Đẩy mạnh các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội hậu Covid-19

Cập nhật ngày: 25/05/2020 05:44:09

ĐTO - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Văn Dương vừa chủ trì cuộc họp thường kỳ trực tuyến với 12 huyện, thị thành phố trên địa bàn tỉnh. Hội nghị nhằm đánh giá tình hình kinh tế - xã hội do tác động của dịch bệnh Covid-19, đồng thời thảo luận, đề xuất nhiều giải pháp để khôi phục từng ngành, lĩnh vực...


Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Dương phát biểu tại cuộc họp

Theo đánh giá của UBND tỉnh, mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nhưng kinh tế tỉnh nhà vẫn phát triển ổn định. Đối với lĩnh vực nông nghiệp, trong thời gian dịch bệnh diễn biến phức tạp, các mặt hàng nông sản như: rau màu, trái cây và thủy sản, chế biến gạo sụt giảm... Tuy nhiên, sau thời gian dịch bệnh được kiểm soát tốt, giá một số mặt hàng nông sản tăng nhẹ.

Thực hiện Nghị quyết số 42/NQCP ngày 9/4/2020 của Chính phủ, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với địa phương tiến hành tổng hợp danh sách các đối tượng được hỗ trợ. Trong đó, có 5 huyện gồm: Hồng Ngự, Tam Nông, Thanh Bình, Cao Lãnh, Lấp Vò đã chi hỗ trợ cho các nhóm đối tượng theo Nghị quyết số 42 đạt trên 90%.

Những tháng đầu năm, tỉnh nhà đón nhận thông tin vui khi các chỉ số PCI, PAPI, PAR INDEX xếp nhóm đầu cả nước. Ngoài ra, Đồng Tháp tiến hành ký kết hợp tác đầu tư nhiều lĩnh vực với các tập đoàn lớn, trong đó có Tập đoàn T&T, mở ra cơ hội mới thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các ngành liên quan, kinh tế của tỉnh vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn. Trong đó, ngành du lịch đang chịu tác động mạnh nhất từ dịch bệnh Covid-19. Trong 6 tháng đầu năm 2020, lượng khách đến Đồng Tháp ước đạt 1,2 triệu người, giảm trên 40% so với cùng kỳ năm 2019. Đối với lĩnh vực công nghiệp, dịch bệnh Covid-19 làm gián đoạn các chuỗi cung ứng sản xuất và lưu chuyển thương mại hàng hóa, các hoạt động sản xuất kinh doanh bị đình trệ. Các doanh nghiệp, hộ kinh doanh phải đối mặt với “khó khăn kép” vừa thiếu hụt nguyên liệu đầu vào vừa bị giảm mạnh thị trường đầu ra tiêu thụ hàng hóa và xuất khẩu. Đặc biệt là các ngành hàng tham gia sâu vào mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị toàn cầu như nông sản, dệt may, da giày...


Sau thời gian dịch bệnh được kiểm soát tốt, giá một số mặt hàng nông sản tăng nhẹ

Để khắc phục những khó khăn do dịch bệnh gây ra và tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Dương yêu cầu thời gian tới, ngành công thương cần đẩy mạnh kết nối hàng hóa vào các trung tâm phân phối, tiêu thụ; mở rộng thương mại điện tử. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp phải hướng đến tăng trưởng bền vững, hỗ trợ nông dân thực hiện các biện pháp nâng cao chất lượng nông sản, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu chính ngạch, tăng cường chế biến và đầu tư công nghệ bảo quản. Đối với ngành thủy sản, cần nắm lại nhu cầu thị trường để duy trì hoạt động sản xuất phù hợp.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương tiếp tục đề xuất các giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công, nhất là các dự án trọng điểm có quy mô đầu tư lớn. Đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp và người gặp khó khăn do dịch Covid-19 đảm bảo công khai, minh bạch, đúng đối tượng...

MN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn