. Thời gian đầu, một số GV lo lắng về lượng kiến thức và phương pháp truyền đạt cho HS trong quá trình giảng dạy. Một số HS chưa có thói quen về tư duy phản biện nên khi được giao nhiệm vụ học tập, không phát huy được khả năng hợp tác trong nhóm... Những hạn chế của HS, được Ban giám hiệu trường, GV chia sẻ, động viên, khuyến khích, tạo điều kiện để các em tham gia, gắn bó với hoạt động GD STEM.

Ban giám hiệu trường, Tổ chuyên môn theo dõi, tổ chức thực hiện các tiết dạy học theo chủ đề “tích hợp liên môn”, dự giờ thao giảng rút kinh nghiệm ở một vài tiết dạy, kiểm tra, theo dõi việc thực hiện, đánh giá hiệu quả mô hình. Các GV chủ động tìm kiếm thông tin từ nhiều nguồn, quan tâm đến ứng dụng thực hành, vận dụng kiến thức giải quyết vấn đề thực tiễn, nhất là đối với các môn: Vật lý, Hóa học, Sinh học và Toán. Nỗ lực vượt qua khó khăn, nhà trường mạnh dạn thực hiện triển khai dạy học STEM có áp dụng công nghệ 4.0 điều khiển từ xa, do giáo viên bộ môn Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học và Toán phụ trách với 2 mô hình “Trồng cải xanh trong ống nhựa có hệ thống quan sát và tưới từ xa qua điện thoại di động” và “Nuôi và sinh sản cua đồng”. Mô hình đã mang lại hiệu quả tích cực, GV, HS tham gia đã vận dụng những kiến thức tích hợp được học, ứng dụng vào thực tế chăm sóc cây và con cua đồng được nuôi và trồng tại 1 góc khuôn viên trường.

Theo Ban giám hiệu Trường THCS Mỹ Quý, khi áp dụng GD STEM GV, HS thích thú với công nghệ mới, nghiên cứu khoa học, tích lũy được kỹ năng làm việc nhóm, ứng dụng công nghệ vào thực tiễn và phát huy được năng lực. Đồng thời sản phẩm được tạo ra đảm bảo chất lượng, an toàn, tốt cho sức khỏe. Sau thời gian thực hiện triển khai GD STEM, các mô hình của Trường THCS Mỹ Quý đã được Ban giám hiệu, GV chọn tham gia Hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật các cấp. Năm học 2016 – 2017, trường đã đạt 5 giải cấp huyện; năm học 2017 – 2018, trường đạt 2 giải ba cấp huyện và 1 giải nhì cấp tỉnh; năm học 2018 – 2019 đạt 4 giải cấp huyện, 2 giải cấp tỉnh. Ngoài ra, trường còn đạt 1 giải khuyến khích cấp Quốc gia.

Năm học 2019 – 2020, Sở GD&ĐT tiếp tục tạo điều kiện tốt để các trường đổi mới các chính sách, nội dung, phương pháp GD và dạy nghề nhằm tạo ra nguồn nhân lực có khả năng tiếp nhận các xu thế công nghệ sản xuất mới, thúc đẩy đào tạo về STEM bên cạnh hoạt động giảng dạy ngoại ngữ, tin học trong chương trình GD phổ thông. Sở đã tổ chức tập huấn toàn tỉnh về GD STEM cho cán bộ quản lý đối với các ngành học, cấp học. Với sự hỗ trợ tích cực của Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT huyện Tháp Mười, GV, HS Trường THCS Mỹ Quý tiếp tục triển khai, thực hiện, duy trì các mô hình phù hợp gắn kết theo phương pháp tích hợp liên môn, tìm hiểu kiến thức, kỹ năng hỗ trợ HS gắn lý thuyết với thực hành, tạo sự thích thú đối với GV, HS khi tiếp cận với GD STEM.

C.PHƯƠNG

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn