Hoạt động khuyến công lan tỏa hiệu quả
Cập nhật ngày: 06/01/2020 09:36:18
ĐTO - Nhằm hỗ trợ các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn, các làng nghề, thời gian qua, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Đồng Tháp (KC&TVPTCN) đã tích cực triển khai các hoạt động theo quy định tại Nghị định số 45/2012/NĐ-CP của Chính phủ về khuyến công.
Thiết bị tiết kiệm điện được giới thiệu tại hội thảo chuyên ngành do Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp phối hợp tổ chức. Ảnh: T.Hiền
Trong năm 2019, từ Chương trình hỗ trợ đầu tư ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến, chuyển giao công nghệ, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, Trung tâm KC&TVPTCN đã thực hiện 26 đề án với tổng kinh phí khuyến công hỗ trợ trên 5,8 tỷ đồng, tăng 89,7% so với năm 2018. Đặc biệt, Đồng Tháp có 29 sản phẩm được công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh và 3 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp Quốc gia.
Có thể nói, những kết quả trên là một cú hích, tạo ra tư duy mới, cách làm mới, định hướng cho các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn mạnh dạn đầu tư áp dụng công nghệ mới, máy móc thiết bị hiện đại vào quá trình sản xuất. Từ đó, góp phần tăng năng suất, chất lượng, tối ưu hóa sản xuất và sản phẩm làm ra sớm tiếp cận được người tiêu dùng và xúc tiến thương mại. Hoạt động khuyến công ngày càng đi sát thực tế và hiệu quả hơn.
Thời gian qua, chương trình hỗ trợ kinh phí đầu tư cũng làm “vốn mồi” cho các cơ sở công nghiệp nông thôn thu hút được sự quan tâm của chính quyền địa phương, nguồn ngân sách nhà nước dành cho hoạt động khuyến công được cải thiện rõ rệt. Từ đây, công tác khuyến công đã có sức lan tỏa trong cộng đồng doanh nghiệp trẻ khởi nghiệp.
Ngoài công tác hỗ trợ kinh phí cho các địa phương, các cơ sở công nghiệp nông thôn, trong năm 2019, Trung tâm KC&TVPTCN thường xuyến tiếp cận các cơ sở công nghiệp nông thôn để tìm kiếm nhu cầu, mở rộng lĩnh vực tư vấn, tổ chức hội thảo chuyên đề về lĩnh vực cơ khí; tư vấn về phát triển năng suất lao động; tổ chức tham gia hội chợ triển lãm trong và ngoài tỉnh, liên kết các ngành nghề, quảng bá thương hiệu sản phẩm. Bên cạnh đó, đơn vị cũng tổ chức tập huấn, đào tạo, đồng hành, chia sẻ cùng doanh nghiệp... Từ đây, Trung tâm KC&TVPTCN tạo được mối liên hệ chặt chẽ, tương tác thường xuyên, cụ thể qua trang tin điện tử của Trung tâm: khuyencongdongthap.vn
Hệ thống máy sản xuất được hỗ trợ từ Đề án Khuyến công địa phương tại Cơ sở sản xuất nem Hoàng Khánh (huyện Lai Vung). Ảnh: Nhật Khánh
Thời gian tới, Trung tâm KC&TVPTCN sẽ tập trung hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm các đề án tạo nên chuỗi giá trị sản phẩm thế mạnh của địa phương; quan tâm hỗ trợ phát triển các sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu; khuyến khích và hỗ trợ các dự án đầu tư máy móc thiết bị tiết kiệm điện năng; phát triển các ngành công nghiệp chế biến, sản xuất sạch hơn, các sản phẩm có thị trường ổn định. Đặc biệt, Trung tâm KC&TVPTCN ưu tiên hỗ trợ làng nghề gắn với nhu cầu sử dụng lao động và nguyên liệu tại chỗ để giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho người lao động khu vực nông thôn.
Võ Thị Kim The
(Trung tâm KC&TVPTCN Đồng Tháp)