Huyện Lai Vung
Các làng nghề truyền thống rộn ràng mùa sản xuất Tết
Cập nhật ngày: 26/01/2025 18:19:26
ĐTO - Tết Nguyên Đán 2025 đang đến gần. Nhiều làng nghề truyền thống tại huyện Lai Vung đang tấp nập sản xuất đón vụ Tết phục vụ nhu cầu của người dân trong và ngoài tỉnh.
Những ngày cận Tết Nguyên đán 2025, các cơ sở sản xuất nem Lai Vung, không khí rất tất bật, nhộn nhịp. Bên trong cơ sở, máy xay thịt và đội ngũ công nhân hoạt động hết công suất nhằm cho ra những sản phẩm chả, nem; những thùng hàng đầy ắp được đóng gói cẩn thận, chờ ra tiêu thụ ngoài thị trường.
Dịp Tết, Cơ sở Nem Hoàng Khánh tăng thêm lượng nhân công lao động nhằm đáp ứng nhu cầu của du khách trong và ngoài tỉnh
Chị Đặng Thị Ngọc Thùy - chủ cơ sở Nem Hoàng Khánh (xã Tân Thành, huyện Lai Vung) cho hay, Tết luôn là thời điểm sản xuất nhiều sản phẩm nem, bì, chả lụa nhất. Nếu như ngày thường chỉ có khoảng 10-15 lao động thì nay cơ sở đã tăng lên 30-35 lao động để đáp ứng được sức tiêu thụ của thị trường tăng khoảng 40-50%. Mỗi ngày, cơ sở cung ứng cho thị trường hơn 10.000 sản phẩm nem, bì các loại.
Tương tự, Cơ sở sản xuất Nem Út Thẳng (xã Long Hậu, huyện Lai Vung) cũng đang tăng tốc sản xuất. Hiện, trung bình mỗi ngày cơ sở bán ra từ 10.000-12.000 chiếc nem, bì, chả lụa, tăng gấp đôi so với ngày thường. Để sản xuất đủ lượng hàng hóa cung cấp cho khách hàng, cơ sở đã có bước chuẩn bị như tăng gấp đôi số lượng công nhân, trang bị thêm máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất. Thời điểm tiêu thụ nem nhiều nhất là từ tháng Giêng đến tháng 4 ÂL, có nhiều khách du lịch ở các tỉnh miền Đông Nam bộ và các tỉnh miền Tây vui Xuân, vía Bà Chúa Xứ tại Châu Đốc, An Giang.
Công nhân Cơ sở sản xuất Nem Út Thẳng đang tập trung sản xuất sản phẩm nem, bì chả lụa phục vụ nhu cầu thị trường
Ông Lê Ngọc Thẳng - chủ Cơ sở sản xuất Nem Út Thẳng chia sẻ: “Lượng hàng sản xuất tăng cao cũng nhờ vào việc nghề làm nem Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp chính thức được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, góp phần giữ gìn và phát triển nghề thủ công truyền thống của địa phương. Điều này góp phần giữ gìn và phát triển nghề thủ công truyền thống của địa phương”.
Những ngày cuối năm đến với làng nghề bánh tráng xã Tân Phước chúng tôi cảm nhận được không khí hối hả của nhân công thực hiện các công đoạn tráng bánh, phơi bánh... Lượng hàng hóa tăng cao không chỉ đem lại niềm vui cho các chủ cơ sở mà còn giúp nhiều lao động địa phương có nguồn thu nhập ổn định.
Các cơ sở sản xuất bánh tráng thuộc xã Tân Phước đang vào vụ sản xuất lớn nhất trong năm
Nhiều hộ sản xuất bánh tráng Tân Phước cho biết, thời điểm gần Tết Nguyên đán, lượng đơn hàng đặt tăng cao nên lò bánh tranh thủ chạy hết công suất để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Mỗi ngày, mỗi hộ sản xuất cung ứng khoảng 2.000 bánh tráng ngọt cho thị trường, tăng gấp 2-3 lần so với ngày thường.
Với làng nghề cốm truyền thống thuộc xã Tân Thành, huyện Lai Vung, không khí hối hả của các cơ sở sản xuất cốm gạo với những tiếng nổ cốm liên tục hòa cùng mùi thơm đặc trưng. Khoảng gần 1 tháng nay, Cơ sở Thanh Thanh Thúy (xã Tân Thành, huyện Lai Vung) phải tăng thêm số lượng công nhân để kịp giao hàng cho các nhà phân phối trong tỉnh và thị trường TP Cần Thơ, tỉnh An Giang, TP Hồ Chí Minh và Đông Nam bộ...
Nhật Nam