Đoàn công tác Unido, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Khảo sát “Trung tâm tiên tiến” về xử lý sau thu hoạch xoài

Cập nhật ngày: 19/06/2018 16:41:16

ĐTO - Chiều 18/6, trong chuyến công tác tại Đồng Tháp, Đoàn công tác Unido, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đến khảo sát “Trung tâm tiên tiến” về xử lý sau thu hoạch xoài của Công ty Kim Nhung (TP.Cao Lãnh). Đây là doanh nghiệp đầu tiên địa bàn tỉnh được hỗ trợ và đầu tư dây chuyền xử lý xoài sau thu hoạch theo công nghệ tiên tiến, hiện đại.

“Trung tâm tiên tiến” về xử lý sau thu hoạch là mô hình chuyển giao kỹ thuật tiên tiến, xây thiết bị mới và hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao chất lượng, giảm tổn thất sau thu hoạch do tổ chức phát triển công nghiệp Liên hợp quốc UNIDO tài trợ Công ty Kim Nhung thực hiện với kinh phí gần 3,4 tỷ đồng. Mô hình gồm các hạng mục chủ yếu như: hệ thống năng lượng mặt trời; bồn chứa; kho lạnh; máy rửa xoài, máy xử lý nước nóng, máy sấy, máy thôi làm khô... Ngoài sự hỗ trợ của Unido, doanh nghiệp Kim Nhung cũng đã mạnh dạn đổi mới, đầu tư thêm các trang thiết bị, nâng cấp nhà xưởng, mở rộng quy mô sản xuất, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu. Hiện công suất sản xuất xoài của doanh nghiệp đã nâng lên từ 20 tấn/ngày lên 40-50 tấn/ngày.

Ông Karl Shebesta – Giám đốc Dự án Xây dựng mô hình tiên tiến về thu hoạch, sơ chế, đóng gói và bảo quản xoài tại đồng bằng sông Cửu Long UNIDO cho biết, trước khi chọn Việt Nam để thực hiện dự án, Unido đã khảo sát tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch không chỉ ở Việt Nam mà một số nước trong khu vực ví dụ như: Campuchia, Lào, Myanma, Thái Lan... Theo đó, tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch của Việt Nam rất cao so với các nước trong khu vực. Vì vậy, Việt Nam được chọn là 1 trong 2 nước có những hỗ trợ kỹ thuật sâu hơn để nâng cao năng lực cũng như chuyển giao một số kỹ thuật công nghệ để giảm tổn thất sau thu hoạch. Đối với dự án xoài tại đồng bằng sông Cửu Long, Unido thực hiện rất nhiều các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật như khảo sát sâu hơn chuỗi ngành hàng xoài và đào tạo nâng cao năng lực và xây dựng mô hình “Trung tâm tiên tiến” tại Công ty Kim Nhung (Đồng Tháp).

Qua chuyến khảo sát thực tế tại doanh nghiệp, ông Karl Schenectady cho biết, ông rất hài lòng về thành tựu và kết quả đạt được của dự án. Đặc biệt là ấn tượng về sự cam kết và tham gia của doanh nghiệp trong việc sẵn sàng thay đổi theo mô hình tiên tiến, hiện đại. “Nhớ lại lần đầu tiên tôi đến đây thì công ty chỉ là nhà xưởng rất đơn sơ và hầu như không có trang thiết bị nào cả, tuy nhiên, qua hơn 1 năm đầu tư, hiện nay nhà máy đã đáp ứng đầy đủ trang thiết bị phục vụ công nghệ xử lý xoài sau thu hoạch một cách bài bản, hiệu quả. Điều này rất quan trọng, vì ngoài những sự hỗ trợ của tổ chức quốc tế, sự hỗ trợ của các cơ quan trong nước - Viện cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch, địa phương, nhưng nếu không có sự sẵn sàng thay đổi của doanh nghiệp thì cũng không hình thành được “Trung tâm tiên tiến”. Qua đó cũng không thể nâng cao giá trị ngành hàng xoài, nhất là đáp ứng nhu cầu thị trường xuất khẩu như hiện nay...” – ông Karl Schenectady cho biết.

Thảo Vy

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn