Lai Vung khôi phục lại vườn cây có múi
Cập nhật ngày: 12/09/2019 05:37:11
ĐTO - Thời gian qua, bệnh vàng lá thối rễ, chết xanh trên cây có múi diễn biến rất phức tạp khiến nhiều hộ nông dân trên địa bàn huyện Lai Vung thất thu, hoạt động sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại nặng nề. Trước thực trạng này, ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp đã triển khai thí điểm mô hình khắc phục bệnh vàng lá thối rễ, chết xanh trên cây có múi. Đến nay, cây bị nhiễm bệnh đang có dấu hiệu phục hồi tốt, góp phần mang lại sự hi vọng khôi phục lại cây trồng thế mạnh của địa phương.
Các chuyên gia tham quan vườn nhà ông Nguyễn Văn Đầy và thấy được sự phục hồi của các cây bị nhiễm bệnh
Sự hồi phục kì diệu từ việc xeo đất, sử dụng phân hữu cơ
Để phòng, chống bệnh vàng lá thối rễ, chết xanh trên cây có múi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Đồng Tháp giao Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT&BVTV) Đồng Tháp phối hợp với Trung tâm Khuyến nông, Khoa Nông nghiệp - Trường Đại học Cần Thơ và UBND huyện Lai Vung tiến hành chọn ra 5 vườn bị nhiễm bệnh nhằm xây dựng mô hình ứng dụng quy trình khắc phục bệnh vàng lá thối rễ, chết xanh trên cây có múi.
Từ tháng 4/2019, các đơn vị liên quan đã tiến hành thực hiện thí điểm tại các vườn cây đang nhiễm bệnh, xử lý cây đã chết, quản lý chăm sóc cây chưa nhiễm bệnh tại các vườn cây có múi (diện tích 1.000 - 2.000m2/điểm). Tại các điểm này, các chuyên gia hướng dẫn nông dân thực hiện mô hình khắc phục theo qui trình và so sánh với tập quán sản xuất cũ giữa các vườn trồng cây có múi.
Vườn nhà ông Nguyễn Văn Đầy ngụ ấp Long Hưng 1, xã Long Hậu, huyện Lai Vung là 1 trong 5 điểm được chọn thực hiện thí điểm trên diện tích 1.300m2. Theo ông Đầy, trước đây canh tác theo tập quán cũ nên gia đình thường sử dụng từ 75 - 100kg phân hóa học/1.000m2/vụ. Khi cây chết hàng loạt, sau khi kiểm tra phổ diện đất nhận thấy đất bị nén chặt, không còn độ tơi xốp và phát hiện trong 0,5kg đất có chứa từ 500 - 700 tuyến trùng gây hại bộ rễ.
Ông Nguyễn Văn Đầy thực hiện phương pháp ủ rơm kết hợp bón chế phẩm tricodecma cho vườn quýt bị nhiễm bệnh
Qua ghi nhận của cán bộ phụ trách mô hình, hiện trạng vườn nhà ông Đầy có diện tích quýt bị nhiễm bệnh gần như hoàn toàn. Trong đó, nấm Fusarium chiếm 90-100% diện tích vườn (cấp 4 - 5); nấm Phytophthora hơn 50% số cây (cấp 1 - 3); có kê liếp 1 lần bằng đất ruộng. Ngoài ra, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) đã sử dụng là Nokarph, Basudin, Furadan, Tervigo...
Kết quả phân tích lý tính ban đầu của đất liếp trong vườn nhà ông Đầy cho thấy, ở tầng đất từ 0-20cm đất tương đối còn độ tơi xốp. Tuy nhiên, tầng đất 20 - 40cm sét pha thịt nên rễ khó phát triển sâu; vì vậy cần xeo đất tạo độ thoáng.
Để hỗ trợ cho vườn nhà ông Đầy, qua từng giai đoạn, các chuyên gia đã khuyến cáo sử dụng bón phân hữu cơ hỗ trợ; đồng thời ủ lớp rơm mỏng kết hợp phun Tricodecma - Fusarium (5 - 10gram/gốc). Sau 15 ngày, tiến hành bón AT2 (100gram/gốc) kết hợp việc bổ sung Calmag (150gram/gốc) và xử lý Tricodecma - Phytophthora. Trong các tán cây cũng được bổ sung thêm Calmag, vôi nóng và tro trấu trị phèn kết hợp việc xới sâu.
Sau thời gian 2 tháng, tiến hành xeo đất vùng quanh gốc (sâu 30 - 35cm, cách gốc 1m); bón hỗn hợp trấu, tro và CalMag để xử lý pH thấp; bón phân hữu cơ ủ hoai; tăng cường bón phân hữu cơ ủ hoai truyền thống + Tricoderma; bổ sung vi sinh vật có lợi trong đất (chế phẩm Trico-thối rễ, Trico-tuyến trùng, Trico-Phytop); cung cấp dinh dưỡng cân đối, hợp lý giúp cây sớm hồi phục. Kết hợp với đó, nông dân còn thực hiện treo bẫy trên mô hình để nhận diện rầy chổng cánh, bọ trĩ; trồng cỏ sài đất để giữ ẩm và bổ sung hữu cơ cho cây. Đến nay, liếp các cây trong mô hình đã có sự khác biệt rõ về sự phát triển rễ non và cơi đọt so với liếp đối chứng.
Cũng là một trong những hộ được chọn thí điểm, ông Trần Hữu Hớn ngụ ấp Long Hưng, xã Long Hậu cho biết: “Khi tham gia mô hình này, giai đoạn đầu, nông dân sẽ tập trung bón phân hữu cơ hoai mục kết hợp với sử dụng phân vô cơ với liều lượng hợp lý theo giai đoạn và tuổi cây, không bón thừa phân đạm, hạn chế bón phân hữu cơ khoáng chất có hàm lượng đạm cao. Đồng thời thường xuyên kiểm tra pH đất định kỳ hàng tháng, xử lý vôi sau khi vệ sinh vườn và đầu mùa mưa nhằm giúp diệt mầm bệnh và cải thiện pH đất, giúp cây sinh trưởng phát triển tốt. Nhìn chung, tới thời điểm hiện tại đa số cây trong mô hình phát triển tương đối tốt hơn so với ngoài mô hình (đất được giữ ẩm hơn, cây ra đọt non, rễ non nhiều hơn)”.
Theo TS.Dương Minh - Giảng viên Khoa Nông nghiệp Trường Đại học Cần Thơ, từ lâu, nông dân có tập quán bồi đất cho cây không đúng cách khiến ảnh hưởng nhiều đến bộ rễ. Đồng thời việc lạm dụng quá nhiều phân bón hóa học khiến đất bị lão hóa và dần không còn đảm bảo cho cây sinh trưởng, phát triển. Vì vậy, qua phân tích, chúng tôi đã hướng dẫn nông dân cách xeo, xới đất phá váng tạo sự thông thoáng cho đất. Kết hợp với đó là việc cải tạo đất giúp cây hồi phục. Kết quả phân tích pH đất đến ngày 31/7 cho thấy có cải thiện hơn so với đầu vụ. Cụ thể, cây có dấu hiệu ra nhiều rễ non và rễ nhánh. Để làm được điều này là nhờ vào sự hợp tác của nông dân theo đúng qui trình khuyến cáo.
Theo ông Trần Thanh Tâm - Chi cục trưởng Chi cục TT&BVTV tỉnh, thay vì lợp (đắp) đất cho vườn, nông dân được khuyến cáo sẽ chuyển sang hình thức ủ phân hữu cơ từ xác bả rơm mục, phân chuồng ủ hoai, kết hợp nấm Tricoderma. Đồng thời sử dụng cân đối phân bón hữu cơ khoáng với phân hóa học để ổn định cấu trúc đất, tăng độ mùn, tơi xốp cho đất, tạo điều kiện cho các vi sinh vật có ích phát triển và tránh làm tổn thương bộ rễ. Điều này giúp tiết kiệm cho nông dân khoảng 20 triệu mỗi năm.
Phương pháp giữ cỏ trong vườn cũng được các chuyên gia đánh giá cao trong việc bảo vệ cây có múi
Tiếp tục triển khai và có kế hoạch nhân rộng
Theo Chi cục TT&BVTV tỉnh, đơn vị sẽ tiếp tục phối hợp với các ngành, chuyên gia đến từ các Viện, trường tìm ra nhiều giải pháp khôi phục vườn cây có múi.
TS.Dương Minh cho biết thêm: “Thời gian tới, ngành chuyên môn sẽ tiếp tục hướng dẫn nông dân trong việc xeo đất và rải tro trấu cho vùng xung quanh gốc để hạn chế tình trạng oi nước vào mùa mưa. Tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm giải quyết vấn đề theo hướng nâng pH đất, tăng độ tơi xốp, nâng cao độ hấp thu dinh dưỡng cho cây trồng, kích thích ra rễ phục hồi...”.
Theo khuyến cáo của các chuyên gia, nông dân nên sử dụng vôi nhằm cung cấp dưỡng chất canxi cho cây, giúp hạ phèn, ức chế sự phát triển của nấm bệnh, giải độc cho cây, phát huy hiệu lực của phân hữu cơ, ngăn chặn sự suy thoái đất. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn hết là nông dân cần lưu ý chu kỳ bón vôi phải theo cơ cấu đất. Thời điểm bón vôi tốt nhất là vào đầu mùa mưa, trộn đều vào đất và tưới đủ nước sau khi bón... Đồng thời kiểm tra pH đất định kỳ hàng tháng, xử lý vôi sau khi vệ sinh vườn và đầu mùa mưa nhằm giúp diệt mầm bệnh, cải thiện pH đất, giúp cây sinh trưởng phát triển tốt.
Ông Nguyễn Văn Vuông ngụ ấp Tân Thuận, xã Tân Phước, huyện Lai Vung đề xuất: “Trước mắt, nông dân như tôi đã có cơ hội khôi phục lại vườn cây có múi thông qua các giải pháp của chuyên gia khuyến cáo. Tuy nhiên, để vườn cây có múi sớm trở về với vị thế xưa nay, đề nghị các ngành, chuyên gia có sự hỗ trợ nguồn giống tốt, sạch bệnh cho nông dân, tránh việc sử dụng cây có gốc bị nhiễm bệnh gây ảnh hưởng”.
Nói về phương pháp phòng, chống các đối tượng sâu bệnh gây hại, ông Trần Thanh Tâm - Chi cục Trưởng Chi cục TT&BVTV tỉnh khuyến cáo: “Thời gian tới, nông dân nên sử dụng thuốc BVTV khi thật cần thiết, ưu tiên sử dụng thuốc BVTV ít độc cho thiên địch, môi trường; tuân thủ theo nguyên tắc 4 đúng, an toàn và hiệu quả khi sử dụng thuốc BVTV. Tuyệt đối không sử dụng thuốc hóa học tưới vào gốc để phòng trị bệnh vì làm ảnh hưởng đến các vi sinh vật có ích trong đất, dẫn đến việc quản lý bệnh vàng lá thối rễ, chết xanh không hiệu quả”.
Ông Huỳnh Duy Khương - Phó Chủ tịch UBND huyện Lai Vung cho biết, nhằm sớm vực dậy diện tích cây có múi, huyện sẽ phối hợp với các ngành liên quan trong việc hỗ trợ nông dân trong việc tìm nguồn giống tốt để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh. Cùng với đó, sẽ phối hợp với doanh nghiệp trên địa bàn huyện đảm bảo cung ứng tro, trấu cho việc sử dụng làm nguồn phân hữu cơ cho cây có múi.
Khánh Phan