Những điểm mới của Luật Giáo dục đại học sửa đổi 2018 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2019

Cập nhật ngày: 26/06/2019 10:39:47

Luật Giáo dục đại học sửa đổi 2018 (Luật GDĐH sửa đổi) đã được ban hành ngày 19/11/2018 và chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2019 với nhiều điểm mới, tiệm cận với thông lệ quốc tế, phù hợp hơn với thực tiễn ở Việt Nam. Luật GDĐH sửa đổi đã khắc phục được một số vấn đề bất cập, đồng thời vẫn đảm bảo ổn định hệ thống để phát triển.


Chính sách chất lượng là mục tiêu chiến lược của Trường Đại học Đồng Tháp

Thứ nhất, xác định quan điểm gắn đào tạo với nhu cầu sử dụng của thị trường lao động. Luật GDĐH sửa đổi đã bổ sung một số chính sách của Nhà nước về phát triển GDĐH. Luật yêu cầu phải gắn đào tạo với nhu cầu sử dụng lao động của thị trường, nhằm khắc phục tình trạng sinh viên ra trường thiếu việc làm.

Thứ hai, không phân biệt văn bằng đại học (ĐH) theo hình thức đào tạo. Luật quy định văn bằng GDĐH thuộc hệ thống giáo dục quốc dân bao gồm: bằng cử nhân, bằng thạc sĩ, bằng tiến sĩ và văn bằng trình độ tương đương. Hình thức đào tạo để cấp văn bằng các trình độ đào tạo của GDĐH bao gồm: chính quy, vừa làm vừa học, đào tạo từ xa.

Thứ ba, bỏ quy định hiệu trưởng trường ĐH có nhiệm kỳ 5 năm. Nếu như trước đây, nhiệm kỳ của hiệu trưởng trường ĐH được quy định là 5 năm, thì nay nhiệm kỳ hoặc thời gian bổ nhiệm của hiệu trưởng do Hội đồng trường quyết định trong phạm vi nhiệm kỳ của Hội đồng. Luật sửa đổi đã bỏ quy định hiệu trưởng phải có thời gian tham gia quản lý cấp khoa, phòng của trường ít nhất 5 năm, thay vào đó chỉ yêu cầu phải có kinh nghiệm quản lý GDĐH. Luật sửa đổi vẫn giữ nguyên yêu cầu về việc hiệu trưởng trường ĐH phải có trình độ tiến sĩ.

Thứ tư, ĐH được tự chủ quyết định chính sách học phí, tuyển sinh. Cùng với việc mở rộng quyền tự chủ cho các trường ĐH, Luật quy định khá chi tiết về việc giao quyền tự chủ cho các trường trong: học thuật và hoạt động chuyên môn; tổ chức và nhân sự; tài chính và tài sản và các chính sách khác phù hợp với quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, để được thực hiện quyền tự chủ, các trường ĐH phải đáp ứng một số điều kiện như: đã thành lập hội đồng trường (là tổ chức quản trị, thực hiện quyền đại diện của chủ sở hữu và các bên có lợi ích liên quan); thực hiện phân quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình đến từng đơn vị, cá nhân trong trường; công khai điều kiện bảo đảm chất lượng, mức học phí, tỷ lệ sinh viên có việc làm...

Thứ năm, trường ĐH không được tiếp tục tuyển sinh nếu chưa kiểm định chất lượng.

Luật GDĐH sửa đổi quy định chặt chẽ hơn về điều kiện mở ngành đào tạo của các trường ĐH. Theo đó, trước khi khóa đầu tiên tốt nghiệp, các trường phải đánh giá chất lượng của chương trình đào tạo; ngay sau khi khóa đầu tiên tốt nghiệp, chương trình đào tạo phải được kiểm định. Trường hợp không đánh giá, kiểm định (hoặc kết quả đánh giá, kiểm định không đạt yêu cầu), các trường phải cải tiến, nâng cao chất lượng để đảm bảo chuẩn đầu ra; không được tiếp tục tuyển sinh ngành đó cho đến khi đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng.

Thứ sáu, thời gian đào tạo xác định theo số lượng tín chỉ. Luật GDĐH sửa đổi quy định thời gian đào tạo được xác định trên cơ sở số lượng tín chỉ phải tích lũy cho từng chương trình và trình độ đào tạo. Số lượng tín chỉ cần tích lũy đối với mỗi trình độ được quy định trong Khung trình độ quốc gia Việt Nam do Thủ tướng phê duyệt. Hiệu trưởng các trường ĐH quyết định số lượng tín chỉ phải tích lũy cho từng chương trình và trình độ đào tạo.

Bên cạnh đó, Luật GDĐH sửa đổi còn có các quy định mới mang ý nghĩa tạo động lực phát triển như: quy định chi tiết về quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình của cơ sở GDĐH, trách nhiệm phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo trong cơ sở GDĐH phục vụ phát triển đất nước; bổ sung tổ chức “doanh nghiệp” trong cơ cấu tổ chức của trường ĐH... Theo nhận định của nhiều nhà giáo, Luật GDĐH sửa đổi sẽ tạo cơ sở pháp lý quan trọng thúc đẩy thực hiện tự chủ ĐH, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nâng cao chất lượng GDĐH, bảo đảm hội nhập quốc tế, đáp ứng tốt hơn nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

HIẾU TRI (tổng hợp)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn