Chương trình khuyến công - lực đẩy góp phần phát triển kinh tế địa phương

Cập nhật ngày: 28/11/2018 15:19:37

ĐTO - Từ năm 2014 - 2018, bằng nhiều hình thức hỗ trợ thiết thực, hoạt động khuyến công đã góp phần giúp thúc đẩy công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tỉnh nhà phát triển mạnh mẽ. Đây cũng là nền tảng giúp Đồng Tháp đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các đề án và chương trình trọng điểm của địa phương.


Các chương trình hội chợ, triển lãm do Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Đồng Tháp tổ chức góp phần giúp doanh nghiệp quảng bá sản phẩm đến người tiêu dùng

Trong giai đoạn từ năm 2014 - 2018, từ nguồn kinh phí khuyến công Quốc gia và khuyến công địa phương, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (KC&TVPTCN ) tỉnh Đồng Tháp tiến hành hỗ trợ xây dựng 9 mô hình trình diễn và hỗ trợ thiết bị, máy móc hiện đại cho 70 cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT). Bên cạnh đó, chương trình hỗ trợ phát triển sản phẩm CNNT tiêu biểu là một trong những chương trình được Trung tâm KC&TVPTCN tập trung quan tâm thực hiện trong thời gian qua.

Từ năm 2014 - 2018, Trung tâm KC&TVPTCN đã hỗ trợ 240 cơ sở CNNT tham gia 21 hội chợ trong nước với hơn 400 gian hàng trưng bày. Đồng thời, Trung tâm KC&TVPTCN đã tổ chức 5 đợt bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp tỉnh, với 77 sản phẩm đạt chứng nhận sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp tỉnh,.

Tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình khuyến công giai đoạn 2014-2018 là hơn 132 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí khuyến công Quốc gia hỗ trợ trên 5 tỷ đồng (chiếm 3,8%); kinh phí khuyến công địa phương hỗ trợ 16,5 tỷ đồng (chiếm 12,5%); hỗ trợ từ các chương trình khác tại địa phương là 358 triệu đồng (chiếm 0,3%). Vốn đối ứng của các cơ sở CNNT là 110,2 tỷ đồng, (chiếm 83,4%).

Với những hỗ trợ thiết thực, hoạt động khuyến công đã góp phần giúp nhiều cơ sở sản xuất, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cải tiến công nghệ máy móc, thiết bị hiện đại, tiết kiệm năng lượng, giảm ô nhiễm mỗi trường.

Đồng thời, thông qua hoạt động này, các doanh nghiệp cũng mạnh dạn hơn trong việc nghiên cứu phát triển các sản phẩm mới, nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ, từ đó góp phần giải quyết việc làm, khai thác tốt nguồn nguyên liệu hiện có tại địa phương.

Bên cạnh những thuận lợi, hoạt động khuyến công thời gian qua vẫn còn nhiều khó khăn như: một số cơ sở CNNT khó khăn về vốn đối ứng gây ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện và phân bổ kinh phí khuyến công cho các đề án đã được phê duyệt.

Đa số cơ sở CNNT có quy mô nhỏ, năng lực tài chính và quản lý còn hạn chế; sản xuất mang tính tự phát, không có kế hoạch, định hướng rõ ràng nên khó khăn trong việc lập đề án để được hỗ trợ đổi mới máy móc, thiết bị.

Nhằm nâng cao chất lượng cho hoạt động khuyến công trong giai đoạn tới, ông Mai Văn Đối - Giám đốc Trung tâm KC&TVPTCN Đồng Tháp cho biết, trong năm 2020 Trung tâm KC&TVPTCN sẽ tăng cường hỗ trợ và tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, đặc biệt ưu tiên hỗ trợ các lĩnh vực sản xuất thuộc nhóm: công nghiệp chế biến, cơ khí phục vụ cho nông nghiệp.

Theo đó, trong năm 2020, Trung tâm KC&TVPTCN sẽ tiếp tục hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị cho 38 cơ sở CNNT và xây dựng 6 mô hình trình diễn kỹ thuật. Tổ chức cho các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp tham gia các chương trình hội chợ trong nước, bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp tỉnh. Đồng thời, sẽ tổ chức đào tạo nâng cao năng lực quản lý và khởi nghiệp; tổ chức hội thảo, tập huấn theo chuyên đề cho các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp...

Mỹ Lý

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn