Chủ động ứng phó và khai thác lợi thế mùa lũ

Cập nhật ngày: 04/09/2018 06:43:04

ĐTO - Năm nay, nước lũ về sớm hơn mọi năm và dự đoán có những diễn biến phức tạp. Rút kinh nghiệm từ những năm trước, hiện các huyện: Lai Vung, Lấp Vò, Châu Thành đã hoàn thành việc gia cố toàn bộ hệ thống đê bao, cống đập, chủ động ứng phó với nước lũ.

Song song đó, người dân ở huyện đầu nguồn Hồng Ngự cũng tập trung đầu tư khai thác tốt lợi thế mùa nước nổi để tạo công ăn việc làm cho hàng trăm ngàn lao động...


Các huyện chủ động gia cố nhiều đoạn đê bao xung yếu để bảo vệ sản xuất

Tập trung bảo vệ vườn cây ăn trái

Theo dự báo của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn tỉnh Đồng Tháp, đến cuối tháng 9/2018 mực nước tại khu vực Tân Châu, Hồng Ngự ở mức báo động cấp III và cao hơn trung bình nhiều năm khoảng 0,2 - 0,4m, sau đó biến đổi chậm rồi xuống dần trong tháng 10. Mực nước khu vực nội đồng Tháp Mười sẽ ít biến đổi trong khoảng 7 ngày đầu tháng 9/2018, sau đó sẽ tăng cao dần đến cuối tháng 9 và đạt đỉnh trong khoảng nửa đầu tháng 10.

Đỉnh lũ năm tại khu vực này cao hơn báo động cấp III khoảng 0,1 - 0,3m và cao hơn trung bình nhiều năm khoảng từ 0,4 - 0,6m. Ngoài ra, mực nước khu vực phía Nam xuống dần trong khoảng 5 ngày đầu tháng 9, sau đó tăng cao dần đến cuối tháng 9 và đạt đỉnh trong khoảng nửa đầu tháng 10. Ông Khương Lê Bình - Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn tỉnh Đồng Tháp thông tin: “Tình hình thủy văn trên sông MeKong còn diễn biến phức tạp, cần chủ động ứng phó với lũ lớn, đặc biệt khi xảy ra các tình thế thời tiết bất lợi trên lưu vực”.

Trước dự báo trên, hiện các huyện vùng hạ nguồn khu vực phía Nam đang khẩn trương kiểm tra, gia cố đê bao bảo vệ an toàn lúa và vườn cây ăn trái. Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Lấp Vò, tính đến thời điểm ngày 29/8/2018, toàn huyện đã tổ chức xuống giống sản xuất vụ thu đông được hơn 11 ngàn ha, vượt 106,6% so với kế hoạch; tập trung nhiều trong khu vực 121 ô bao/tổng số 152 ô bao toàn huyện. Đa số các ô bao xuống giống sản xuất vụ thu đông năm 2018 đến thời điểm này đều là lúa, một phần diện tích còn lại xuống giống hoa màu và cây ăn trái.

Ông Hồ Tấn Vũ - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Lấp Vò cho biết: “Rút kinh nghiệm từ công tác phòng, chống lụt bão những năm trước, ngay từ đầu năm, các ngành hữu quan thuộc huyện Lấp Vò đã chủ động kiểm tra, nâng cấp đê bao, đầu tư xây dựng hệ thống đê bao, cống... Ngoài ra, huyện còn tổ chức diễn tập ứng phó lụt bão và tìm kiếm cứu nạn ở cơ sở. Huyện cũng chú trọng tuyên truyền cho nông dân ý thức về việc thường xuyên kiểm tra, gia cố những điểm đê bao xung yếu”.

Ở huyện Lai Vung, trong đợt triều cường giữa tháng 8 vừa qua, mực nước bất ngờ dâng cao đe dọa nhiều diện tích vườn cây ăn trái. Tuy nhiên, nhờ chính quyền và người dân đã chủ động gia cố đê bao ngay từ đầu năm nên hơn 6.700ha vườn cây ăn trái của huyện vẫn đảm bảo an toàn. Theo Phòng NN&PTNT huyện Lai Vung, đến nay tất cả vườn cây ăn trái của huyện đều nằm trong các khu đê bao khép kín. Bên cạnh đó, nhằm chủ động đảm bảo cho nông dân yên tâm sản xuất, huyện đã chủ động gia cố 44 tuyến đê bao, 17 đập dã chiến và 1 cống...

Ông Nguyễn Trí Hải ngụ ấp Long Thuận, xã Long Hậu, huyện Lai Vung chia sẻ: “Gia đình tôi canh tác 5.000m2 quýt. Trong đợt nước tháng 6 âm lịch vừa qua, vườn cây ăn trái của tôi vẫn an toàn nhờ tuyến đê bao kết hợp giao thông nông thôn được nâng cấp. Tôi cùng bà con nông dân trong xóm luôn ý thức được việc tự bảo vệ “miếng ăn” nên chủ động đắp các đoạn bờ gia cố ngăn nước vào vườn”.

Theo ông Huỳnh Văn Tồn - Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Lai Vung, năm nay, từ nguồn vốn được cấp, huyện đã xây dựng các hệ thống chống tiêu úng và khép kín các diện tích sản xuất. Tuy yên tâm không sợ lũ đe dọa và gây hại nên khuyến cáo nhà vườn không được chủ quan, lơ là, phải thường xuyên kiểm tra tình hình lũ, quyết tâm bảo vệ an toàn vườn cây ăn trái”.

Tại huyện Châu Thành, địa phương nằm cuối vùng hạ nguồn phía Nam của tỉnh Đồng Tháp, giáp với tỉnh Vĩnh Long. Hiện trên địa bàn huyện có hơn 10.800ha lúa thu đông đã xuống giống, đạt 103,5% so với kế hoạch; tổng diện tích hoa màu vụ thu đông hơn 1.300ha, đạt 82,91% và diện tích vườn cây ăn trái trên 6.700ha.

Theo Phòng NN&PTNT huyện Châu Thành, tất cả diện tích lúa, hoa màu vụ thu đông và diện tích vườn cây ăn trái đều nằm ở trong các ô bao, có bờ bao đảm bảo kiểm soát lũ được bảo vệ. Cụ thể, hệ thống đê bao bảo vệ sản xuất được đầu tư xây dựng cơ bản khép kín hầu hết các ô bao 156/168 ô bao, đạt 93% và diện tích bảo vệ đạt 19.317/20.225ha, đạt 96%. Riêng đối với các vị trí sạt lở có kế hoạch khắc phục từ kinh phí Quỹ phòng, chống thiên tai, các đơn vị chủ đầu tư đang thực hiện.

Từ lâu, An Nhơn là địa phương có diện tích vườn cây ăn trái nhiều của huyện Châu Thành. Vừa qua, đoạn ô bao thuộc khu vực ấp An Hòa, xã An Nhơn bị sạt lở gây ảnh hưởng đến người dân khu vực này. Tuy nhiên, do chủ động nên chính quyền xã đã kịp thời khắc phục bảo vệ sản xuất.

Ông Võ Đình Trọng - Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã An Nhơn, huyện Châu Thành cho biết: “Thời gian qua, bằng kinh phí từ nhiều nguồn, xã đã huy động phương tiện đóng cừ tràm gia cố các đoạn đê bao trọng yếu; đồng thời phân công lực lượng tuần tra, kiểm soát và túc trực 24/24 tại khu vực cống, trạm bơm, đoạn đê thấp...”.

Ông Nguyễn Ngọc Việt - Phó Phòng NN&PTNT huyện Châu Thành cho biết: “Công tác gia cố đê bao là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong năm nay. Ngay từ đầu năm, ngành nông nghiệp đã thực hiện các biện pháp kiểm tra, gia cố các đoạn đê bao xung yếu, vận động người dân tích cực tham gia. Đồng thời vận động các xã, thị trấn thành lập các Ban Chỉ đạo Ứng phó biến đổi khí hậu, Phòng, chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn của huyện tiến hành phân công cán bộ túc trực 24/24 giờ trên tinh thần sẵn sàng ứng phó những diễn biến phức tạp của thời tiết”.


Nông dân các huyện đầu nguồn khai thác lợi thế mùa lũ bằng các mô hình sinh kế

Khai thác lợi thế mùa lũ

Những năm qua, nhiều địa phương đầu nguồn biên giới chủ động khai thác lợi thế mùa nước nổi, tập trung phát triển kinh tế đạt hiệu quả rất tốt. Người dân sống trong các vùng đê bao khép kín, khu dân cư vượt lũ nay không còn “nơm nớp” lo sợ lũ nữa mà sẵn sàng đón lũ đến để làm ăn.

Để cải thiện thu nhập trong mùa lũ, gia đình ông Trần Văn Hòa ngụ ấp Trung, xã Thường Thới Tiền, huyện Hồng Ngự tranh thủ nuôi hơn 3.000 con lươn. Ông Hòa cho biết: “Mấy năm trước làm lúa vụ 3, gặp lúc nước lũ lên cao là thua lỗ, thấy bà con xung quanh bỏ lúa vụ 3 để nuôi lươn có hiệu quả nên tôi làm theo. Với cách này, tôi tin chắc là sẽ có lời, chứ vùng này làm lúa ngay mùa nước nổi là không được”.

Ngoài việc khai thác nguồn lợi tự nhiên như bắt ốc bươu vàng, cua đồng, đánh bắt cá..., nông dân các huyện đầu nguồn cũng tận dụng lợi thế lũ để trồng các loại rau màu như bông điên điển, sen, ấu, rau nhút... Đây là những mô hình sản xuất có vốn đầu tư thấp, phù hợp với hộ nghèo, cần ít đất sản xuất và nhanh thu hồi vốn.

Nhiều năm qua, gia đình ông Nguyễn Văn Cát ngụ xã Thường Thới Tiền, huyện Hồng Ngự đã tranh thủ lũ về để “kiếm kế sinh nhai”. Thời gian rảnh, ông đi bắt ốc bươu vàng làm thức ăn cho lươn. Ông Cát cho biết: “Vụ này tôi không sạ lúa vụ 3 mà mua lươn giống về nuôi. Tôi cũng đi giăng lưới tại các cánh đồng, hy vọng có thêm nguồn thu nhập trang trải cuộc sống”.

Theo ông Nguyễn Văn Buôn - Phó Phòng NN&PTNT huyện Hồng Ngự, năm nay nước lũ về sớm và cao hơn mọi năm, nên các mô hình sản xuất trong mùa nước nổi của người dân cũng nhộn nhịp hơn. Thời điểm này, đa số các diện tích không sản xuất lúa vụ 3, nông dân tận dụng lúc nông nhàn để triển khai nhiều mô hình sinh kế thay thế. Những năm qua, các mô hình sinh kế luôn góp phần cải thiện thu nhập cho nông dân.

Khánh Phan

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn