Công nghệ sinh học hướng đến sự phát triển bền vững
Cập nhật ngày: 01/12/2024 04:57:24
ĐTO - Hướng tới sự phát triển bền vững, thời gian qua, các sở, ngành quan tâm triển khai thực hiện ứng dụng công nghệ sinh học (CNSH) vào các lĩnh vực trên địa bàn tỉnh, bước đầu đạt được một số kết quả tích cực.
ThS. Nguyễn Văn Minh - Giảng viên Trường Đại học Mở TP Hồ Chí Minh chia sẻ chuyên đề “Agribiosol - Giải pháp công nghệ vi sinh ứng dụng trong nông nghiệp theo hướng an toàn, hữu cơ và bền vững”
Đưa công nghệ sinh học vào thực tiễn sản xuất
Theo đó, ngành nông nghiệp đẩy mạnh mô hình áp dụng quy trình thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP, GlobalGAP, LocalGAP), tập huấn sản xuất hữu cơ, an toàn, bền vững, thân thiện môi trường, chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện khu vực thông qua các lớp tập huấn, tọa đàm, mô hình, trình diễn.... Tăng cường ứng dụng công nghệ trong sơ chế, chế biến, bảo quản nông sản, thực phẩm hướng tới xuất khẩu sang các thị trường tiềm năng. Phối hợp Viện, Trường trong nghiên cứu và chuyển giao công nghệ mới, cải tạo giống, nghiên cứu chọn lọc cây đầu dòng; lai tạo, chọn giống mới, hướng tới nguồn giống chất lượng cao, đồng thời bảo tồn nguồn giống địa phương.
Việc ứng dụng CNSH cũng đạt nhiều kết quả nổi bật trong lĩnh vực y tế. Theo đó, ngành y tế triển khai các nhiệm vụ về chuyển giao công nghệ thực hiện chẩn đoán nhanh trong sàng lọc, chẩn đoán và giám định một số bệnh ở người; bước đầu phát triển công nghệ tế bào trong chẩn đoán, điều trị... Hướng đến sự phát triển ngành công nghiệp chế biến của tỉnh nhà, ngành công thương ứng dụng CNSH phục vụ lĩnh vực sản xuất và chế biến đạt nhiều kết quả tích cực, giúp doanh nghiệp khai thác, chế biến sâu các mặt hàng nông sản thế mạnh của tỉnh như: cá tra, sen, gạo...
Nhận thức được tầm quan trọng của CNSH, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 192/KH-UBND ngày 18/7/2017 về ứng dụng CNSH phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đồng Tháp đến năm 2030. Theo đó, giai đoạn 2017 - 2023, Đồng Tháp đạt được nhiều thành tựu trong nghiên cứu, ứng dụng CNSH vào thực tiễn, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, góp phần vào thực hiện hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh. Đặc biệt, ngày 16/4/2024, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Tháp ban hành Chương trình hành động số 73-CTr/TU thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển và ứng dụng CNSH phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới. Theo đó, Đồng Tháp đề ra mục miêu tổng quát trong thời gian tới là phát triển và ứng dụng CNSH trong nhiều lĩnh vực nhằm thay đổi cơ bản phương thức sản xuất, đổi mới mô hình tăng trưởng góp phần đưa tỉnh phát triển bền vững. Xây dựng ngành công nghiệp sinh học trở thành ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng, đóng góp tích cực vào tăng trưởng, đưa Đồng Tháp trở thành trung tâm sản xuất nông nghiệp và chế biến nông sản của vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Hòa chung vào sự phát triển đó, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Đồng Tháp (Liên hiệp Hội) đã tổ chức nhiều hoạt động liên quan góp phần đưa CNSH áp dụng vào thực tiễn. Vừa qua, Liên hiệp Hội phối hợp với Trường Đại học Mở TP Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị “Ứng dụng CNSH trong nông nghiệp theo hướng hữu cơ, an toàn và bền vững”. Tại đây, TS. Nguyễn Thành Hưng - Giảng viên Trường Đại học Mở TP Hồ Chí Minh thông tin về chuyên đề “Sử dụng selen (Se) để tăng cường dinh dưỡng và giảm nồng độ asen (As) tích lũy trong cây lúa trên đất ruộng nhiễm As ở ĐBSCL”. Theo TS. Nguyễn Thành Hưng, sự thiếu hụt Se trong đất và ô nhiễm As tại khu vực một số tỉnh ĐBSCL dẫn đến cây hấp thụ và bị tích trữ, có thể gây ảnh hưởng đến chất lượng nông sản và sức khỏe con người. Từ những kết quả thu thập được cho thấy việc sử dụng Se làm giảm sự hấp thụ As lên rễ cây lúa, từ đó ngăn chặn sự vận chuyển đến các bộ phận khác của cây.
Đẩy mạnh ứng dụng CNSH trong phát triển nông nghiệp bền vững, ThS. Nguyễn Văn Minh - Giảng viên Trường Đại học Mở TP Hồ Chí Minh chia sẻ chuyên đề: “Agribiosol - Giải pháp công nghệ vi sinh ứng dụng trong nông nghiệp theo hướng an toàn, hữu cơ và bền vững”. Với bộ sản phẩm và quy trình của dự án, giải pháp công nghệ vi sinh góp phần thay thế 100% kháng sinh trong nuôi tôm. Giải pháp CNSH chuyển đổi canh tác nông nghiệp theo hướng hữu cơ, an toàn bền vững đi từ giảm thiểu đến thay thế thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất.
Infographic về Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Đồng Tháp lần thứ 18 năm 2024 - 2025
Đòn bẩy từ công nghệ sinh học
Trên tinh thần khai thác, phát triển các lĩnh vực theo hướng bền vững, UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch Thực hiện Chương trình hành động số 73-CTr/TU ngày 16/4/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển và ứng dụng CNSH phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới. Kế hoạch này hướng tới mục tiêu đến năm 2030 đưa CNSH trở thành giải pháp ưu tiên trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; tập trung trên các lĩnh vực chọn tạo, nhân giống cây trồng, vật nuôi của các ngành hàng chủ lực của tỉnh, chế biến, bảo quản nông sản, chế biến phụ phẩm, phế phẩm trong nông nghiệp, y dược, xử lý môi trường.
Đồng thời, công nghiệp sinh học trở thành ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng của tỉnh, đóng góp ít nhất 7,0% vào GRDP của tỉnh; 50% doanh nghiệp khoa học công nghệ, doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo có sản phẩm CNSH hoặc sản phẩm tạo ra từ việc ứng dụng CNSH. Xây dựng nền công nghiệp sinh học có nguồn nhân lực chất lượng cao, cơ sở vật chất, kỹ thuật, tài chính đáp ứng yêu cầu nghiên cứu, phát triển và ứng dụng CNSH; phấn đấu là một trong những tỉnh có trình độ CNSH tiên tiến, trở thành trung tâm sản xuất nông nghiệp và chế biến nông sản của vùng ĐBSCL.
Tổng chi ngân sách cho hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo phấn đấu đạt 2% tổng chi ngân sách của tỉnh; trong đó, có ít nhất 30% mức chi sử dụng đầu tư cho CNSH.
Mục tiêu đến năm 2045, Đồng Tháp phấn đấu phát triển và ứng dụng CNSH đạt trình độ tiên tiến và được ứng dụng rộng rãi trong các ngành hàng chủ lực của tỉnh, các lĩnh vực ưu tiên như: nông nghiệp, chế biến nông sản, y dược, xử lý môi trường; góp phần đưa Đồng Tháp là tỉnh dẫn đầu cả nước trong một số lĩnh vực nông nghiệp, trung tâm nông nghiệp, du lịch sinh thái của vùng ĐBSCL. Công nghiệp sinh học là ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng, đóng góp ít nhất 10% vào GRDP của tỉnh.
Để đạt được mục tiêu đề ra, tỉnh triển khai một số nhiệm vụ giải pháp chủ yếu. Trong đó, đẩy mạnh nâng cao nhận thức về phát triển và ứng dụng CNSH trong tình hình mới; triển khai đồng bộ, xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển và ứng dụng CNSH.
Đồng thời, tỉnh tập trung phát triển ngành công nghiệp sinh học trên một số lĩnh vực trọng tâm. Đối với lĩnh vực nông nghiệp, triển khai các nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu chuyển tiếp làm tiền đề nghiên cứu và ứng dụng CNSH trong chọn tạo, phục tráng, nhân giống cây trồng, vật nuôi thích nghi với biến đổi khí hậu, chống chịu sâu bệnh, có năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao. Chú trọng việc chọn tạo, phục tráng, nhân giống cây trồng, vật nuôi chủ lực thuộc Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, cây trồng, vật nuôi đặc thù, có tiềm năng phát triển của tỉnh.
Triển khai nghiên cứu, ứng dụng CNSH để sản xuất các chế phẩm sinh học phòng bệnh cho vật nuôi, cây trồng, nhất là các loại dịch bệnh nguy hiểm, mới phát sinh; bảo tồn và phát triển các nguồn gen quý, hiếm. Triển khai và chuyển giao ứng dụng các hướng nghiên cứu mới như: chiết xuất hương liệu, phẩm màu, dược phẩm...; hoàn thiện quy trình sản xuất các sản phẩm lên men truyền thống của tỉnh. Ứng dụng CNSH trong phát triển các ngành hàng nông nghiệp chủ lực, đặc thù theo chuỗi giá trị, bền vững, tuần hoàn, thân thiện với môi trường, có giá trị gia tăng cao.
Tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án khung quỹ gen tỉnh Đồng Tháp; hỗ trợ, thúc đẩy ứng dụng CNSH trong sản xuất của các chủ thể (các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình, nông dân...).
Trong lĩnh vực công thương, khuyến khích, hỗ trợ các mô hình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, thu hút, kêu gọi đầu tư nghiên cứu, chế biến các phụ phẩm, phế phẩm thành những mặt hàng có giá trị gia tăng cao từ các ngành hàng chủ lực. Hỗ trợ doanh nghiệp CNSH nâng cao năng lực tiếp cận công nghệ mới, hình thành các doanh nghiệp công nghiệp sinh học theo chuỗi giá trị. Bên cạnh đó, tỉnh còn tập trung phát triển công nghiệp sinh học trên một số lĩnh vực môi trường, y dược, an ninh, quốc phòng.
Mặt khác, tỉnh còn tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về xây dựng nguồn nhân lực CNSH; tập trung đầu tư cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu nghiên cứu, phát triển và ứng dụng CNSH; sử dụng có hiệu quả nguồn lực trong hợp tác về CNSH...
Y Du