Các sản phẩm từ làng nghề, làng nghề truyền thống góp phần giữ gìn nét riêng của địa phương

Cập nhật ngày: 22/02/2020 05:24:00

ĐTO - Toàn tỉnh hiện có 39 làng nghề tiểu thủ công nghiệp, trong đó có 21 làng nghề và 18 làng nghề truyền thống với các sản phẩm khá đa dạng (đan đát, chế biến lương thực, thực phẩm, trồng hoa kiểng, hàng thủ công mỹ nghệ...). Số hộ tham gia làm nghề trên 5.100 hộ (chiếm 15,75% tổng số hộ trên địa bàn có làng nghề, làng nghề truyền thống), với trên 11.200 lao động tham gia. Tổng thu nhập hàng năm của làng nghề khoảng 12,5 tỷ đồng.


Sản phẩm OCOP chế biến bằng nguyên liệu từ làng nghề truyền thống sản xuất bột của tỉnh được giới thiệu tại một chương trình Hội chợ triển lãm

Nhìn chung, các làng nghề hoạt động ổn định, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn. Ngoài ra, các nghề chưa được công nhận làng nghề nhưng có tiềm năng phát triển và nhân rộng, mang lại thu nhập ổn định cho người dân trên địa bàn tỉnh cũng rất đa dạng và phong phú. Hiện các địa phương đang tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất về việc đăng ký bảo hộ, chứng nhận nhãn hiệu gắn với quảng bá, xúc tiến thương mại để gắn kết trong chuỗi sản phẩm OCOP.

Năm qua, tỉnh đã tổ chức bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn cấp tỉnh năm 2019, kết quả có 10 sản phẩm từ các nghề truyền thống đạt sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh (nhang sen Liên Tâm; bộ sản phẩm: mắm và dưa mắm; hoa pha lê và sản phẩm handmade từ hạt cườm; cốm gạo hạt điều; khô cá tra Ngọc Điệp; muối sấy Ngọc Yến; nước mắm Dì Mười; nước mắm cá linh; bột sữa hạt sen Ba Tre; cơm sấy hạt sen thập cẩm). Tham gia bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp Quốc gia năm 2019, Đồng Tháp có 1/3 sản phẩm từ các nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống được công nhận (sản phẩm khô cá Tiến Phương).

Về việc tổ chức đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh năm 2019, có 70/73 sản phẩm của 30/32 chủ thể là doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh thuộc Chương trình OCOP của tỉnh đạt hạng từ 3 - 4 sao (gồm: 23 sản phẩm đạt hạng 4 sao và 47 sản phẩm đạt hạng 3 sao). Trong đó, các sản phẩm chế biến từ bột có nguồn gốc nguyên liệu từ làng nghề, làng nghề truyền thống về sản xuất bột của tỉnh.

Đến nay, các sản phẩm từ làng nghề, làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh có ý nghĩa và tầm quan trọng trong việc giữ gìn nét riêng của mỗi địa phương. Qua đó, góp phần quan trọng nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của làng nghề, làng nghề truyền thống.

Năm 2020, Đồng Tháp đề ra mục tiêu bảo tồn, xây dựng và phát triển các nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống có tiềm năng lợi thế, tạo thành các sản phẩm đặc trưng vùng miền, sản phẩm bản sắc, có giá trị văn hóa lâu đời của tỉnh. Đồng thời tập trung phát triển sản phẩm đặc thù riêng của từng địa phương gắn với Chương trình Mỗi xã một sản phẩm; quản lý các làng nghề được công nhận; hình thành các sản phẩm tiêu biểu phục vụ phát triển du lịch gắn với các điều kiện bảo vệ môi trường.

T.H

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn