Nhiều đơn vị tích cực thực hiện phòng cháy, chữa cháy
Cập nhật ngày: 19/05/2018 06:40:36
ĐTO - Nhằm đẩy mạnh công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và và cứu nạn cứu hộ (CNCH), UBND tỉnh xây dựng kế hoạch hỗ trợ kinh phí phục vụ mua sắm thiết bị, phương tiện phục vụ công tác PCCC và CNCH cho các cấp, ngành hữu quan.
Theo đó, tỉnh trang bị 5 xe bán tải Ford Ranger thế hệ mới, thiết bị PCCC và CNCH, tổ chức hội thi nghiệp vụ CNCH với tổng kinh phí trên 3,4 tỷ đồng. Đồng thời bổ sung thay thế quỹ đất xây dựng trụ sở làm việc của Đội Cảnh sát PCCC khu vực Trần Quốc Toản; xây dựng cơ bản Đội Cảnh sát PCCC và CNCH khu vực Tháp Mười đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Tập huấn công tác phòng cháy, chữa cháy cho các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh
Chi Cục kiểm lâm tỉnh phối hợp với các sở, ngành tiến hành 50 lượt kiểm tra định kỳ, 12 lượt kiểm tra đột xuất công tác PCCC rừng, 4.983 lượt tuần tra chống xâm nhập trái phép vào rừng gây cháy rừng với 22.400 lượt người tham gia. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Công an tỉnh, Chi Cục Kiểm lâm tuyên truyền các quy định của pháp luật về bảo vệ PCCC rừng tại các đơn vị quản lý rừng, cộng đồng dân cư và các trường học tại địa phương có rừng. Huấn luyện những kỹ năng cơ bản về công tác chữa cháy rừng cho các tổ, đội chuyên trách và bán chuyên trách của các chủ rừng và lực lượng dân quân tự vệ ở các xã ven rừng được 93 lớp, với 10.556 lượt người dự; cấp phát 649 biển cấm, biển báo và 15.000 tờ rơi, xây dựng 10 pa-nô tuyên truyền bảo vệ, phòng, chống cháy rừng.
Công an tỉnh phối hợp tốt với các sở, ban, ngành tuyên truyền, phổ biến pháp luật về PCCC được 197 điểm, có 13.830 người dự; tổ chức 164 lớp huấn luyện về PCCC, với 11.099 người tham gia; tổ chức diễn tập Phương án chữa cháy và CNCH được 28 đợt, với 5.150 người tham gia. Trong triển khai thực hiện có thành lập các Đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành đối với 68 doanh nghiệp trong khu công nghiệp, yêu cầu người đứng đầu cơ sở khắc phục 208 thiếu sót về điều kiện an toàn PCCC tại các khu công nghiệp, cơ quan, doanh nghiệp, chợ, khu, cụm dân cư... có nguy cơ cháy, nổ cao.
Qua thực tiễn công tác đã có nhiều mô hình, cá nhân điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân PCCC như: Siêu thị Co.opmart Cao Lãnh, Công ty Cổ phần khí hóa lỏng Đồng Tháp, Tổng kho xăng dầu Trần Quốc Toản, Bệnh viện Đa khoa khu vực Tháp Mười... huy động tối đa mọi lực lượng và phương tiện chữa cháy hiện có của cơ quan, tổ chức và hộ gia đình khi xảy ra cháy, nổ với số tiền xã hội hóa công tác PCCC tại địa phương khoảng 2,5 tỷ đồng và có 515 hộ sản xuất kinh doanh, 1.015 hộ gia đình tự nguyện trang bị phương tiện, công cụ PCCC.
Để thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ này trong thời gian tới, các cấp, ngành, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân cần tiếp tục nâng cao nhận thức về công tác PCCC và CNCH. Chú trọng nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước về công tác PCCC và CNCH cũng như tăng cường thanh tra, kiểm tra, tuyên truyền về an toàn PCCC để phát hiện, chấn chỉnh kịp thời các thiếu sót, sơ hở về PCCC. Xây dựng và nhân rộng các mô hình, các tập thể và cá nhân điển hình tiên tiến về PCCC; xây dựng các phường, xã điểm, khu phố điểm về PCCC, đồng thời vận động nhân dân tích cực tham gia và từng bước xã hội hóa công tác này.
Tính từ năm 2015 đến đầu năm 2018, trên địa bàn tỉnh xảy ra 117 vụ cháy, làm chết 5 người, bị thương 10 người, thiệt hại tài sản khoảng 27,5 tỷ đồng và làm cháy 46.500ha rừng. Nguyên nhân do công tác quản lý nhà nước về PCCC giữa các sở, ban, ngành, địa phương có lúc chưa chặt chẽ, đồng bộ, còn bất cập. Công tác tuyên truyền về PCCC chưa đều, chưa rộng khắp. Một số người đứng đầu cơ quan, tổ chức, chưa quan tâm nhiều về công tác PCCC. |
HỒNG NGỰ