Cơ giới hóa trong sản xuất giúp giảm chi phí

Cập nhật ngày: 14/12/2015 05:23:02

Theo thống kê của UBND Đồng Tháp, toàn tỉnh hiện có 1.595 máy gặt đập liên hợp, 557 máy cắt xếp dãy, 728 máy sấy, 3.962 máy xới tay, 2.138  máy cày.

Sự đồng hành của cơ giới trong sản xuất đã góp phần tiết kiệm chi phí khá lớn cho nông dân. Cụ thể, đối với thu hoạch bằng bán cơ giới (gặt thủ công, suốt bằng máy) hao hụt là 14,9% trong các khâu gom, suốt, cắt. Trong khi hiện nay, nông dân thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp việc hao hụt chỉ khoảng 3-4%, tiết kiệm 1 triệu đồng/ha so với thu hoạch bằng thủ công.

Vừa qua, Dự án cạnh trạnh nông nghiệp ACP hỗ trợ cho hợp tác xã (HTX) Tân Bình, huyện Thanh Bình và HTX Tân Cường, huyện Tam Nông 3 bộ thiết bị ứng dụng tia lazer trong san phẳng đồng ruộng được xem là động lực cho nông nghiệp địa phương khởi sắc. Theo thống kê của Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh, tổng chi phí san phẳng đồng ruộng (chi phí vận hành, chi phí dịch vụ san phẳng)  là 4 triệu đồng/ha, nhưng việc san phẳng đồng ruộng góp phần giảm chi phí sản xuất 800.000 đồng/ha/vụ. Cụ thể giảm lượng giống gieo sạ đến 20kg/ha, 200.000 đồng/ha chi phí xử lý cỏ dại, 350.000 đồng/ha phân bón thuốc bảo vệ thực vật. Ngoài ra, năng suất tăng thêm 400kg/ha/vụ tương đương khoảng 2 triệu đồng/ha. Như vậy, lợi nhuận tăng thêm là 2,8 triệu đồng/ha. Với những ưu việt đó, sau 2 vụ, người nông dân sẽ thu hồi được vốn đầu tư ban đầu, trong khi những mùa vụ tiếp theo, lợi nhuận sẽ tiếp tục tăng. Không những thế, mô hình còn góp phần làm giảm hiệu ứng nhà kính, tiết kiệm nguồn tài nguyên nước ngọt, giảm ô nhiễm nước ngầm và nước ngọt.

Ông Phan Công Chính - Giám đốc HTX Tân Bình cho hay: “Trong xu thế hiện nay nếu không có máy móc trợ sức, chắc không thể sản xuất theo quy mô lớn được. Sự hỗ trợ của cơ giới tạo bước chuyển mới trong sản xuất nông nghiệp”.

Dù có những bước chuyển biến tích cực nhưng thực tế hiện nay, sự phân bố máy móc trong sản xuất chưa cân đối, phần lớn máy móc tập trung chủ yếu cho cây lúa, hoa màu, cây ăn trái chỉ một số khâu có sự góp mặt của cơ giới. Đơn cử như hoa kiểng là sản phẩm mang lại kinh tế cao của tỉnh nhưng thiếu cơ giới vào sản xuất khiến sản phẩm thiếu sức cạnh tranh. Ông Mai Văn Trầm - Giảng viên Trường Đại học Cần Thơ chia sẻ: “Việc sử dụng cơ giới hóa, thiết bị, dụng cụ chuyên dụng hiện đại vào sản xuất hoa kiểng sẽ nâng cao hiệu quả kinh tế hơn rất nhiều. Tuy nhiên, hiện nay người trồng hoa chủ yếu dùng sức lao động, nếu có máy móc cũng là sử dụng tạm từ những cơ giới phục vụ cho sản phẩm khác”.

Một hạn chế đặt ra đối với việc áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất đó là người sử dụng cơ giới chưa qua đào tạo, chưa “hiểu” đồng ruộng để thao tác đúng nhằm giảm thất thoát trong thu hoạch. Ông Nguyễn Văn Công – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định: “Do thiếu nguồn nhân lực được đào tạo chuyên nghiệp trong việc sử dụng máy móc khiến thất thoát trong khâu sản xuất, thu hoạch rất đáng báo động. Đơn cử, hiện nay người sử dụng máy gặt đập liên hợp chỉ “học lóm” nên họ không biết phải sử dụng máy cắt như thế nào cho phù hợp trong ngữ cảnh nhất định (lúa đổ ngã, mật độ gieo sạ trên đồng ruộng...). Chính yếu tố này mà nhiều ruộng lúa sau khi thu hoạch, lượng lúa bị rơi vãi nhiều. Khi mưa xuống, đồng lên xanh như vừa gieo mạ”.

Khánh Duy

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn