Khảo sát, tìm kiếm thị trường tiêu thụ nông sản ở các tỉnh Tây Nguyên
Cập nhật ngày: 07/08/2015 12:08:34
Thực hiện kế hoạch Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp 2015, Sở Công Thương vừa tổ chức chuyến đi khảo sát các tỉnh Tây Nguyên để tìm kiếm đối tác, xây dựng đại lý, điểm bán hàng tiêu thụ các sản phẩm sau gạo, các mặt hàng nông thủy sản tươi sống và chế biến năm 2015.
Hiện tại, hàng nông sản của tỉnh chưa thâm nhập nhiều vào thị trường các tỉnh Tây Nguyên, dù đây là thị trường không lớn nhưng rất nhiều tiềm năng, có nhu cầu tương đối cao với các sản phẩm nông thủy sản của tỉnh. Mặt khác, đây cũng là thị trường triển vọng cho các doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX) và cơ sở sản xuất (CSSX) kết nối tiêu thụ sản phẩm qua 2 nước Campuchia và Lào. Dịp này, Sở Công Thương tổ chức chuyến đi khảo sát qua 4 tỉnh Tây Nguyên: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk và Lâm Đồng. Thành viên đoàn khảo sát gồm đại diện Sở Công Thương, các phòng Kinh tế, Kinh tế - Hạ tầng và các DN, CSSX trên địa bàn tỉnh.
Qua chuyến đi khảo sát, Sở Công Thương nhận thấy đối với các tỉnh Tây Nguyên, nhóm ngành hàng nông thủy sản thế mạnh của Đồng Tháp như: gạo, sản phẩm sau gạo (bột các loại, thực phẩm chế biến: bún, phở các loại,...), trái cây, thủy sản chế biến (khô cá lóc, cá sặc rằn), nông sản chế biến (sen, mít, khoai sấy),... là nhu cầu lớn của thị trường này, nhất là mặt hàng gạo với khoảng từ 30 – 50% phải mua ngoài tỉnh; các kênh phân phối đa phần là truyền thống, chưa hiện đại, tập trung thông qua các hợp đồng liên kết, do vậy sản lượng, số lượng chưa đáp ứng kịp thời nhu cầu thị trường; chi phí vận chuyển, bảo quản và các chi phí lưu thông cao dẫn đến giá thành cao khi đến tay người tiêu dùng.
Qua chuyến đi khảo sát, Đoàn Đồng Tháp ký được hợp đồng liên kết tiêu thụ với các DN, HTX, CSSX của các tỉnh bạn; Sở Công Thương các tỉnh cũng ký kết Bản ghi nhớ sẽ thường xuyên trao đổi thông tin về lĩnh vực thương mại, thông tin thị trường, các hoạt động xúc tiến thương mại lẫn nhau. Đồng thời, cam kết sẽ giới thiệu các doanh nghiệp, các sản phẩm tiềm năng ở các hội chợ hàng Việt về nông thôn và phòng trưng bày sản phẩm của 2 tỉnh nhằm góp phần xúc tiến thương mại hàng hóa mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.
Theo Sở Công Thương, để tạo được mối liên kết bền vững, ổn định, các DN, HTX, CSSX cần chủ động hơn trong việc gặp gỡ, thỏa thuận với các đối tác tỉnh bạn nhằm ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm của mình; đề nghị Sở Công Thương hỗ trợ trong việc tìm kiếm mở địa điểm bán hàng, đại lý tiêu thụ tại các thành phố lớn. Song song đó, các cơ quan quản lý nhà nước cũng cần tăng cường mối liên hệ giữa các tỉnh Tây Nguyên và các địa phương Đồng Tháp có giao thương hàng hóa; hỗ trợ các DN có năng lực về vốn, cơ sở vật chất, nhân sự, kinh nghiệm,...; có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp Đồng Tháp xây dựng các cửa hàng, các điểm trưng bày, giới thiệu sản phẩm, đầu tư xây dựng trạm trung chuyển, kho bảo quản hàng hóa ở các thành phố lớn để giảm chi phí lưu thông nhằm tăng khả năng cạnh tranh cho các mặt hàng nông thủy sản của tỉnh và các DN.
Đông Phương - P. QLTM