Chuyện cò thời nay
Cập nhật ngày: 22/02/2019 10:46:06
ĐTO - Vừa rồi, khi đến thăm người bà con là nông dân ở Tháp Mười, rất bất ngờ nghe kể về thu nhập, nhờ làm cò, từ lúa giống, vật tư đến máy gặt đập. Nhìn ra ngoài, thấy lúa vàng đồng, trong khi máy gặt đập thì đậu trên bờ ruộng; lúa vào bao chất đống bên bờ kênh xáng, chờ người đến mua. Hỏi mới biết do cò chưa thống nhất giá cả nên lúa chưa cắt, chưa bán được.
Trong tiếng Việt, cò có nhiều nghĩa. Là một loài chim, cò còn được đưa vào tục ngữ, ca dao với hình ảnh gần gũi, thân thương, tần tảo. Cò là một chức vụ, một thành phần của súng, phương tiện thanh toán...
Theo thời gian, cò lại có thêm nghĩa mới, chỉ những người môi giới để nhận hoa hồng.
Ngày nay, cò đã trở thành một nghề. Xã hội muốn được đáp ứng nhu cầu nào đó, lập tức có cò. Cò thâm nhập cả vào lĩnh vực độc quyền quản lý nhà nước: giải quyết thủ tục hành chính công.
Cò xuất hiện, tồn tại, phát triển do những hoạt động cung cấp dịch vụ chính thức chưa đáp ứng nhu cầu ngày càng phong phú, đa dạng của người sử dụng.
Trong sản xuất nông nghiệp, khi qui mô sản xuất của hộ gia đình ngày càng lớn do tích tụ ruộng đất, phương pháp sản xuất hiện đại, việc có đầu mối cung cấp tập trung từ giống, vật tư đến bơm tưới, phun xịt, thu hoạch, tiêu thụ nông sản là cần thiết.
Ngày càng không còn cảnh nông dân trữ lúa giống, đi mua từng chai thuốc trừ sâu hay bao phân, còng lưng mang bình xịt thuốc hay cắt lúa bằng lưỡi hái rồi thu gom, suốt, phơi, kêu bán. Chỉ một cú điện thoại, mọi chuyện đều có cò giải quyết. Sau đó, chỉ thanh toán tiền bạc theo thỏa thuận, qua cò.
Tuy nhiên, chuyện cò gây khó khăn, ép giá khi cung cấp dịch vụ không phải là hiếm.
Lúa đã vàng đồng, đến lúc thu hoạch. Nhưng khi các cò móc nối với nhau và với chủ máy, hoặc hành xử theo kiểu xã hội đen để ép giá thì nông dân và chủ máy chỉ còn cách chấp nhận giá cò đưa ra. Nếu không lúa sẽ chín rục trên đồng, máy gặt không hoạt động, thiệt hại càng lớn hơn.
Địa phương chưa xảy ra vụ việc nghiêm trọng xoay quanh việc cò móc nối, bảo kê đưa máy gặt xuống đồng, nhưng nơi khác đã có. Có cò đã bị khởi tố.
Sau khi thu hoạch, do thiếu nơi phơi sấy, phải bán lúa tươi, lại mất một khoản không nhỏ cho cò.
Tuy nhiên, nếu nông dân trong cùng cánh đồng, cùng địa phương thỏa thuận với nhau để tìm đầu mối cung cấp dịch vụ và giá cả, chắc rằng sẽ không bị cò thao túng, theo đó hiệu quả sản xuất sẽ tăng lên bởi giảm chi phí trung gian.
Nghề làm cò giải quyết việc làm và thu nhập cho một số người. Nhưng khi nghề này trong lĩnh vực nông nghiệp nói riêng chưa được quản lý, còn nông dân cứ sản xuất, tiêu thụ theo kiểu mạnh ai nấy làm, thậm chí cạnh tranh nhau, từ đó cò có điều kiện kiếm ăn thì thiệt thòi trước hết thuộc về nông dân.
Cùng hợp tác, thông qua hợp tác xã, tổ hợp tác, gần đây là hội quán là một trong những giải pháp để nâng cao hiệu quả sản xuất, đồng thời gắn bó thêm tình làng nghĩa xóm, hạn chế mất an ninh trật tự.
Hữu Ý