Thực hiện tốt công tác quản lý chất lượng
Cập nhật ngày: 14/12/2024 05:14:00
ĐTO - Quản lý chất lượng là một trong những nhiệm vụ được Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) triển khai, thực hiện theo đúng hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, đảm bảo tính công khai, minh bạch, phản ánh thực chất kết quả dạy và học của giáo viên, học sinh từng cấp học.
Giáo viên làm thủ tục coi thi trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024
Sở GD&ĐT ban hành các văn bản liên quan hướng dẫn đơn vị trực thuộc, Phòng GD&ĐT, các đơn vị trường thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm học; công khai hoạt động của cơ sở giáo dục; công tác tuyển sinh lớp 10, lớp 10 chuyên; thi tốt nghiệp THPT; quy định chuyển trường, tiếp nhận học sinh tại các trường THCS, THPT; quản lý phôi, cấp văn bằng, chứng chỉ...
Sở GD&ĐT tổ chức tốt Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, tập huấn các quy định, nhiệm vụ cho học sinh, giáo viên và cán bộ tham gia; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để giảm bớt chi phí và tăng cường hiệu quả các khâu tổ chức kỳ thi. Sở GD&ĐT phối hợp với các thành viên Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh đảm bảo tuyệt đối an ninh trật tự, an toàn tại các Điểm thi, tạo điều kiện thuận lợi về chỗ ăn, ở cho thí sinh, người nhà của thí sinh, các cán bộ, giáo viên tham gia công tác thi. Kết quả, tỷ lệ thí sinh đỗ tốt nghiệp THPT đạt hơn 99,6% (gồm THPT và Giáo dục thường xuyên).
Đồng thời phối hợp tổ chức hoạt động tình nguyện tiếp sức mùa thi để tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ các thí sinh. Công tác chấm thi thực hiện đúng theo quy chế, hướng dẫn của Bộ GD&ĐT nghiêm túc, an toàn. Đối với tuyển sinh lớp 10, lớp 10 chuyên, Sở GD&ĐT tổ chức thi tuyển và xét tuyển theo quy chế từ khâu lập dữ liệu, ra đề thi, in sao đề thi, coi thi, chấm thi. Việc xét tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2024 - 2025 bằng hình thức xét tuyển dựa vào kết quả rèn luyện, học tập 4 năm học bậc THCS của học sinh, giảm bớt áp lực thi cử cho học sinh cuối cấp THCS; giúp giảm kinh phí trong công tác tuyển sinh vào lớp 10 hàng năm. Đối với học sinh có nguyện vọng vào học trường chuyên, công tác tổ chức thi nghiêm túc, có tính phân hóa cao tạo cơ hội cho học sinh có năng lực trúng tuyển vào trường chuyên.
Năm học 2024 - 2025, Sở GD&ĐT tiếp tục củng cố, đẩy mạnh hoạt động quản lý chất lượng của các đơn vị trực thuộc; Phòng GD&ĐT, Hiệu trưởng các trường THPT bố trí lãnh đạo phụ trách công tác quản lý chất lượng tại đơn vị. Cử cán bộ quản lý, giáo viên tham gia các lớp bồi dưỡng, tự bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ nâng cao năng lực đáp ứng yêu cầu công tác. Tổ chức tuyển chọn học sinh vào các đội tuyển tham dự kỳ thi chọn học sinh giỏi Quốc gia; thi chọn học sinh giỏi lớp 9, lớp 12; thực hiện đúng quy trình tuyển sinh vào lớp 10, lớp 10 chuyên an toàn, nghiêm túc theo quy định; đánh giá đúng trình độ, năng lực của người học. Phòng GD&ĐT, các đơn vị trường chuẩn bị chu đáo và triển khai thực hiện khảo sát chính thức chương trình đánh giá học sinh quốc tế (PISA) chu kỳ 2025 trên máy tính tại địa phương. Sở GD&ĐT, các phòng chuyên môn thực hiện chặt chẽ quản lý văn bằng, chứng chỉ (VBCC) theo các văn bản hướng dẫn của Bộ GD&ĐT; công tác chuyển đổi số trong quản lý VBCC, dịch vụ công, công khai thông tin về cấp VBCC theo quy định. Đồng thời phối hợp với cơ quan công an điều tra, xử lý nghiêm theo quy định các trường hợp mua bán, làm giả VBCC và sử dụng VBCC giả trên địa bàn.
Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT tham mưu, ban hành các văn bản chỉ đạo thực hiện công tác kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận trường đạt chuẩn Quốc gia, sử dụng kết quả kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận trường đạt chuẩn Quốc gia làm cơ sở đề xuất bổ sung nhân lực, thực hiện đầu tư cho các cấp học trong giai đoạn 2026 - 2030. Các đơn vị trường chủ động tự đánh giá nghiêm túc theo các tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá chất lượng giáo dục do Bộ GD&ĐT ban hành để xác định điểm mạnh, điểm yếu của nhà trường và có kế hoạch cải tiến chất lượng.
H.An