Đồng Tháp xác định doanh nghiệp là động lực phát triển kinh tế
Cập nhật ngày: 26/03/2021 05:49:33
ĐTO - Ngày 25/3, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa chủ trì hội nghị trực tuyến tổng kết tình hình phát triển doanh nghiệp (DN), DN khởi nghiệp giai đoạn 2016 - 2020 và định hướng phát triển 2021 - 2025; lấy ý kiến đối với dự thảo Nghị quyết của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển DN và thúc đẩy khởi nghiệp giai đoạn 2021-2025.
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa phát biểu tại hội nghị
Giai đoạn 2016-2020, cùng với sự phát triển về số lượng, quy mô về vốn đầu tư của DN cũng gia tăng đáng kể. Theo đó, số DN thành lập mới là 2.684 DN, tăng 26% so với giai đoạn 2011-2015. Vốn đầu tư trung bình giai đoạn 2016-2020 là 6,7 tỷ đồng/DN, tăng khoảng 49% so với giai đoạn 2011-2015. Đến năm 2020, trên địa bàn tỉnh có 4.244 DN thực tế đang hoạt động, tăng khoảng 53% so với năm 2015.
Đóng góp của DN vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh khá ấn tượng. Theo số liệu thống kê, đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GRDP của tỉnh năm 2016-2020 là khoảng 23,35%; vốn đầu tư phát triển của khối DN khoảng 23,64% trên tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội. Đóng góp của yếu tố năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) chiếm khoảng 21,27% GRDP; nộp ngân sách ở khu vực này có tỷ trọng bình quân khoảng 42% trong tổng thu ngân sách nhà nước, tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2016-2020 là 14%/năm; kim ngạch xuất nhập khẩu của tỉnh vượt một tỷ USD; hàng năm giải quyết việc làm cho khoảng 35.000 lao động.
Đối với hoạt động khởi nghiệp của Đồng Tháp được các cấp ủy đảng quan tâm, chỉ đạo sâu sát, bước đầu đạt được những kết quả quan trọng. Trong giai đoạn 2016-2020, Chương trình khởi nghiệp được lan tỏa trong cộng đồng xã hội, nhiều dòng sản phẩm mới ra đời, tận dụng, phát triển nguồn nguyên liệu địa phương. Đây còn là lực lượng tiềm năng để phát triển lực lượng DN trong tương lai.
Tại hội nghị, đại diện các sở, ban, ngành tỉnh, địa phương có nhiều chia sẻ về các chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển DN, dự án khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh; phát triển, chuyển giao khoa học – công nghệ đối với các DN, DN khởi nghiệp; tập huấn, đào tạo nguồn nhân sự đáp ứng yêu cầu sử dụng lao động của DN; chính sách hỗ trợ, quản lý về bảo hiểm xã hội đối với các DN sau khi thành lập; chính sách hỗ trợ, quản lý về thuế đối với các DN...
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Phạm Thiện Nghĩa cho rằng, đạt được kết quả trên là do thời gian qua Đồng Tháp chuyển từ chính quyền mệnh lệnh hành chính sang phục vụ DN và Nhân dân; đẩy mạnh triển khai tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng; khuyến khích phong trào khởi nghiệp.
Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số khó khăn nhất định. Sự quan tâm phát triển DN, DN khởi nghiệp chưa đều; hộ kinh doanh cá thể chưa tự tin vươn lên thành lập DN; số lượng DN giải thể còn tăng...
Với kỳ vọng phát triển DN cùng quyết tâm không để Đồng Tháp tụt hậu phía sau, Chủ tịch tỉnh đề nghị các ngành, địa phương không được chủ quan mà cần tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng trong thời gian tới, giúp DN và DN khởi nghiệp phát triển. Đồng thời, tạo điều kiện cho các DN vươn lên phát triển lớn mạnh; triển khai kết hợp chương trình khởi nghiệp, chương trình OCOP, nông thôn mới... nhằm phát huy các nguồn lực, tạo sức mạnh lớn giúp các DN, DN khởi nghiệp phát triển.
Chủ tịch Phạm Thiện Nghĩa đề nghị, các ngành địa phương cần đánh giá từng chính sách hỗ trợ và đánh giá lại các dự án đầu tư được cấp phép nhằm tạo sự kết nối giúp các DN và DN khởi nghiệp phát triển. Song song đó, cần phát động phong trào thi đua sôi nổi, khuyến khích địa phương thu hút phát triển DN, dự án đầu tư...
Từ những cơ sở phân tích thực tế, Dự thảo Nghị quyết của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển DN và thúc đẩy khởi nghiệp giai đoạn 2021-2025 đề ra mục tiêu phát triển thêm 3.050 DN (bình quân hàng năm phát triển mới khoảng 610 DN), nâng tổng số DN thực tế đang hoạt động đến năm 2025 tương ứng khoảng 5.300 DN. Khu vực DN đóng góp khoảng 26-27% vào GRDP của tỉnh; đóng góp khoảng 25% tổng vốn đầu tư toàn xã hội; Năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp khoảng 42% GRDP của tỉnh; hàng năm, tạo thêm khoảng 30.000 - 35.000 việc làm mới...
|
Y DU