Châu Thành thực hiện mô hình sản xuất lúa theo hướng giảm giá thành

Cập nhật ngày: 09/09/2020 14:01:56

ĐTO - Ngành nông nghiệp huyện Châu Thành đã tổ chức trình diễn mô hình giảm giá thành sản xuất lúa gắn với liên kết tiêu thụ nhằm góp phần chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật và hiệu quả sản xuất cho nông dân.


Mô hình sản xuất lúa giảm giá thành giúp nâng cao thu nhập cho nông dân

Theo Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Châu Thành, vụ lúa thu đông 2020, huyện đã triển khai thực hiện mô hình sản xuất lúa giảm giá thành 40ha tại xã Phú Long, với 47 hộ nông dân tham gia. Hiện lúa ở giai đoạn trỗ - chín đang phát triển tốt; năng suất ước đạt 6,5 tấn/ha. Các nông dân tham gia mô hình được ngành nông nghiệp hỗ trợ tiền lúa giống OM5451 cấp xác nhận, phân hữu cơ và tổ chức tập huấn.

Khi tham gia mô hình sản xuất lúa giảm giá thành, nông dân áp dụng các biện pháp kỹ thuật nhằm giảm giá thành sản xuất, nâng cao năng suất và chất lượng lúa gạo. Các biện pháp kỹ thuật về chọn giống tốt, có chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, hạt giống có độ thuần, tỷ lệ nảy mầm cao, giống được chọn sản xuất phải là cấp giống xác nhận. Bên cạnh đó, nông dân sẽ áp dụng biện pháp sạ thưa với mật độ 120kg/ha; quản lý tốt cỏ dại bằng cách sử dụng thuốc cỏ tiền nảy mầm; bón phân cân đối N-P-K kết hợp với bón phân hữu cơ vi sinh để cải tạo đất, công thức phân cơ bản cho 1ha là: 70-90N, 40-60 P2O5, 60-80 K2O.

Ngoài ra, nông dân sẽ áp dụng tốt quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), hạn chế phun thuốc trừ sâu trong vòng 40 ngày đầu sau khi sạ. Khi cần thiết thì sử dụng thuốc sinh học, thuốc ít độc và đảm bảo thời gian cách ly theo quy định. Quản lý nước tốt: điều chỉnh mực nước hợp lý theo nhu cầu và giai đoạn sinh trưởng của cây lúa theo kỹ thuật tưới “ngập – khô xen kẽ”. Thu hoạch đúng lúc, đúng độ chín để hạn chế thất thoát và nâng cao chất lượng gạo...

Là một trong những hộ tham gia mô hình, ông Trương Văn Hùng ngụ xã Phú Long, huyện Châu Thành cho biết: “Trong vụ lúa thu đông 2020, tôi được Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện hỗ trợ kinh phí thực hiện mô hình giảm giá thành sản xuất lúa gắn với liên kết tiêu thụ. Qua thực hiện mô hình, tôi nhận thấy cần sử dụng lúa chất lượng cao, sạ mật độ vừa phải, rải phân cân đối, nhẹ phân, ít bệnh nhưng năng suất ổn định”.

Còn theo ông Trương Văn Hết ngụ xã Phú Long ước tính chi phí giống, phân bón, chăm sóc cho vụ lúa trong mô mình chỉ khoảng 13 triệu đồng/ha, canh tác ngoài mô hình là 18 triệu đồng/ha. Ông Hết cho biết: “Khi tham gia mô hình này, tôi sử dụng giống lúa cấp xác nhận và gieo sạ bằng máy. Không biết lúc thu hoạch sẽ như thế nào chứ bây giờ nhìn lúa thấy thích lắm, nông dân ai tham gia cũng phấn khởi. Đến thời điểm này, chúng tôi không tốn nhiều chi phí như trước, không phun xịt thuốc nên không lo lắng ảnh hưởng sức khỏe”.

Theo ông Phạm Văn Tâm - Trưởng Phòng Kỹ thuật, Huấn luyện, Chuyển giao công nghệ, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Châu Thành, qua tham gia mô hình, nông dân đã nắm được qui trình sản xuất lúa an toàn sinh học ở các khâu chọn giống, làm đất, bón phân, phòng trừ sâu bệnh nhằm giảm giá thành sản xuất, tăng năng suất, chất lượng và tăng lợi nhuận.

Bà Trương Thị Kim Ngân - Phó Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành cho biết, thời gian qua, huyện đã triển khai nhiều mô hình, hỗ trợ nông dân trong việc sản xuất lúa theo hướng nâng cao giá trị. Trong đó, mô hình giảm giá thành sản xuất lúa gắn với liên kết tiêu thụ tại xã Phú Long được triển khai với nhiều ưu điểm. Qua mô hình, nông dân nắm được qui trình giảm giá thành sản xuất lúa để tăng năng suất, chất lượng và tăng lợi nhuận. Đây là cơ sở để nhân rộng mô hình cho các vụ sau.

Khánh Phan

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn