Công nghệ sau thu hoạch giúp khai thác tốt tiềm năng ngành hàng lúa gạo

Cập nhật ngày: 30/07/2020 10:39:48

ĐTO - Hướng đến sản xuất bền vững, khai thác tốt tiềm năng của ngành hàng lúa gạo, các chuyên gia cho rằng Đồng Tháp cần tiếp tục quan tâm áp dụng công nghệ sau thu hoạch, khai thác giá trị tăng thêm từ phụ phẩm và đẩy mạnh liên kết, nâng cao chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo.


Nông dân cấy lúa bằng máy

Công nghệ sau thu hoạch giúp nâng cao giá trị hạt gạo

Theo ông Võ Thành Ngoan – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lúa gạo là mặt hàng thế mạnh của tỉnh với sản lượng lúa hàng năm đạt trên 3,3 triệu tấn. Thời gian qua, nhằm giúp ngành hàng này phát triển, tỉnh đẩy mạnh liên kết sản xuất, áp dụng cơ giới hóa, khoa học kỹ thuật vào canh tác. Mặt khác, một số doanh nghiệp (DN) đầu tư dây chuyền chế biến sản phẩm từ gạo. Tuy nhiên, việc sản xuất lúa gạo của tỉnh nhà vẫn chưa đạt như mong đợi.

Theo các chuyên gia, hiện nay, các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long vẫn còn thiếu những công nghệ trong sản xuất, đơn cử như hệ thống sấy hiện đại, dẫn đến tổn thất sau thu hoạch còn lớn, chất lượng gạo còn hạn chế. Tiến sĩ Phạm Văn Tấn – Phó Giám đốc Phân viện Cơ điện Nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch thông tin, các thiết bị sấy lúa hiện nay tại các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long phần lớn là hệ thống sấy tĩnh vỉ ngang và máy sấy thấp. Nhược điểm của các hệ thống sấy này khiến chất lượng lúa sau sấy không đồng đều, thời gian bảo quản ngắn, làm mất hương vị đặc trưng của lúa gạo...

Tháo gỡ những trở ngại của khâu sấy, ông Phạm Văn Tấn chia sẻ một số công nghệ sấy mới như ứng dụng công nghệ sấy 2 giai đoạn (tầng sôi và sấy tháp). Với hệ thống này, lúa được làm sạch sau sấy, giữ được mùi vị đặc trưng của gạo, tỷ lệ thu hồi gạo trắng và gạo nguyên cao... Hiện nay tiềm năng phụ phẩm từ lúa gạo vẫn còn rất lớn. Hiện nay, một số quốc gia sử dụng trấu không chỉ để sinh nhiệt sấy lúa mà còn tạo ra chất Silica đầy tiềm năng. Theo ông Phạm Văn Tấn, chất Silica thu được từ trấu có tính truyền nhiệt thấp và ổn định dùng để chế tạo mạch IC tích hợp, sản xuất xi măng. Chất này còn được sử dụng làm tăng độ cứng trong ngành công nghiệp cao su, cách nhiệt trong quá trình đúc thép...

Theo Tiến sĩ Phạm Văn Tấn, với mô hình nhà máy xay xát lúa gạo 200 tấn lúa/ngày sẽ cho ra mức thu nhập từ trấu là không nhỏ. Với 40 tấn/ngày, trấu thu được từ nhà máy xay xát sẽ tạo ra sản lượng điện là 14.800 kWh/ngày. Ngoài lượng điện dùng để sấy thì lượng điện dôi dư từ nhà máy là 2.800-8.800 kWh/ngày được bán cho điện lưới quốc gia với giá quy định sẽ thu khoảng 4,5-14,5 triệu đồng/ngày. Bên cạnh đó, lượng Silica thu được từ nhà máy dao động từ 8-10 tấn/ngày với giá bán khoảng 0,25USD/kg sẽ thu được từ 46-58 triệu đồng/ngày. Theo đó, tổng thu nhập từ vỏ trấu của một nhà máy xay xát lúa gạo 200 tấn lúa/ngày sẽ là 51-72 triệu đồng/ngày.

Trước xu thế tiêu dùng thông minh, hiện nay, khách hàng dành nhiều sự quan tâm cho các sản phẩm làm từ bột gạo thay cho bột mì. Thời gian trước đây, sản phẩm ăn liền có nguồn gốc từ bột gạo chỉ chiếm 10%, đến nay đã tăng lên 40% với khoảng 70 loại sản phẩm ăn liền làm từ bột gạo. Theo PGS.TS Nhan Minh Trí – Trường Đại học Cần Thơ, nhằm tiếp tục nâng cao giá trị cho hạt gạo, bên cạnh việc tiếp tục cải tiến quy trình công nghệ chế biến các sản phẩm truyền thống (bún, hủ tiếu, phở) thì các DN tỉnh cần đầu tư công nghệ tiên tiến chế biến sản phẩm sau gạo (bánh gạo, bánh mì, snack...). Các sản phẩm này vừa mang lại dinh dưỡng, sự tiện dụng cho người tiêu dùng vừa góp phần nâng cao đời sống kinh tế cho người dân. Đặc biệt, các sản phẩm làm từ bột gạo còn giải quyết được bài toán khó cho những người tiêu dùng bị dị ứng với gluten có trong bột mì.

PGS.TS Nhan Minh Trí chia sẻ, thời gian qua, sản phẩm bột gạo Sa Đéc được xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới, với sản lượng 3.000 tấn/năm. Với chất lượng bột gạo tốt, nhiều doanh nhân Thái Lan vẫn đến đây để mua bột về sản xuất. “Người phương Tây có thể mang bột mì phủ khắp thị trường toàn cầu thì quê hương Đồng Tháp nói riêng Việt Nam nói chung vẫn có thể mang bột gạo, sản phẩm sau gạo để giới thiệu, quảng bá đến với bạn bè quốc tế” - PGS.TS Nhan Minh Trí chia sẻ.

Nâng cao chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo

Hướng đến sản xuất lúa gạo bền vững, thời gian qua, tỉnh đẩy mạnh hỗ trợ người nông dân tham gia liên kết chuỗi giá trị nhằm tạo đầu ra thông thoáng cho nông sản, tránh tình trạng bị ép giá. Tuy nhiên, việc tham gia liên kết chuỗi giá trị lúa gạo vẫn chưa đạt như mong đợi.

Theo GS.TS Võ Tòng Xuân – Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ, tiêu chuẩn tối thiểu của một chuỗi giá trị lúa gạo cần phải có là Nhà nước, DN và những người nông dân đổi mới. Theo đó, nông dân được tập hợp lại theo sự tổ chức của chính quyền địa phương trên tinh thần xây dựng hợp tác xã (HTX) nông nghiệp kiểu mới. Để liên kết mang tính bền vững, Nhà nước đóng vai trò kết nối DN với HTX để cùng nhau tiến hành kiến thiết đồng ruộng, tập huấn nông dân thực hành quy trình trồng giống lúa theo kỹ thuật tiên tiến mà các nhà khoa học đã phổ biến. Đối với DN cần thường xuyên hỗ trợ nông dân, xã viên và cán bộ khuyến nông địa phương đảm bảo thực hiện đúng theo kế hoạch, từ gieo cấy đến thu hoạch và chế biến sau thu hoạch.

Khi hoạt động theo chuỗi giá trị ổn định, định hướng liên kết lâu dài là DN nên bán cổ phần công ty cho tất cả xã viên HTX nông nghiệp tham gia. Có như thế, người nông dân sẽ trách nhiệm xây dựng công ty ngày càng phát đạt. Theo GS.TS Võ Tòng Xuân, việc liên kết giữa HTX nông nghiệp sản xuất theo chuỗi giá trị với nhà DN có đầu ra ổn định, bà con xã viên không còn sản xuất tự phát mà sản xuất theo đơn đặt hàng của DN, tránh được thực trạng giải cứu nông sản.

Nhận thấy được điểm ưu việt của mô hình chuỗi giá trị, thời gian qua, Công ty lương thực Đồng Tháp ký kết hợp đồng liên kết với 13 HTX nông nghiệp, tổ hợp tác và Hội quán với tổng diện tích 8.850ha. Theo đó, công ty thu mua được 43.000 tấn lúa tươi, tương ứng trên 250 tỷ đồng. Bên cạnh đó, công ty còn ký kết với các nhà máy xay xát trên địa bàn tỉnh để thu mua gạo lứt với số lượng bình quân khoảng 200.000 tấn gạo, tương ứng khoảng 400.000 tấn lúa. Ông Nguyễn Văn Sáu - Phó Giám đốc Công ty lương thực Đồng Tháp cho biết, khi thực hiện chuỗi liên kết sản xuất, phía DN có được vùng nguyên liệu với chất lượng ổn định để phục vụ nhu cầu tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Riêng về phía HTX và nông dân sẽ được tập huấn về quy trình sản xuất tiên tiến, khoa học. Qua đó, tiết kiệm được vật tư và kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và giảm giá thành sản phẩm, tăng hiệu quả canh tác.

Theo ông Lê Chí thiện - Chủ tịch UBND huyện Cao Lãnh, với thế mạnh trong sản xuất nông nghiêp, thời gian tới, huyện Cao Lãnh tiếp tục làm cầu nối, hỗ trợ sự liên kết sản xuất giữa HTX và DN thêm bền chặt. Trong quá trình phát triển các sản phẩm OCOP từ lúa gạo, địa phương tiếp tục hoàn thiện sản phẩm, khai thác các yếu tố độc đáo, hấp dẫn để xúc tiến thương mại giúp sản phẩm tiếp cận với thị trường, nâng cao thu nhập cho người dân.

Y DU

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn