Mô hình nuôi ruồi lính đen

Nâng cao thu nhập góp phần bảo vệ môi trường

Cập nhật ngày: 30/04/2019 05:18:06

ĐTO - Là người đam mê trải nghiệm, đặc biệt quan tâm đến những mô hình nông nghiệp mới, ông Dương Hữu Thoại (ấp Đông Huề, xã Tân Khánh Đông, TP.Sa Đéc) đã tìm tòi, nghiên cứu và thành công với mô hình nuôi ruồi lính đen. Mô hình này bước đầu cho thấy hiệu quả trong xử lý rác thải trong nông nghiệp, tạo ra nguồn thức ăn phục vụ chăn nuôi và tạo phân bón hữu cơ cho đất.


Mỗi tháng, nếu sản xuất hết công suất có thể cho ra hơn 5 tấn nhộng

Từ việc muốn giảm đi lượng rác thải...

Cơ duyên đến với nghề nuôi ruồi lính đen của ông Dương Hữu Thoại thật khá bất ngờ. Vốn xuất thân là tiểu thương, ông Thoại quá quen với cảnh rau, củ, quả tại các chợ phải bỏ phế, gây ra ô nhiễm môi trường. Mỗi ngày, lượng rác thải từ nông sản tại các chợ có thể lên đến hàng chục tấn. “Đến khoảng đầu năm 2018, tôi nghĩ rằng, sao mình không tận dụng lượng rác thải này để chăn nuôi nhằm tăng thêm nguồn thu nhập cho gia đình. Từ ý nghĩ này, tôi lên mạng tìm hiểu về những loại vật nuôi phù hợp. Qua tìm hiểu, tôi phát hiện loại ruồi lính đen được nuôi rộng rãi ở nhiều nước như Mỹ, Úc... giải quyết tốt các vấn đề về ô nhiễm môi trường, mang tiềm năng phát triển kinh tế” – ông Thoại chia sẻ.

Thế là ông Dương Hữu Thoại không ngừng nghiên cứu, tìm hiểu kỹ vòng đời và khả năng sinh sản của loại côn trùng ruồi lính đen. Để đảm bảo vệ sinh trong quá trình nuôi, ông Thoại chia mô hình thành các khu vực với chức năng khác nhau. Tại khu vực nuôi ấu trùng, ông Thoại bố trí mùng lớn với diện tích cao khoảng 80m2, bên trong có hàng tỷ những ấu trùng ruồi lính đen chen chúc nhau phân hủy thức ăn để phát triển. Còn khu đẻ trứng, ông Thoại cũng bố trí nơi để đàn ruồi giao phối sinh sản.

Theo ông Thoại, ruồi lính đen trưởng thành thường sống dưới các bóng cây ngoài tự nhiên và không ảnh hưởng đến môi trường sống của con người. Vòng đời phát triển của ruồi lính đen khoảng 30 – 45 ngày. Theo đó, ruồi lính đen trưởng thành thường có kích thước dài khoảng 10 – 15mm, chọn những khu vực ẩm ướt để đẻ trứng nhỏ, sau đó trứng trở thành ấu trùng, phát triển thành nhộng rồi lột xác thành ruồi. Theo người nuôi, giai đoạn ấu trùng được xem là thời kỳ đóng góp tốt cho việc xử lý rác thải, bởi chúng có thể phân hủy hàng tấn nông sản phế phẩm để phát triển.

Theo tính toán, với 1 tấn rau, củ, quả để nuôi ấu trùng có thể cho ra 260 – 270kg nhộng ruồi lính đen. Ông Thoại cho biết thêm: “Việc nuôi loại ruồi lính đen không khó, bởi chúng phát triển khá mạnh ở nhiệt độ từ 25 – 300C. Hầu như không có rủi ro, điều quan trọng nhất trong quá trình nuôi là phải làm sao để nâng cao hiệu quả sinh sản của ruồi lính đen”.


Khu nuôi ấu trùng ruồi lính đen

... Đến nâng cao thu nhập từ ruồi lính đen

Từ việc nuôi thử nghiệm, đến nay, mô hình nuôi ruồi lính đen của ông Dương Hữu Thoại đã mang lại thu nhập chính cho gia đình. Với chi phí nuôi thấp, thức ăn cho loại côn trùng này chủ yếu là nông sản phế phẩm được ông Thoại thu gom tại các chợ. Ông Thoại cho biết: “Tiềm năng của loại ruồi lính đen khá lớn. Ngoài việc tiêu hủy rác thải, sản phẩm ấu trùng của ruồi lính đen giàu chất dinh với 42% protein; 34% chất béo. Riêng chất béo trong trứng có chứa nhiều axit lauric, loại axit này có công dụng tiêu diệt các loại virut gây bệnh sởi hay vi khuẩn Clostridium...”.

Với số vốn ban đầu khoảng 40 triệu đồng, hiện mỗi tháng trang trại chăn nuôi của ông Thoại có thể sản xuất ra khoảng 500kg – 1 tấn ấu trùng ruồi lính đen. Sản phẩm được ông Thoại cung ứng cho thị trường là trứng và nhộng ruồi lính đen. Nhộng được thị trường sử dụng làm thức ăn trong chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản với giá trị dinh dưỡng cao, giá bán 20.000 đồng/kg. Riêng sản phẩm trứng ruồi lính đen bán với giá khá cao, khoảng 15 triệu đồng/kg;... Hiện sản phẩm trứng ruồi tại trang trại ông Thoại cung ứng cho các hộ kinh doanh tại các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và các tỉnh phía Bắc.

Với nguồn sản phẩm hiện có, ông Thoại còn tận dụng diện tích đất nhà để nuôi hơn 2.000 con gà và ao cá để nâng cao thu nhập. Từ nguồn rác do ấu trùng phân hủy, ông Thoại còn sử dụng để canh tác các loại cây trồng khác... Qua đó, mang lại thu nhập cho gia đình ông Thoại gần 70 triệu đồng/tháng.

Chia sẻ về định hướng trong việc phát triển mô hình này, ông Thoại cho biết: “Sắp tới, tôi sẽ đi nhiều nơi để nghiên cứu cách dẫn dụ thêm ruồi lính đen chất lượng cao để nâng cao tổng đàn và mở rộng diện tích. Đồng thời cải tạo hệ thống chuồng trại, học hỏi thêm kinh nghiệm để ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nhằm cho ra sản phẩm nhộng ruồi lính đen chất lượng cao phục vụ chăn nuôi. Tất cả với mong muốn vừa nâng cao thu nhập vừa giải quyết tốt nguồn rác thải hữu cơ, hạn chế ô nhiễm môi trường”.

Ông Lê Minh Hùng – Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Đồng Tháp cho biết: “Tuy mới đi vào sản xuất nhưng mô hình nuôi ruồi lính đen cho thấy được hiệu quả về việc tận dụng phế phẩm nông nghiệp nhằm nâng cao sản xuất trong chăn nuôi và bảo vệ môi trường. Thời gian tới, đơn vị sẽ nghiên cứu để có những phải pháp nhân rộng mô hình, góp phần xử lý tốt nguồn rác thải trong sinh hoạt...”.

Qua tìm hiểu các tài liệu khoa học, ruồi lính đen có tên khoa học là Hermetia Illucens hay tên khác là Black soldier fly thuộc bộ Dipterra. Loại côn trùng này có nguồn gốc từ Nam Mỹ, là một trong những loài côn trùng phàm ăn, ruồi lính đen là yếu tố quan trọng trong việc phân hủy các phế phẩm nông nghiệp thành phân hữu cơ, trả lại cho hệ sinh thái.

Khánh Phan

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn