TP.Cao Lãnh
Phát triển diện tích trồng cam xoàn
Cập nhật ngày: 26/05/2018 06:00:12
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, được nhiều địa phương ở TP.Cao Lãnh thực hiện. Hiện nhiều nông dân đã chuyển đổi diện tích sản xuất kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái, trong đó mô hình trồng cam xoàn cho thu nhập khá cao.
Trước năm 2014, với 5.000m2 đất, anh Trần Minh Lộc ở ấp Tịnh Hưng, xã Tịnh Thới, TP.Cao Lãnh chỉ trồng lúa và cây tạp, thu nhập thấp. Cuối năm 2014, anh chuyển toàn bộ diện tích sang trồng cam xoàn. Thông qua những lớp tập huấn kỹ thuật cùng với việc tự tìm tòi học hỏi ứng dụng vào sản xuất, vườn cam của anh phát triển khá tốt, mỗi năm, anh Lộc thu nhập trên 70 triệu đồng. Hiện anh đã đầu tư kinh phí lắp đặt hệ thống phun tự động điều khiển từ xa bằng điện thoại thông minh, do ngành chuyên môn tỉnh Đồng Tháp hướng dẫn sử dụng. Anh cũng đang hướng đến phát triển du lịch vườn.
Vườn cam xoàn hơn 7 năm tuổi của ông Võ Văn Nang ở xã Tân Thuận Đông, hằng năm cũng thu lợi nhuận gần 100 triệu đồng. Vườn này được UBND TP.Cao Lãnh chọn thực hiện mô hình “Cây cam vườn tôi”, hiện là một trong những loại cây đặc sản đưa vào kinh doanh trực tuyến trên Website (nongsancaolanh.vn). Vườn thường xuyên có khách đến tham quan vào mùa thu hoạch rộ. Ông Nang cũng đang được chính quyền địa phương xã Tân Thuận Đông khuyến khích phát triển du lịch.
Theo nhiều nông dân, trồng cam xoàn cần phải lựa chọn giống tốt, rõ nguồn gốc, áp dụng nhiều biện pháp kỹ thuật, sử dụng phân hữu cơ kết hợp phân hóa học. Cây cam xoàn chăm sóc khoảng 9 tháng thì cho thu hoạch. Ông Nguyễn Văn Lớn ở xã Tịnh Thới trồng trên 400 cây cam xoàn, ông thường xuyên nghiên cứu áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên vườn cam của ông thường được các ngành chuyên môn TP.Cao Lãnh chọn đầu tư đưa sản phẩm tham gia các Hội chợ triển lãm trái cây ngon các tỉnh và tham gia hội thi trái cây ngon.
TP.Cao Lãnh có trên 60ha trồng cam xoàn, tập trung nhiều ở các xã: Tịnh Thới, Tân Thuận Đông, Hòa An, phường 6. Trong đó, xã Tịnh Thới chiếm trên 21ha. Xã Tịnh Thới đã thành lập Tổ hợp tác sản xuất cam xoàn nhiều năm nay.
Ông Trần Thanh Tuấn - Chủ tịch Hội Nông dân xã Tịnh Thới cho biết: Mô hình trồng cam xoàn này cho hiệu quả kinh tế rất cao, địa phương sẽ xúc tiến việc liên kết với doanh nghiệp để hỗ trợ cho nông dân có đầu ra ổn định và liên kết doanh nghiệp cung cấp phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, ký kết hợp đồng với nông dân đầu vào, giúp người dân giảm giá thành. Bên cạnh đó, các nhà vườn tự trang bị cho mình cơ sở vật chất để có thể đón khách, làm khu ẩm thực, liên kết các vùng để tổ chức các tour du lịch.
Sự chuyển dịch cơ cấu cây trồng trên diện tích đất sản xuất kém hiệu quả sang trồng loại cây có giá trị kinh tế như cam xoàn đã và đang mang lại thu nhập khá cho nhiều nông dân. Được biết, ngành chuyên môn TP.Cao Lãnh sẽ hỗ trợ và nhân rộng trong thời gian tới.
PHƯƠNG NGA