Những kết quả nổi bật trong xây dựng nông thôn mới

Cập nhật ngày: 16/04/2018 14:55:54

ĐTO - Qua thời gian triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), tính đến cuối năm 2017, toàn tỉnh Đồng Tháp có 37 xã đạt chuẩn NTM, TP.Sa Đéc được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Qua đó cũng đã xuất hiện nhiều mô hình mới hoạt động hiệu quả, đời sống người dân được cải thiện.


Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Thanh Hùng trao Bằng công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2017 cho xã Mỹ An, huyện Tháp Mười. 
Ảnh: N.NGUYỄN

Sự chung tay của cấp ủy, chính quyền và các hội đoàn thể, công tác tuyên truyền, vận động thực hiện xây dựng NTM được người dân đồng thuận cao; huy động có hiệu quả các nguồn lực trong xây dựng NTM. Năm 2017, toàn tỉnh đã huy động từ doanh nghiệp trên 135 tỷ đồng, từ cộng đồng dân cư và nguồn vốn khác hơn 150 tỷ đồng. Qua đó, đã nâng cấp, sửa chữa trên 165km đường giao thông nông thôn và 127 cây cầu, xây mới và sửa chữa 877 căn nhà cho người nghèo; người dân tham gia đóng góp hơn 352.600 ngày công lao động,... góp phần cải thiện hệ thống kết cấu hạ tầng trên địa bàn tỉnh, hoàn thiện các tiêu chí NTM. Ngoài ra, UBND tỉnh đã hỗ trợ cho 37 xã điểm (giai đoạn 2016 - 2020) mỗi xã 2 tỷ đồng, 25 xã diện, mỗi xã 500 triệu đồng đầu tư xây dựng hạ tầng nông thôn, tạo điều kiện cho các xã, nhất là xã điểm hoàn thành tiêu chí theo kế hoạch.

Nhiều tiêu chí được duy trì và nâng chất, riêng tiêu chí thu nhập là tiêu chí có mức độ đạt tăng cao nhất trong năm 2017 (tăng 26 xã, nâng tổng số xã toàn tỉnh đạt tiêu chí này là 59 xã); các vấn đề về văn hóa, giáo dục và đào tạo, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn được đảm bảo, đạt chỉ tiêu đề ra.

Việc thực hiện đạt chất lượng các tiêu chí xây dựng NTM góp phần giúp tỉnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo, năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 8,14% xuống còn 6,11%, vượt so với chỉ tiêu đề ra. Thu nhập của dân cư nông thôn tăng 1,17 lần so với đầu giai đoạn 2016 - 2020. Đồng thời, các địa phương xác định rõ tầm quan trọng của công tác tuyên truyền, vận động, huy động các nguồn lực xây dựng NTM, qua đó có nhiều địa phương trở thành điểm sáng về xây dựng NTM. Theo Văn phòng Điều phối xây dựng NTM tỉnh, vừa qua, xã Mỹ An, huyện Tháp Mười được công nhận đạt chuẩn NTM năm 2017, đưa huyện Tháp Mười trở thành đơn vị cấp huyện dẫn đầu của tỉnh với 7 xã đạt chuẩn NTM.

Các Chương trình, Dự án, Đề án mà tỉnh đang triển khai đã phát huy tính gắn kết như: Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng. Nhiều mô hình mới được triển khai thực hiện: mô hình Cộng đồng dân cư quản lý xây dựng NTM theo phương châm “3 tự - 1 nhờ”, Hội quán nông dân, mô hình thực hiện cơ chế Nhà nước cấp vật tư, người dân đóng góp ngày công lao động trong xây dựng các công trình nông thôn gắn với nhu cầu sản xuất, dân sinh..., góp phần thay đổi tư duy, chuyển biến nhận thức, ý thức của đông đảo người dân về phát triển kinh tế, tập quán sản xuất, phát huy tinh thần đoàn kết trong cộng đồng dân cư và tính chủ thể của từng người dân trong xây dựng NTM.    

Nâng cao hiệu quả thực hiện chương trình xây dựng NTM, toàn tỉnh tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động sâu rộng trong toàn Đảng, toàn dân về chương trình xây dựng NTM, tiếp tục triển khai, nhân rộng các mô hình đạt hiệu quả. Đổi mới nhận thức và phương thức tổ chức triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM theo hướng nâng cao vai trò tự quản của cộng đồng dân cư trên tinh thần tự lực, chăm chỉ và hợp tác, phấn đấu có thêm xã đạt chuẩn NTM, từng bước xây dựng huyện NTM đạt chuẩn theo Bộ tiêu chí Quốc gia huyện NTM.

NGÂN NGUYỄN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn