Cơ cấu lại lĩnh vực chế biến nông sản

Cập nhật ngày: 27/05/2021 17:30:38

ĐTO - Thực hiện cơ cấu lại lĩnh vực chế biến nông sản, Đồng Tháp đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản và thủy lợi; phát triển các sản phẩm giá trị gia tăng, chế biến tinh, chế biến sâu...


Sản phẩm xoài - ngành hàng thế mạnh của tỉnh

Trên tinh thần đó, ngoài thực hiện các giải pháp triển khai các chính sách hỗ trợ tái cơ cấu nông nghiệp, Đồng Tháp còn đẩy mạnh tổ chức lại sản xuất, thu hút đầu tư vào nông nghiệp. Hiện nay, toàn tỉnh có 180 hợp tác xã nông nghiệp (HTXNN) với hơn 28.800 thành viên. Doanh thu bình quân trên 2 tỷ đồng (tăng 565 triệu đồng)/HTXNN, lợi nhuận bình quân là 254 triệu đồng/HTXNN, thu nhập bình quân lao động thường xuyên là 48 triệu đồng/năm. Bên cạnh đó, toàn tỉnh có 934 tổ hợp tác, 106 trang trại và 110 Hội quán được thành lập, hoạt động ổn định, hiệu quả với tổng số gần 6.000 thành viên tham gia. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thời gian qua, có 25 hợp tác xã được thành lập từ mô hình Hội quán. Thành công của mô hình này sẽ dẫn dắt kinh tế hợp tác của tỉnh phát triển bền vững, góp phần chuyển biến nhận thức của người dân; phát huy tinh thần đoàn kết và hợp tác để cùng phát triển.

Giải pháp phát triển chế biến nông sản theo chuỗi ngành hàng và định hướng thị trường đóng góp quan trọng trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Thời gian qua, công nghiệp chế biến tiếp tục phát huy vai trò then chốt trong gắn kết sản xuất và tiêu thụ, gia tăng giá trị chuỗi ngành hàng nông sản và thu hút lao động. So với năm 2017, chế biến thủy sản năm 2020 tăng 42,4%, thu hút 21.000 lao động; chế biến thức ăn gia súc tăng 28,3%, thu hút 4.000 lao động và chế biến lương thực tăng 12,6%. Việc chế biến nông sản theo chuỗi ngành hàng giúp tăng tính cạnh tranh của sản phẩm, nâng dần tỷ lệ tinh chế. Qua đó, nhiều sản phẩm mới được nghiên cứu phát triển đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường.

Bên cạnh đó, công tác xúc tiến thương mại và phát triển thị trường nông sản trong và ngoài nước của tỉnh có nhiều khởi sắc. Hệ thống phân phối hàng hóa ngày càng mở rộng và đa dạng phục vụ tốt nhu cầu của người tiêu dùng. Hiện nay có hơn 100 sản phẩm của hơn 40 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hợp tác xã có mặt tại các siêu thị: Co.opmart, Big C, Satra, Tứ Sơn, Vinmart, Lotte, Aeon... Thời gian qua, hoạt động xuất khẩu tăng trưởng tốt, từng bước nâng cao chuỗi giá trị ngành hàng thủy sản chế biến, lúa gạo theo hướng toàn cầu hóa. Nhiều sản phẩm trái cây (nhãn, xoài,...) đáp ứng được các tiêu chuẩn của nhiều thị trường nhập khẩu, mở ra thêm cơ hội hội nhập quốc tế của nông dân Đồng Tháp.

Đối với giải pháp nghiên cứu khoa học và khuyến nông, từ năm 2016 đến nay, tỉnh triển khai thực hiện 121 nhiệm vụ (đề tài, dự án). Trong đó, có 50 nhiệm vụ góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nghiệm thu và chuyển giao ứng dụng 31 nhiệm vụ khoa học công nghệ. Hướng đến sự phát triển bền vững, nhiều tổ chức, cá nhân mạnh dạn thay đổi và áp dụng công nghệ cao vào sản xuất nâng cao hiệu quả và chất lượng sản phẩm như ứng dụng cơ giới hóa; sử dụng hệ thông tin địa lý (GIS) để dự báo tình hình sâu bệnh; ứng dụng WebGis trong quản lý và giám sát hệ thống đê điều; ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất.

Theo Sở NN&PTNT, công tác đảm bảo điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm và truy suất nguồn gốc trên cây ăn trái được ngành chuyên môn quan tâm nhân rộng. Đến nay, có 95 mã số vùng trồng và 12 mã số cơ sở đóng gói quả tươi xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, 32 mã số vùng trồng xuất khẩu sang nước phát triển tổng diện tích 5.440ha (chiếm 16,14% diện tích trồng cây ăn trái). Ngoài ra có 960ha cây ăn trái đạt chứng nhận VietGAP, 13ha được chứng nhận GlobalGAP, 19ha đạt chứng nhận LocalGAP và 3ha đạt chứng nhận sản xuất đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Thời gian qua, có 472ha được cấp giấy chứng nhận cơ sở nuôi cá tra thương phẩm đủ điều kiện an toàn thực phẩm và 853ha được cấp chứng nhận tiêu chuẩn an toàn thực phẩm (ASC, BAP, GlobalGAP, VietGAP).

Y DU

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn