Khởi nghiệp với nghề móc len

Cập nhật ngày: 03/07/2019 10:10:30

ĐTO - Chia tay công việc kế toán với mức lương ổn định, chị Nguyễn Thị Kim Anh (sinh năm 1989, phường 4, TP.Cao Lãnh) chọn hướng khởi nghiệp với nghề móc len mà mình yêu thích và đã thu được “quả ngọt” từ lựa chọn này.


Kim Anh giới thiệu sản phẩm len tại phiên chợ nông nghiệp xanh của tỉnh

Hiện sản phẩm của chị Kim Anh không chỉ có chỗ đứng trong nước mà còn chinh phục được khách hàng ở Mỹ, Đức, Malaysia...

Tốt nghiệp kế toán Trường Cao đẳng nghề, Kim Anh từng công tác ở một công ty xây dựng với mức lương khoảng 4 – 5 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, với đam mê nghệ thuật móc len từ thuở nhỏ, chị Kim Anh đã bỏ ngoài tai tất cả khuyên ngăn cua gia đình, bạn bè, năm 2015, chị quyết định tạm dừng công việc hiện tại để theo đuổi nghề móc len mình yêu thích với số vốn ban đầu chỉ 1 triệu đồng. Kim Anh chia sẻ: “Thời gian đầu, tôi gặp không ít khó khăn do chưa có mặt bằng bày bán nên ban ngày tranh thủ làm, còn chiều phải đem ra “bán chạy” ở công viên Văn Miếu nhưng bữa được, bữa không. Thấy cực khổ, gia đình khuyên nghỉ nhưng vì đam mê với nghề nên mình ráng đeo theo”. Dần dần thông qua zalo, facebook và các hội nhóm handmade, sản phẩm của chị được nhiều người biết đến. Đặc biệt có những khách hàng nước ngoài ưa thích sản phẩm của chị nên đặt mua với số lượng nhiều.


Kim Anh đang hoàn thiện các công đoạn cuối của sản phẩm balo để giao cho khách hàng

Nhận thấy đây là những khách hàng tiềm năng và lâu dài cho sản phẩm handmade nhưng chỉ một mình thì không thể kham nổi công việc, chị quyết định mở rộng quy mô cơ sở bằng cách liên hệ với Thành đoàn Cao Lãnh vay 53 triệu đồng để mua các nguyên liệu làm sản phẩm. Cùng với đó, chị mở lớp chiêu sinh dạy nghề và câu lạc bộ handmade để tạo nguồn nhân công và tận dụng sản phẩm chất lượng của học viên để cung cấp cho thị trường TP.Hồ Chí Minh và khách hàng ngoài nước.

Kim Anh cho biết, do nghề này đòi hỏi sự tỉ mỉ và kiên trì nên dù lúc đầu học viên tìm đến khá đông nhưng người trụ lại với nghề rất ít. Đến thời điểm hiện tại chỉ còn 5 học viên đồng hành với nghề móc len cùng Kim Anh. Với số lao động này, mỗi tháng cơ sở có thể cung ứng ra thị trường trên 30 sản phẩm các loại. Trong đó, chủ yếu là balô, ví cầm tay, nón... cung cấp cho khách hàng các nước Mỹ, Đức, Malaysia và đại lý ở TP.Hồ Chí Minh, với mức giá dao động từ vài trăm đến trên 1 triệu đồng/sản phẩm.


Khách hàng đến tham quan, mua sắm tại cửa hàng của Kim Anh 

Ngoài các mẫu sản pham hiện có, để phù hợp với định hướng du lịch của tỉnh, Kim Anh còn sáng tạo những sản phẩm gần gũi với đời sống như: móc khóa chú bộ đội, bé sen, bình hoa sen, xoài... Chị đang ấp ủ dự định liên kết với Cơ sở nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh để dạy nghề cho các em. Kim Anh kỳ vọng với định hướng này sẽ kết nối tạo việc làm cho hàng trăm lao động tại địa phương. Cùng với đó, cơ sở cũng có thêm nhiều sản phẩm độc đáo đưa ra thị trường.

Mỹ Nhân

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn