Đề xuất điều chỉnh, bổ sung cơ chế, chính sách phát triển cụm công nghiệp

Cập nhật ngày: 01/11/2019 06:10:53

ĐTO - Ngày 31/10, tại Đồng Tháp, Cục Công Thương địa phương (Bộ Công Thương) tổ chức hội nghị về cơ chế, chính sách phát triển cụm công nghiệp (CCN). Tham dự hội nghị có ông Ngô Quang Trung - Cục trưởng Cục Công Thương địa phương và đại diện Sở Công Thương các tỉnh, thành Đông Nam bộ và đồng bằng sông Cửu Long.


Ông Ngô Quang Trung - Cục trưởng Cục Công Thương địa phương phát biểu tại hội nghị

Theo báo cáo của các địa phương, quy hoạch phát triển CCN đến năm 2020 của cả nước có 1.648 CCN với tổng diện tích 55.927ha. Đến ngày 30/6/2019, cả nước có 683 CCN với tổng diện tích gần 21.700ha đi vào hoạt động, thu hút các dự án đầu tư; 862 CCN đã thành lập với tổng diện tích 28.646ha.

Theo đó, việc phát triển CCN thời gian qua đã góp phần thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư tiềm năng, lĩnh vực, ngành nghề có lợi thế, tạo ra giá trị gia tăng cao; qua đó đã thúc đẩy nhanh chóng việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo công ăn việc làm, nâng cao đời sống của người dân, góp phần ổn định an ninh trật tự, an toàn xã hội của các địa phương. Tổng hợp đến nay, có 23 địa phương đã ban hành, thực hiện chính sách hỗ trợ của địa phương đối với CCN (trong đó có Đồng Tháp).

Ông Nguyễn Văn Na, Phó Giám đốc Sở Công Thương Đồng Tháp cho biết, thực hiện theo Nghị định 68/2017/NĐ-CP, Đồng Tháp đã ban hành chương trình riêng hỗ trợ đầu tư hạ tầng CCN do ngân sách địa phương đảm bảo. Trong đó, để tạo mặt bằng thu hút các dự án đầu tư của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, và di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường trong các khu dân cư, tỉnh Đồng Tháp đã quy hoạch 30 CCN với tổng diện tích 1.290ha. Đến nay, đã có quyết định thành lập 15 CCN với tổng diện tích 576ha. Tỉnh Đồng Tháp có 1 CCN thành lập theo Nghị định 68/2017/NĐ-CP về quản lý, phát triển CCN của Chính phủ (CCN Mỹ Hiệp 2, huyện Cao Lãnh).

Thảo luận tại hội nghị, đại diện các địa phương cho rằng, bên cạnh những mặt được thì việc triển khai thực hiện các ưu đãi theo quy định tại một số điều của Nghị định 68 còn gặp khó khăn, vướng mắc cần được hướng dẫn cụ thể để áp dụng đúng quy định. Trong đó, cần tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng mới các chính sách hỗ trợ đầu tư hạ tầng CCN phù hợp với điều kiện thực tế và khả năng ngân sách địa phương; hỗ trợ các chính sách về thu hồi đất, giải phóng mặt bằng; có sự thống nhất về chính sách đầu tư tại các CCN...

Riêng đối với nội dung hỗ trợ từ ngân sách địa phương, trước mắt ưu tiên đầu tư hạ tầng thiết yếu của CCN phục vụ di dời doanh nghiệp, cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường hoặc có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường trong các làng nghề, khu dân cư, đô thị trên địa bàn; CCN tại địa bàn kinh tế xã hội khó khăn; đầu tư xây dựng hệ thống xử lý môi trường của CCN. Ngoài ra, cần tiếp tục huy động các nguồn lực tổng hợp của mọi thành phần kinh tế để thúc đẩy phát triển hạ tầng các CCN.

MN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn