Phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm vào địa bàn

Cập nhật ngày: 09/03/2019 06:01:31

ĐTO - Trên địa bàn tỉnh, từ đầu năm đến nay, tình hình dịch bệnh trên gia súc, gia cầm được giám sát chặt chẽ; chưa ghi nhận trường hợp mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, gây thiệt hại kinh tế cho người chăn nuôi.

Tuy nhiên, nguy cơ dịch bệnh xuất hiện và bùng phát trên địa bàn tỉnh là rất cao, nhất là bệnh dịch tả lợn châu Phi. Các tỉnh bị dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm gồm: Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hà Nam, Hải Dương, Hòa Bình và Điện Biên. Do giá heo chênh lệch giữa các tỉnh phía Nam và phía Bắc từ 10.000 - 15.000 đồng/kg nên nguy cơ heo từ phía Bắc vận chuyển vào phía Nam để tiêu thụ và làm lây lan dịch bệnh.

Hiện nay mạng lưới nhân viên thú y xã không còn, chỉ còn lực lượng cộng tác viên hoạt động trên tinh thần tự nguyện nên sự năng nổ, nhiệt tình, trách nhiệm trong công tác không còn như trước, nhất là khâu chủ động tổ chức, triển khai công tác tiêm phòng, giám sát dịch bệnh, chế độ báo cáo về Chi cục Chăn nuôi và Thú y thường chậm tiến độ và số liệu không đầy đủ. Ý thức của người chăn nuôi còn hạn chế, thường có tâm lý trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước nên không chủ động mua vắc-xin tiêm phòng, cũng như hóa chất tiêu độc, khử trùng để sát trùng cho chuồng trại của mình.

Ngành chức năng đang tập trung chủ động triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, nhất là bệnh dịch tả lợn châu Phi, lở mồm long móng, tai xanh và cúm gia cầm theo các chỉ đạo và hướng dẫn của cấp trên; tăng cường theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi, khi phát hiện dịch bệnh xảy ra thì xử lý nhanh, gọn, không để dịch bệnh lây lan, gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi.

Tại hội nghị giao ban báo chí tháng 2, ông Nguyễn Văn Công – Giám đốc Sở Nông ngiệp và Phát triển nông thôn cho biết, thực hiện nghiêm công tác kiểm dịch động vật và kiểm soát giết mổ, kiên quyết xử lý các trường hợp vận chuyển động vật, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc; các trường hợp giết mổ lậu, sản phẩm động vật không có dấu kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh của cơ quan thú y. Để phòng ngừa dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, nhất là bệnh dịch tả lợn châu Phi hiện các cửa ngõ vào tỉnh được lực lượng thú y tăng cường để kiểm tra, giám sát.

Ngành Nông ngiệp và Phát triển nông thôn cũng hỗ trợ các địa phương không có lực lượng cộng tác viên hoặc lực lượng mỏng, nhân sự còn thiếu bằng cách vận động các cộng tác viên ở khu vực lân cận tăng cường hỗ trợ, đồng thời cử cán bộ Chi cục Chăn nuôi và Thú y trực tiếp xuống địa bàn phối hợp với Phòng Nông nghiệp, Phòng Kinh tế, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp và chính quyền địa phương triển khai thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch.

Trong đó, có tuyên truyền sâu rộng cho người dân và các cấp chính quyền hiểu rõ, không được chủ quan, lơ là với dịch bệnh và cũng không “tẩy chay” sản phẩm động vật đối với dịch bệnh mà không lây truyền qua người như bệnh dịch tả lợn châu Phi.

TN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn