Hiểu đúng về thị trường Trung Quốc để xuất khẩu hiệu quả
Cập nhật ngày: 08/08/2019 05:36:15
ĐTO - 6 tháng đầu năm 2019, kim ngạch xuất khẩu của nhiều mặt hàng nông – thủy sản của Đồng Tháp giảm so với cùng kỳ những năm trước. Nguyên nhân khách quan chính là do ảnh hưởng từ việc Chính phủ Trung Quốc thay đổi chính sách nhập khẩu và siết chặt hàng rào thuế quan. Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, nếu nhìn ở yếu tố chủ quan thì việc chưa sẵn sàng để thích ứng với “sân chơi” mới, lại là nguyên nhân quan trọng tác động đến tình hình xuất khẩu trong những tháng đầu năm.
Kiểm soát vùng trồng, đảm bảo nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh thực phẩm là những yêu cầu tiên quyết khi xuất khẩu nông sản vào thị trường Trung Quốc
Trung Quốc siết chặt nhập khẩu tiểu ngạch
Với những ưu thế như “sông liền sông, núi liền núi” khoảng cách vận chuyển ngắn, chi phí thấp, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có ưu thế nổi trội khi xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc. Tuy nhiên, thời kỳ “vàng son” theo kiểu “có chi bán nấy” ở khu vực biên giới đã qua. Để tăng cường chính sách bảo hộ cho nền sản xuất trong nước, thời gian gần đây, Trung Quốc đang đặt ra nhiều rào cản kỹ thuật để giám sát hàng hóa nhập khẩu. Hiện Trung Quốc cũng đang siết chặt nhập khẩu hàng hóa theo hướng tiểu ngạch và thay vào đó nhập khẩu chính ngạch là giải pháp đang được “quốc gia tỷ dân” này đẩy mạnh.
Bà Vũ Kim Hạnh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (DN) cho rằng: “Những qui định thắc chặt về nhập khẩu không phải là vấn đề mới mà Trung Quốc đã thông báo từ trước đó. Vấn đề là chúng ta luôn giữ quan điểm rằng Trung Quốc vẫn còn xuề xòa, chúng ta chưa thật sự hiểu đúng và đầy đủ về sự phát triển của nước láng giềng này. Vì vậy, khi Trung Quốc “mạnh tay” đưa ra những rào cản kỹ thuật thì nhiều DN, nhà sản xuất lại tỏ ra lúng túng”.
Theo bà Vũ Kim Hạnh, hiện nay nền kinh tế của Trung Quốc phát triển rất hiện đại, bên cạnh các kênh mua bán truyền thống thì hệ thống các siêu thị hiện đại, trung tâm mua sắm lớn đang phát triển mạnh mẽ và trở thành xu hướng tiêu dùng của quốc gia này. Mua sắm trực tuyến thông giao các sàn thương mại điện tử là hình thức giao thương phổ biến của Trung Quốc hiện nay. Nền kinh tế Trung Quốc đang phát triển rất tiên tiến, vì vậy yêu cầu về tiêu dùng của người dân Trung Quốc khắt khe hơn.
Xuất khẩu chính ngạch – giải pháp sống còn cho nông sản
Là một trong những DN mạnh của Việt Nam về chế biến nông sản và cũng là một trong những DN có “thâm niên làm ăn” với Trung Quốc, ông Nguyễn Lâm Viêm - Tổng Giám đốc Công ty Vinamit phân tích về nguyên nhân vì sao DN Việt Nam cần sớm đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Theo ông, một trong những nguyên nhân khiến cho DN của Việt Nam thích xuất khẩu tiểu ngạch là do xuất khẩu theo con đường này thủ tục thực hiện khá đơn giản và dễ dàng. Tuy nhiên, khi xuất khẩu bằng con đường tiểu ngạch sẽ bộc lộ nhiều hạn chế như: hàng hóa xuất khẩu phải đi qua nhiều tầng nấc, từ đó chi phí giá thành của sản phẩm sẽ đội lên rất cao. Ngoài ra, DN sản xuất cũng khó có thể định giá hay quyết định được “số phận” sản phẩm của mình làm ra sẽ “đi đâu về đâu”. Sau khi sản phẩm của Việt Nam qua bên kia biên giới thì đường đi của sản phẩm hoàn toàn lệ thuộc vào phía DN nhập khẩu của Trung Quốc. Khi xuất khẩu hàng hóa bằng con đường tiểu ngạch thì DN Việt Nam chỉ có thể tiếp cận được một phân khúc rất nhỏ khách hàng ở khu vực biên giới còn các kênh tiêu thụ khác ở sâu bên trong nội địa Trung Quốc thì hầu như không thể tiếp cận được.
Tuy nhiên, nếu đảm bảo các quy chuẩn mà Trung Quốc đưa ra đối với hàng hóa nhập khẩu thì xuất khẩu chính ngạch sẽ giúp cho DN phát triển bền vững hơn nhiều. Hiện nay, Trung Quốc có hơn 10.000 siêu thị lớn, có hơn 50.000 cửa hàng tiện lợi và trên 30.000 chợ truyền thống phủ khắp cả nước... Đây thật sự là 1 mạng lưới tiêu thụ khổng lồ so với một phân khúc thị trường rất nhỏ ở khu vực biên giới mà các DN cần quan tâm.
Cũng đồng quan điểm với chủ DN Vinamit, bà Phan Gia Mẫn - Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu thủy sản Vũ Thạnh, TP.Hồ Chí Minh chia sẻ: “Khác với xuất khẩu tiểu ngạch, để có thể xuất khẩu chính ngạch lâu dài thì DN sản xuất phải bỏ nhiều “tâm tư” hơn. Trong đó, việc thấu hiểu về văn hóa, thói quen tiêu dùng của người dân bản địa là những vấn đề mà DN phải quan tâm khi xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Bên cạnh đó, khi xuất khẩu chính ngạch cũng cần quan tâm đến vấn đề về chính trị, pháp luật của nước sở tại... sẽ có nhiều tiềm ẩn rủi ro nhất định, DN cần nghiên cứu kỹ và nắm bắt động thái của thị trường mục tiêu, cần phân tích và nghiên cứu kỹ trước khi thâm nhập vào thị trường Trung Quốc...”.
Mặc dù, con đường xuất khẩu chính ngạch không hề “dễ đi”, song bà Phan Gia Mẫn cũng khẳng định nếu làm tốt các khâu chuẩn bị thì thị trường Trung Quốc là một thị trường to lớn mà Việt Nam có nhiều ưu thế. Và, con đường xuất khẩu chính ngạch không chỉ giúp DN tăng trưởng ổn định mà các rủi ro về thương mại cũng sẽ giảm thiểu so với xuất khẩu tiểu ngạch.
Những thay đổi về chính sách nhập khẩu nông – thủy sản của Trung Quốc hiện nay hoàn toàn phù hợp với xu thế tiêu dùng toàn cầu. Vì vậy nếu không sớm thay đổi để thích ứng thì nhiều khả năng Việt Nam sẽ mất vị thế ở thị trường “tỷ dân” này. Bởi không riêng Việt Nam, mà nhiều quốc gia trong khối Asean như: Thái Lan, Malaysia, Campuchia... đang có nhiều thay đổi về phương thức sản xuất để phù hợp với thị trường nhập khẩu lớn là Trung Quốc. “Nước đã đến chân” nếu DN, nhà sản xuất vẫn mãi chần chừ thì tương lai con đường xuất khẩu nông sản sẽ còn gian nan hơn rất nhiều.
Mỹ Lý