Chiến lược 8G để phát triển bền vững vùng ĐBSCL
Cập nhật ngày: 15/03/2021 09:49:57
Vừa qua, tại TP.Cần Thơ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH). Đồng chủ trì có các đồng chí Ủy viên bộ Chính trị: Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn; Bí thư Thành ủy TP.Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên; lãnh đạo các bộ, ngành và 13 tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL, các quốc gia trên thế giới, các tổ chức quốc tế, các chuyên gia độc lập và doanh nghiệp tham dự.
Quang cảnh hội nghị
Ông Trần Hồng Hà - Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, sau 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 120, đã ghi nhận được những kết quả khá nổi bật như: kiến tạo được một thể chế, chính sách thúc đẩy phát triển bền vững vùng theo một tổng thể thống nhất, kết nối liên vùng, tạo sức mạnh tổng hợp. Kinh tế toàn vùng liên tục đạt mức tăng trưởng cao (năm 2018 đạt 7,8%, năm 2019 đạt 7,22%).
Năm 2020 trong bối cảnh xảy ra đại dịch COVID-19, các địa phương vùng ĐBSCL đã nỗ lực (GRDP đạt 2,38%) góp phần đưa Việt Nam trở thành một trong số ít quốc gia trên thế giới có mức tăng trưởng GDP dương trong năm 2020.
Trong giai đoạn 2016-2020, tổng mức đầu tư từ ngân sách nhà nước dành gần 200 nghìn tỷ đồng (tương đương gần 9 tỷ USD) chiếm khoảng 16% tổng đầu tư toàn quốc từ NSNN, cao hơn nhiều so với mức 12% của giai đoạn 2011-2015. Nguồn ODA là 22 nghìn tỷ đồng (gần 1 tỷ USD).
Năm 2020 nhiều tỉnh, thành vùng ĐBSCL đã đạt được những kết quả khả quan trong xuất khẩu, trong đó các sản phẩm lúa gạo, nông sản, thủy sản đã trở thành một trong những ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu đạt mức tỷ USD. Tại các địa phương như Đồng Tháp, Bến Tre, Cà Mau,... nhiều mô hình kinh tế phù hợp với tự nhiên, ứng dụng công nghệ cao, thích ứng với BĐKH được triển khai, phát triển, điển hình như mô hình nuôi tôm bền vững; chuyển đổi làm nông nghiệp sạch kết hợp du lịch sinh thái; chọn tạo, phát triển các giống cây trồng, vật nuôi và giống thủy sản có tiềm năng, lợi thế của vùng...
Trong giai đoạn 2021-2025, tổng số vốn ngân sách nhà nước dự kiến hỗ trợ cho các dự án trên địa bàn do địa phương quản lý dự kiến đạt khoảng 266 nghìn tỷ đồng, tăng 20% so với giai đoạn 2016-2020, trong đó vốn ngân sách đối ứng địa phương là khoảng 162 nghìn tỷ đồng. Ngoài ra, vốn ngân sách nhà nước đầu tư qua một số bộ như: Bộ Giao thông Vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế... để triển khai các công trình dự án trong vùng đạt khoảng 121,6 nghìn tỷ đồng.
Tổng số vốn ngân sách nhà nước đầu tư dự kiến giai đoạn 2021-2025 của vùng khoảng 388 nghìn tỷ đồng. Với số vốn được bố trí như trên, sẽ hoàn thành một số công trình trọng điểm của vùng như: thông tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ, Cần Thơ - Cà Mau; các tuyến đường giao thông có tính chất liên kết vùng và một số tuyến quốc lộ trong vùng. Riêng đối với nguồn vốn ODA, để bổ sung tăng thêm 2 tỷ USD trong giai đoạn 2021 - 2025 cho vùng ĐBSCL theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại chỉ thị 23/CT-TTg, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với Ngân hàng Thế giới nghiên cứu, xây dựng Báo cáo đề xuất khoản hỗ trợ ngân sách có mục tiêu phát triển bền vững vùng ĐBSCL, quy mô dự kiến 1,05 tỷ USD.
Phát biểu kết luận, Thủ tướng cho rằng đây là hội nghị rất quan trọng nhưng sự thành công chỉ được quyết định bằng những hành động cụ thể của các bộ, ngành và chính quyền các địa phương sau hội nghị này. Từ các báo cáo của bộ, ngành, ý kiến của các địa phương và các đại biểu tại hội nghị, Thủ tướng nêu khái lược quan điểm chiến lược tiếp cận mới mà Thủ tướng gọi là “8G”: Giao, Giáo, Giang, Gắn, Giàu, Giỏi, Già, Giới (“Giao”: phải dành nguồn lực và tập trung ưu tiên phát triển hệ thống giao thông; “Giáo”: giáo dục và phát triển nguồn nhân lực; “Giang” ý là sông, kinh tế và sinh kế của người dân ĐBSCL gắn liền với các con sông; “Gắn”: gắn kết; “Giàu”: tích cực thu hút những người giàu có tiềm lực đến đầu tư phát triển kinh tế địa phương; “Giỏi”: tích cực thu hút những tài năng đóng góp chất xám, trí tuệ cho sự phát triển ĐBSCL; “Già”: cần có chính sách chủ động cho vấn đề dân số già hóa và hình thành mạng lưới an sinh xã hội tốt hơn để nâng đỡ phúc lợi cho người già và những người yếu thế; “Giới”: thúc đẩy bình đẳng giới, tiếp cận cơ hội việc làm và phát huy vai trò, vị trí của người phụ nữ) và đề nghị bổ sung Nghị quyết 120. Nhấn mạnh triết lý phát triển “thuận thiên”, nhưng Thủ tướng cho rằng, nội hàm của nó không phải là cam chịu, chấp nhận số phận hay sự sắp đặt của tạo hóa. BĐKH không phải là do tự nhiên tạo ra mà chủ yếu là hệ quả của các hoạt động của con người. Do đó, chúng ta phải nhận thức đúng để có các giải pháp và hành động phù hợp.
Nguyệt Đỗ