Công ty Lương thực Đồng Tháp đồng hành cùng địa phương thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp
Cập nhật ngày: 02/08/2019 05:49:16
ĐTO - Ngày 31/7, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thiện Nghĩa có buổi làm việc với Công ty Lương thực Đồng Tháp về tình hình sản xuất, kinh doanh và định hướng phát triển sản xuất của đơn vị.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa phát biểu tại buổi làm việc
Công ty Lương thực Đồng Tháp là doanh nghiệp (DN) kinh doanh lĩnh vực xuất khẩu, mua bán, bảo quản, dự trữ, chế biến lương thực thực phẩm, nuôi trồng thủy sản và kinh doanh thương mại (siêu thị).
Những năm qua, công ty cùng với địa phương thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp thông qua việc phối hợp với các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp trên địa bàn tỉnh xây dựng mô hình liên kết sản xuất tiêu thụ. Qua đó, vừa tạo được vùng nguyên liệu ổn định cho đơn vị vừa tạo sự yên tâm về đầu ra cho nông dân tham gia mô hình liên kết.
Bên cạnh thực hiện chuỗi giá trị liên kết, những năm gần đây để bắt nhịp với thị hiếu của người tiêu dùng trong việc sử dụng sản phẩm sạch, an toàn. Vụ đông xuân năm 2018-2019, công ty phối hợp với 2 HTX trong dự án VnSAT là HTX Tiến Cường (huyện Tam Nông) và HTX Thuận Tiến (huyện Cao Lãnh) cùng Công ty CP chuỗi giá trị Nông sản Việt thực hiện chuỗi liên kết gạo an toàn - tối ưu giá dưới thương hiệu “Ruộng nhà mình”. Hiện, mỗi năm công ty thu bao tiêu trên 1.000ha, tương đương 8.000 tấn lúa của mô hình.
Mặc dù tình hình thu mua lúa gạo còn gặp nhiều khó khăn nhưng công ty vẫn đảm bảo thu mua và bán ra theo đúng kế hoạch. Cụ thể, tính đến cuối tháng 7/2019, công ty thu mua được gần 140.000 tấn quy gạo, đạt 70% kế hoạch; bán ra trên 80.000 tấn quy gạo, đạt 42% kế hoạch và đạt 78% so với cùng kỳ.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thiện Nghĩa đánh giá cao những đóng góp, nỗ lực của Công ty Lương thực Đồng Tháp trong việc cùng với địa phương thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh mong muốn đơn vị cần phát huy hơn nữa những kết quả đạt được, tiếp tục nỗ lực phấn đấu hoàn thành các mục tiêu về định hướng tái cơ cấu đơn vị, xây dựng chiến lược phát triển cho ngành hàng gạo ngày càng phát triển. Bên cạnh đó, ông Phạm Thiện Nghĩa gợi ý, DN nên nghiên cứu, thực hiện tái cơ cấu và có chiến lược kinh doanh phù hợp, tận dụng lợi thế Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Bởi khi hiệp định này có hiệu lực thực thi có thể giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào EU tăng so với hiện tại, đặc biệt là mặt hàng nông sản.
MỸ NHÂN