Khi nông dân trồng bắp ngọt xứ cù lao xã Tân Huề cùng nhau liên kết

Cập nhật ngày: 08/04/2023 06:11:19

ĐTO - Từ chỗ làm ăn riêng lẻ, hàng hóa tiêu thụ bấp bênh, những năm gần đây, nhiều nông dân trồng bắp ngọt ở xã Tân Huề, huyện Thanh Bình mạnh dạn cùng ngồi lại dưới mái nhà chung “Bắp ngọt Hội quán” để tìm giải pháp cho mô hình canh tác bắp ngọt tại địa phương. Với việc chủ động “đi cùng nhau”, nông dân trồng bắp đã tháo gỡ được nhiều “nút thắt” trong chuỗi sản xuất…


Ông Dương Văn Luông (bên trái) - Phó chủ nhiệm “Bắp ngọt Hội quán” kiểm tra chất lượng bắp trước khi thu hoạch cung cấp cho đối tác

Hiện tại, với quy mô sản xuất trên 100ha, “Bắp ngọt Hội quán” xã Tân Huề đang trở thành một trong những nhà cung cấp bắp ngọt nguyên liệu lớn được nhiều đối tác trong và ngoài tỉnh tìm đến đặt hàng và kết nối lâu dài.

Chia sẻ về “mối duyên lành” cùng nhau gắn kết dưới mái nhà chung Hội quán, ông Dương Văn Luông - Phó chủ nhiệm “Bắp ngọt Hội quán”, xã Tân Huề tâm sự: “Trước đây, công việc của tôi là bán bắp xào. Để có nguồn nguyên liệu chất lượng phục vụ kinh doanh, tôi phải đến tỉnh Tiền Giang để nhập hàng. Tuy nhiên, chất lượng bắp do đối tác cung cấp không ổn định nên khoảng năm 2015, tôi bắt đầu tìm kiếm giống bắp ngọt và về quê thực hiện liên kết, bao tiêu đầu ra với nông dân ở địa phương. Thời điểm đầu, diện tích liên kết rất nhỏ nhưng dần dần thị trường tiêu thụ mở rộng nên tôi “đặt hàng” nông dân sản xuất nhiều hơn. Nhờ mô hình liên kết phát triển mạnh nên ngày càng có nhiều nông dân chủ động đăng ký hợp tác, đến năm 2017, để tiện lợi cho việc sinh hoạt chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, chúng tôi thành lập Câu lạc bộ sản xuất bắp ngọt với trên 30 thành viên. Với sự phát triển đó, năm 2022, chúng tôi tiến tới thành lập Hội quán trồng bắp ngọt đầu tiên của xã Tân Huề với 64 thành viên”.

Một trong những điểm ấn tượng của mô hình liên kết của “Bắp ngọt Hội quán” chính là sự đồng thuận và nhất trí rất cao từ các thành viên. Để cung cấp bắp cho thị trường đạt chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, nông dân trồng bắp phải tuân thủ sát sao các quy định về phun xịt thuốc bảo vệ thực vật và cả thời gian cách ly trước khi thu hoạch do Hội quán đưa ra. Ngược lại, để đảm bảo lợi nhuận cho người nông dân khi thực hiện liên kết, Hội quán cũng có giải pháp hỗ trợ giá khi nông dân sản xuất vào những thời điểm nghịch mùa, thời tiết bất lợi, năng suất bắp không đảm bảo. Chính việc hài hòa lợi ích, cùng thấu hiểu và thông cảm giữa các bên giúp cho mô hình liên kết sản xuất bắp ngọt ở xã Tân Huề không ngừng mở rộng.

Ông Đặng Văn Gan - thành viên “Bắp ngọt Hội quán” bày tỏ: “Từ ngày tham gia sinh hoạt tại “Bắp ngọt Hội quán” công việc sản xuất của gia đình tôi thuận lợi hơn trước đây rất nhiều. Nhờ học hỏi được kỹ thuật từ các anh em mà tôi trồng bắp trúng mùa hơn, chất lượng bắp đảm bảo, từ đó tạo được thương hiệu và ngày càng có nhiều đối tác tìm đến liên kết. Nhờ thị trường tiêu thụ rộng mở, giá bán tăng so với trước đây nên lợi nhuận từ trồng bắp ngọt cũng khả quan hơn trước rất nhiều”.

Nhờ sản xuất theo đơn đặt hàng và có thị trường tiêu thụ ổn định, những năm gần đây, nhiều nông dân tại xã Tân Huề bắt đầu chuyển sang mô hình trồng bắp ngọt khá nhiều. So với trồng bắp cao sản truyền thống, lúa, mô hình sản xuất bắp ngọt cho hiệu quả kinh tế cao hơn từ 3 triệu - 4 triệu đồng/công. Do đó, bên cạnh diện tích liên kết tại xã Tân Huề, huyện Thanh Bình, “Bắp ngọt Hội quán” còn mở rộng liên kết sang các địa phương lân cận của huyện Tam Nông, huyện Chợ Mới (tỉnh An Giang) nhằm đảm bảo nguồn cung cho các đối tác. Hiện tại, trung bình mỗi tháng, “Bắp ngọt Hội quán” cung cấp khoảng 200 tấn bắp tươi cho thị trường TP Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Đông.

Ông Nguyễn Thanh Phong - Phó Chủ tịch UBND xã Tân Huề, huyện Thanh Bình cho biết: “Tân Huề là một trong những xã có diện tích trồng bắp lớn của huyện, những năm gần đây, bên cạnh diện tích trồng bắp cao sản truyền thống, bắp nếp, nhiều nông dân chuyển đổi sang canh tác bắp ngọt vì hiệu quả kinh tế cao, thời gian canh tác ngắn. Đặc biệt, với mô hình “Bắp ngọt Hội quán” việc sản xuất, tiêu thụ của người dân được ổn định và thuận lợi hơn trước rất nhiều. Thông qua hoạt động của Hội quán, nông dân có cơ hội gắn kết, cùng nhau chia sẻ và tháo gỡ khó khăn trong quá trình sản xuất. Từ đó, diện tích liên kết sản xuất dần dần được mở rộng, số lượng hội viên tham gia Hội quán ngày càng đông”.

Trong thời gian tới, nhằm giúp cho hoạt động sản xuất kinh doanh của “Bắp ngọt Hội quán” từng bước phát triển chuyên nghiệp, tạo sức lan tỏa trong cộng đồng, UBND xã Tân Huề phối hợp tốt với ngành nông nghiệp của huyện mở nhiều lớp tập huấn, hướng dẫn nông dân áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, sản xuất bắp theo hướng an toàn, tuân thủ nghiêm các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm. Đặc biệt, hỗ trợ nông dân xây dựng mã số vùng trồng cho hơn 40ha diện tích bắp ngọt của xã để sản phẩm bắp ngọt của địa phương phát triển xa hơn. Đây sẽ là nền tảng để các doanh nghiệp xuất khẩu đến kết nối và đặt hàng với “Bắp ngọt Hội quán”.

MỸ LÝ

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn