Đồng Tháp phát triển hệ thống lương thực thực phẩm theo hướng bền vững

Cập nhật ngày: 22/06/2024 05:33:22

http://baodongthap.com.vn/database/video/20240622053403dt2-2.mp3

 

ĐTO - Hướng tới sự phát triển bền vững, Đồng Tháp xây dựng kế hoạch thực hiện Quyết định số 300/QĐ-TTg ngày 28/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch hành động Quốc gia chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm minh bạch, trách nhiệm và bền vững ở Việt Nam đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh.


Trong chuyến công tác tại tỉnh Đồng Tháp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính (thứ 4 từ phải sang) đến thăm và đánh giá cao tiềm năng hoạt động của  Công ty TNHH Lúa gạo Việt Nam (huyện Tháp Mười)

Theo UBND tỉnh Đồng Tháp, mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, thu nhập bình quân của người dân nông thôn tăng 2,7 lần so với năm 2020. Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm bình quân 0,32%/năm, đến năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 3%. Tốc độ tăng giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt bình quân từ 5 - 6%/năm. Cơ bản 100% diện tích đất sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản đủ điều kiện được cấp mã số vùng trồng, vùng nuôi. Số vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh động vật được đăng ký chứng nhận tăng 5%/năm.

Cùng với đó, nâng cao diện tích đất trồng trọt hữu cơ đạt trên 1,5% (khoảng 3.298ha) tổng diện tích đất trồng trọt với các cây trồng chủ lực; diện tích nuôi trồng thủy sản hữu cơ đạt 365ha trên các loài thủy sản chủ lực của tỉnh. Đồng thời tăng tỷ lệ giá trị sản phẩm được sản xuất theo các quy trình sản xuất tốt hoặc tương đương ở mức trên 30%; tăng tỷ lệ sản phẩm phân bón hữu cơ trong tổng sản phẩm phân bón lên 15% năm 2030; tăng tỷ lệ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học lên trên 30% trong tổng lượng thuốc bảo vệ thực vật áp dụng trên đồng ruộng...

Trên tinh thần đó, UBND tỉnh sẽ rà soát và đề xuất xây dựng chính sách thúc đẩy nông nghiệp hữu cơ, sinh thái, phát thải thấp, góp phần hình thành các vùng sản xuất bền vững. Thực hiện rà soát, cập nhật các quy trình giải quyết thủ tục hành chính, quy trình trong hoạt động quản lý chuyên ngành, hoạt động sản xuất thuộc phạm vi quản lý đảm bảo truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm nông nghiệp sinh thái, phát thải thấp phù hợp công nghệ mới, chuyển đổi số và theo hướng công khai, minh bạch nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân tiếp cận. Nghiên cứu đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ thúc đẩy sản xuất, phân phối và tiêu dùng thực phẩm xanh, an toàn và có truy xuất nguồn gốc.

Bên cạnh đó, đổi mới phương thức quản lý, sử dụng và kinh doanh vật tư nông nghiệp hướng tới nền sản xuất nông nghiệp chuyên nghiệp, có trách nhiệm và bền vững. Xây dựng, tổ chức hướng dẫn quy trình sản xuất, sử dụng phân bón hữu cơ; hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học phù hợp cho sản xuất lương thực thực phẩm hiệu quả và an toàn. Mặt khác, nghiên cứu, chọn tạo, chuyển giao và ứng dụng các giống và biện pháp kỹ thuật cho cây trồng, vật nuôi, thủy sản có năng suất, chất lượng và khả năng chống chịu cao với điều kiện bất lợi, phù hợp với điều kiện và tập quán sản xuất của địa phương; ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ, phù hợp với nông nghiệp sinh thái. Xây dựng các mô hình sử dụng hiệu quả tài nguyên đất, nước và tài nguyên di truyền động, thực vật; duy trì và phát huy kiến thức bản địa đảm bảo tính hiệu quả và bền vững, bảo vệ môi trường của hệ thống lương thực thực phẩm.

Đồng thời triển khai xác lập mã số vùng trồng, mã số vùng nuôi đối với mọi loại cây trồng, vật nuôi; ứng dụng công nghệ số trong quản lý vùng trồng, vùng nuôi, truy xuất nguồn gốc đối với lương thực thực phẩm. Xây dựng nền tảng thông tin số về thời tiết, khí hậu, rủi ro thiên tai, biến đổi khí hậu, dự báo và cảnh báo dịch bệnh, sâu bệnh và thông tin thị trường dễ truy cập trên diện rộng. Xây dựng và chuyển giao các quy trình, tiêu chuẩn sản xuất nông nghiệp sinh thái gắn sản xuất nông nghiệp sinh thái, phát thải thấp trong liên kết chuỗi giá trị, kết hợp du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp, du lịch văn hóa và ẩm thực nông thôn.

Phát triển hệ thống chế biến và phân phối lương thực thực phẩm theo hướng minh bạch, trách nhiệm và bền vững; thúc đẩy thực hành tiêu dùng lương thực, thực phẩm theo hướng minh bạch, trách nhiệm và bền vững là những giải pháp được tỉnh đề ra thực hiện.

Nhật Nam

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn