Nghiên cứu, hoàn thiện, nhân rộng mô hình tái cơ cấu nông nghiệp Đồng Tháp trên phạm vi cả nước

Cập nhật ngày: 15/06/2016 13:32:12

ĐTO - Thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp một cách bài bản, đồng bộ cả về sản phẩm, mô hình sản xuất, từ đó nâng cao lợi nhuận cho nông dân, giải quyết đầu ra sản phẩm, ứng dụng hiệu quả khoa học công nghệ... đó là những thành tựu nông nghiệp Đồng Tháp đạt được và được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khuyến khích nhân rộng.


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham quan vườn xoài tại Hợp tác xã xoài Mỹ Xương (huyện Cao Lãnh)

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc: Đồng Tháp có sự tiến bộ toàn diện về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Kết quả đạt được hôm nay là do trong chỉ đạo, điều hành, địa phương đã phát huy sự năng động, quyết liệt, cụ thể, tháo gỡ kịp thời khó khăn, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp phát triển.

Tái cơ cấu nông nghiệp theo tinh thần phục vụ

Báo cáo với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với địa phương về kết quả thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan chia sẻ, với mục tiêu cốt lõi là nâng cao giá trị gia tăng và phát triển nông nghiệp bền vững, trên cơ sở đổi mới tổ chức sản xuất, đẩy mạnh “hợp tác - liên kết - thị trường”, Đồng Tháp triển khai thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp như cuộc “dò đá qua sông”.

Trong đó, xác định vai trò dẫn dắt nông nghiệp của doanh nghiệp và hợp tác xã là đặc biệt quan trọng, nên địa phương đã tập trung củng cố chất lượng hoạt động của các hợp tác xã để dẫn dắt, liên kết người nông dân sản xuất gắn với thị trường.

Từ những khó khăn ban đầu, qua 3 năm triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp, đến nay Đồng Tháp đã có những bước định hướng rõ nét trong cơ cấu các ngành hàng chủ lực.

Cụ thể, tỉnh đã xây dựng được nhãn hiệu gạo, ký kết biên bản ghi nhớ với Tập đoàn Phát triển nông nghiệp, nông thôn Hàn Quốc thực hiện dự án hợp tác công tư trong lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn; đã xây dựng và quảng bá thương hiệu xoài Cao Lãnh rộng khắp cả nước, khu vực Châu Á và được xuất khẩu qua các thị trường khó tính như: Hàn Quốc, Nhật bản, Newzealand, Nga.

Mặt hàng cá tra có sự phát triển nhảy vọt, nhờ triển khai tốt khâu liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ với tổng sản lượng năm 2015 đạt 400.227 tấn, đứng đầu khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Đặc biệt, tỉnh còn phát triển được nhiều sản phẩm giá trị gia tăng từ cá tra như dầu cá ranee, colagen, genlatin...

Với những kết quả địa phương vừa đạt được trong thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát nhấn mạnh, Đồng Tháp là tỉnh thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp sớm nhất cả nước và đạt được những kết quả bước đầu đáng ghi nhận. Từ kết quả này của Đồng Tháp, có thể khẳng định chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp của Đảng và Nhà nước là đúng đắn và hoàn toàn có thể thực hiện nếu có quyết tâm và cách làm đúng.

Nhiều đại biểu đánh giá cao hướng đi của Đồng Tháp, nhất là việc lựa chọn và tập trung vào 5 ngành hàng (lúa gạo, cá tra, hoa kiểng, xoài và vịt) để tái cơ cấu là đúng đắn và có trọng tâm, trọng điểm. Những kết quả đáng phấn khởi vừa đạt được là nhờ vào sự quyết liệt, minh bạch, đồng thuận cao của lãnh đạo tỉnh và sự hưởng ứng nhiệt tình của nhân dân. Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án, nhiều đại biểu đề nghị tỉnh Đồng Tháp tiếp tục nghiên cứu cơ chế thu hút đầu tư, đặc biệt trong chế biến nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản, nghiên cứu giảm diện tích trồng lúa nhằm chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thích ứng trong điều kiện biến đổi khí hậu để nắm bắt thời cơ.

Tận dụng 2 cơ hội để có biện pháp tái cơ cấu bền vững

Đánh giá kết quả phát triển kinh tế - xã hội, tái cơ cấu nông nghiệp của Đồng Tháp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, thành tựu khá toàn diện của Đồng Tháp là những kinh nghiệm quý, thể hiện quyết tâm lớn của các cấp chính quyền Đồng Tháp khi mạnh dạn đổi mới cách nghĩ, cách làm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo xu hướng tiến bộ, đảm bảo ngày càng tốt hơn quyền lợi chính đáng của người dân và doanh nghiệp.

Thủ tướng cho rằng, kết quả tái cơ cấu nông nghiệp của Đồng Tháp rất ấn tượng với những cách làm bài bản, đồng bộ cả về sản phẩm, mô hình sản xuất, triển khai liên kết 4 nhà rõ nét; việc ứng dụng khoa học công nghệ được triển khai tốt, nhờ đó nâng cao được chuỗi giá trị. Nhìn nhận những thành công bước đầu này ở Đồng Tháp là rất quan trọng, Thủ tướng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng kết mô hình tái cơ cấu nông nghiệp ở Đồng Tháp để nghiên cứu, hoàn thiện, nhân rộng trên cả nước.

Đề cập đến những thời cơ và cũng là nguy cơ của các địa phương khu vực đồng bằng sông Cửu Long trong tình hình mới, nhất là bối cảnh đất nước hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, nhiều Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới được ký kết; tình trạng biến đổi khí hậu nhanh chóng, Thủ tướng nhấn mạnh, đây là thách thức và cũng là cơ hội để các địa phương trong vùng và tỉnh Đồng Tháp cần nắm bắt, chủ động có biện pháp tái cơ cấu căn cơ, lâu dài để đảm bảo phát triển bền vững.

Thủ tướng cũng đề nghị tỉnh Đồng Tháp xã hội hóa mạnh mẽ hơn các nguồn lực, đa dạng hóa hình thức đầu tư trên mọi lĩnh vực. Địa phương cũng cần xem xét, chủ động hỗ trợ hoặc trình Trung ương xem xét giải quyết tạo điều kiện cho các mô hình sản xuất mới, hiệu quả trên địa bàn tỉnh tiếp cận được nguồn vốn, hưởng các chính sách ưu đãi phù hợp nhằm thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh.

Thủ tướng bày tỏ tin tưởng và mong muốn Đồng Tháp sẽ là địa phương đi trước, trở thành mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả, bền vững để các địa phương trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và cả nước nói chung noi theo.

Thảo Vy

 

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn