Nâng giá trị gia tăng, đẩy mạnh thương mại hóa nông sản đồng bằng

Cập nhật ngày: 11/11/2019 14:24:36

ĐTO - Nhiều năm qua, đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng sản xuất và xuất khẩu nông sản trọng điểm của cả nước. Tuy nhiên, hoạt động sản xuất nông nghiệp của vùng ĐBSCL dễ gặp rủi ro do các yếu tố môi trường, nhất là tác động của biến đổi khí hậu, đầu ra nhiều loại nông sản còn bấp bênh... Là 1 trong 4 tỉnh, thành thuộc mạng lưới liên kết cấp vùng, Đồng Tháp đã mang đến diễn đàn Mekong Connect 2019 (diễn ra ngày 7/11) phiên thảo luận với chủ đề “Nâng giá trị gia tăng, đẩy mạnh thương mại hóa nông sản đồng bằng”.


Các đại biểu tham gia ý kiến tại phiên thảo luận

Mở đầu phiên thảo luận, bà Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao đánh giá, thời gian qua, các tỉnh, thành vùng ĐBSCL, nhất là các tỉnh, thành thuộc mạng lưới liên kết ABCD Mekong (An Giang, Bến Tre, Cần Thơ và Đồng Tháp) đẩy mạnh tăng cường liên kết, phối hợp với các bên có liên quan góp phần gia tăng năng suất, chất lượng nhiều sản phẩm chủ lực: lúa gạo, thủy sản và trái cây. Theo bà Vũ Kim Hạnh, nhiều địa phương đã và đang hình thành một số mô hình tập trung chuyên canh lúa, cây ăn trái và thủy sản, tạo ra khối lượng hàng hóa lớn, góp phần gia tăng lợi thế cạnh tranh cho các mặt hàng nông sản chủ lực trên thị trường. Trong đó, tập trung triển khai xây dựng vùng nông sản theo hướng thân thiện với môi trường, phát triển mô hình “Cánh đồng lớn” liên kết sản xuất và tiêu thụ, khép kín từ cung ứng vật tư - tiêu thụ nông sản - chế biến và xuất khẩu.

Thực tế, trong những năm qua, Đồng Tháp đang vận hành ngành nông nghiệp theo “tư duy kinh tế”, với mục tiêu “giảm chi phí, nâng cao chất lượng, tăng sản phẩm chế biến”. Trong đó, xác định nông nghiệp phải là đầu vào của chuỗi ngành hàng công nghiệp, thương mại, dịch vụ, nhằm tạo ra giá trị gia tăng thông qua thay đổi chất lượng giống, ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là thành tựu của nông nghiệp 4.0 vào quy trình sản xuất; nâng cao sản phẩm chế biến tinh từ các loại nông sản.

Ngoài ra, tỉnh cũng chú trọng phát huy giá trị của du lịch nông nghiệp để tăng thu nhập cho nông dân và tạo dựng hình ảnh một nền nông nghiệp xanh, nông nghiệp trách nhiệm, nông nghiệp bền vững môi trường. Trên cơ sở định hướng trên, tỉnh Đồng Tháp đã triển khai nhiều kế hoạch, chương trình, đề án, tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo... nhằm thực hiện hỗ trợ sản xuất, đẩy mạnh hợp tác - liên kết - thị trường và “Giảm chi phí, tăng chất lượng, chế biến tinh” nhằm đẩy mạnh liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; ứng dụng khoa học công nghệ giảm giá thành, sản xuất an toàn và bảo vệ môi trường sinh thái; chuyển dịch lao động và tăng thu nhập, nâng cao đời sống dân cư nông thôn và đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Để tiếp lửa cho nền nông nghiệp, tỉnh cũng ban hành kế hoạch về phát triển kinh tế nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu với định hướng chuyển đổi tư duy từ “sản xuất nông nghiệp” sang làm “kinh tế nông nghiệp”; thành lập Tổ Thông tin và Phân tích thị trường nông sản tỉnh, nhằm mục đích xây dựng cơ sở dữ liệu thị trường nông sản, thu thập, phân tích, dự báo và thông tin thị trường nông sản...

Tuy nhiên, thời gian qua, hoạt động sản xuất nông nghiệp của vùng ĐBSCL nói chung, tỉnh Đồng Tháp nói riêng dễ gặp rủi ro do các yếu tố môi trường, nhất là tác động của biến đổi khí hậu, đầu ra nhiều loại nông sản còn bấp bênh... Mặt khác, thiếu sự liên kết, hợp tác để phát triển sản xuất các loại nông sản có chất lượng cao, phần lớn nông sản ở ĐBSCL xuất khẩu thô nên chưa hấp dẫn thị trường nước ngoài, chất lượng nông sản không đồng đều do thiếu kho bảo quản, công nghệ chế biến còn lạc hậu...

Là một trong những chuyên gia có nhiều năm nghiên cứu về vấn đề thị trường xuất khẩu, ông Nguyễn Lâm Viên - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Vinamit cho rằng: “Hiện nay, nhiều mặt hàng nông sản của chúng ta vẫn còn thua trên sân nhà. Vì vậy, tôi nghĩ, trước khi nghĩ tới việc xuất khẩu nông sản, chúng ta hãy đánh thắng trên sân nhà trước, tiếp sau đó mới nghĩ đến việc khác”.

Theo ông Nguyễn Lâm Viên, người tiêu dùng trong nước rất quan ngại về chất lượng nông sản trong nước do những tồn dư hóa chất, thuốc tăng trưởng... Để người tiêu dùng thực sự tin tưởng, chúng ta phải đặt vấn đề chất lượng lên hàng đầu. Trong đó, chú trọng sản xuất nông sản theo các quy trình sản xuất sạch VietGAP hay GlobalGAP. Sau khi đã quen với việc này, chúng ta sẽ bắt đầu thực hiện quảng bá rộng rãi về thế mạnh nông sản địa phương từ quá trình sản xuất đến thu hoạch. Cùng với đó, phải có những điểm, khu du lịch về sản phẩm nông sản sạch để nâng cao sự bền vững.

Bà Nguyễn Phi Vân - Chủ tịch Công ty Retail & Franchise Asia nhận xét, từ lâu, “Cây xoài nhà tôi” là một mô hình canh tác mới và hay để đưa nông sản đến tay người tiêu dùng. Ngoài ra, tỉnh Đồng Tháp còn được biết đến với việc xuất khẩu xoài sang các thị trường khó tính như: Nhật Bản, Mỹ, Canada... Thiết nghĩ, không riêng về sản phẩm xoài, tỉnh Đồng Tháp có nhiều sản phẩm tốt nhưng vẫn còn khó khăn về việc thiếu kênh quảng bá. Vì vậy, tỉnh nên có chủ trương thành lập một biệt đội đặc nhiệm chuyên làm nhiệm vụ quảng bá thương hiệu sản phẩm nông sản địa phương. “Chúng ta có điều kiện để phát huy cách buôn bán mới rất hiện đại, ít tốn kém, sắp tới đây, thị trường các nước sẽ có sàn chứng khoán về nông sản. Điều này mở ra cơ hội rất lớn cho nông sản trong nước. Song, vấn đề còn lại là ở chúng ta, phải làm sao xây dựng thương hiệu tốt, thương hiệu phải song song với tiêu chuẩn và chất lượng hàng hóa” - bà Vân chia sẻ.

Đồng hành với các dự án khởi nghiệp của tỉnh trong thời gian qua, ông Nguyễn Quốc Định - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Dược phẩm Imexpharm, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Doanh nghiệp Dẫn đầu tỉnh Đồng Tháp (LBCD) khẳng định, các dự án khởi nghiệp thanh niên của tỉnh vẫn còn gặp khó khâu tiêu thụ sản phẩm. Vì vậy, các dự án khởi nghiệp không thể dựa trên cái mình có mà phải theo những cái mà thị trường cần. Bên cạnh đó, uy tín, chất lượng sản phẩm là yêu cầu hàng đầu, từ đó phải chú trọng đầu tư dây chuyền hiện đại, chú trọng quy trình kiểm soát nguyên liệu đầu vào.


Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa tặng hoa cho các diễn giả

Chia sẻ về tiềm năng xuất khẩu thủy sản, ông Ong Hàng Văn - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy sản Trường Giang cho biết: “Vừa qua, Văn phòng đăng ký Liên bang Hoa Kỳ công bố dự Luật của Cục kiểm tra An toàn thực phẩm của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ công nhận tương đương hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm cá da trơn của Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ. Điều này có ý nghĩa quan trọng đối với ngành hàng cá tra của Việt Nam. Song, để xuất khẩu được sản phẩm cá tra sang Hoa Kỳ, các điều khoản từ phía nước sở tại buộc doanh nghiệp Việt Nam phải tuân thủ hệ thống pháp luật kiểm soát chất lượng an toàn thực phẩm; đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong toàn bộ quá trình nuôi, chế biến, sơ chế, xuất khẩu...”.

Kết thúc phiên thảo luận, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan nhấn mạnh: “Sự liên kết vẫn là yếu tố quyết định đến sự thành công của ngành nông nghiệp. Để phát triển nông nghiệp bền vững, doanh nghiệp, nông dân phải chú trọng vấn đề quảng bá, xây dựng thương hiệu, vì làm tốt điều này mới tạo ra được thương hiệu sản phẩm. Đồng thời, trong thời buổi 4.0, nông dân phải thoát khỏi cái bẫy của đồng bằng là tự bằng lòng để nâng cao khát vọng làm giàu bền vững. Chúng ta phải cùng nhau thay đổi để tạo ra nhiều giá trị mới cho nông sản và phát triển lên tầm cao mới...”.

Khánh Phan

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn