Sau Tết, nhiều nông sản “chật vật” tìm đầu ra
Cập nhật ngày: 05/02/2020 13:27:50
ĐTO - Những ngày qua, nhiều nông dân rơi vào tình trạng“đứng ngồi không yên” khi nhiều mặt hàng nông sản đã đến ngày thu hoạch nhưng lại “tắt đường” tiêu thụ do ảnh hưởng dịch đường hô hấp cấp do chủng mới của vi-rút Corona. Hiện một số loại nông sản như: khoai lang tím, thanh long ruột đỏ, mít Thái, ổi lê, xoài tượng da xanh dù giá đã rớt chạm đáy nhưng thương lái, vựa thu mua vẫn im bặt khiến nông dân càng lo lắng.
Giữ khoai càng lâu trên đồng, nông dân phải tốn nhiều chi phí đầu tư hơn
Đìu hiu ngày mùa ở “ấp khoai lang”
Với khoảng 350ha chuyên canh khoai lang, ấp Tân Thạnh, xã Tân Phú, huyện Châu Thành được xem là một trong những ấp có diện tích trồng khoai lang xuất khẩu lớn nhất huyện. Những năm trước, khi giá khoai xuất khẩu ổn định, có thời điểm diện tích trồng khoai lang tại xã Tân Phú lên đến trên 1.000ha. Vì đi đâu cũng thấy trồng khoai lang nên người dân ở đây ví von gọi ấp Tân Thạnh là “ấp khoai lang”. Ngoài ấp Tân Thạnh, khoai lang còn được trồng nhiều ở ấp Tân Thuận,... Toàn xã Tân Phú trong vụ này có khoảng 650ha canh chuyên canh khoai lang, trong đó khoai lang tím xuất khẩu chiếm trên 80%.
Trái ngược với không khí hồ hởi, nhộn nhịp mùa thu hoạch khoai của mấy năm trước, sau Tết Nguyên đán Canh Tý, cánh đồng khoai lang ấp Tân Thạnh chỉ có lưa thưa người đi thăm đồng. Dù khoai lang ở đây đã đến ngày thu hoạch nhưng hầu như không thấy ai ra ruộng dỡ khoai. Nguyên nhân chính là do các vựa khoai lớn đều tạm ngưng “ăn hàng” vì không xuất khẩu được sang Trung Quốc. Anh Nguyễn Hữu Phụng, nông dân trồng khoai lang xuất khẩu ở ấp Tân Thạnh rầu rĩ: “Thời gian này những năm trước, ra đồng, nông dân dỡ khoai vui như ngày hội. Ruộng khoai nào cũng vài chục nhân công dỡ khoai, còn bây giờ đã gần đến rằm tháng Giêng nhưng vẫn chưa thấy gì. Cả tuần nay tôi gọi điện cho rất nhiều thương lái nhưng ai cũng trả lời là không mua. Khoai tới ngày thu hoạch mà neo càng lâu trên ruộng khoai lang càng dễ bị sâu bệnh tấn công hơn, từ đó chi phí cũng đội lên nhiều hơn”.
Trước tình trạng khoai lang đầy đồng không thấy người mua đã khiến cho nhiều nông dân vô cùng lo lắng, thậm chí có nhiều hộ dự định xuống giống sau Tết Nguyên đán nhưng phải chuyển đổi sang trồng giống cây trồng khác. Anh Nguyễn Tấn Cường bày tỏ: “Khoai tím Nhật chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Nhưng giờ tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi-rút Corona đang diễn biến phức tạp thế này không biết bao giờ hàng hóa mới có thể xuất khẩu sang đó được nên tôi không dám mạo hiểm trồng khoai lang. Trong Tết, tôi dự kiến mùng 8 tháng Giêng sẽ xuống giống khoai lang, cả hom khoai giống và nhân công đã thuê hết rồi nhưng giờ phải đình lại hết. Giờ tôi chuyển sang trồng bắp nếp để tiêu thụ nội địa, hi vọng tình cảnh khó khăn này sớm qua để nông dân yên tâm sản xuất”.
Theo ông Nguyễn Thanh Phong - Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Phú, huyện Châu Thành, so với những cây trồng khác, chi phí đầu tư trồng khoai lang cũng khá cao, trung bình mỗi ha khoảng 200 – 250 triệu đồng. Tình trạng khoai lang khó tiêu thụ như hiện nay khiến cho nhiều nông dân tại địa phương vô cùng lo lắng. Thời gian qua, nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào cây khoai lang, địa phương cũng vận động nông dân chuyển đổi sang canh tác những cây trồng khác trên những diện tích phù hợp. Tuy nhiên, do đặc thù tại địa phương và nông dân ở đây đã quen canh tác loại cây trồng này nên hiện diện tích trồng khoai của xã cũng còn khá lớn.
Thanh long rớt giá từ 44 ngàn đồng/kg xuống còn 5 ngàn đồng/kg
Nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc “tê liệt” vì vi-rút Corona
Ngoài khoai lang tím Nhật, hiện một số loại nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc cũng gặp tình trạng khó khăn trong việc tìm đầu ra: như xoài tượng da xanh, mít Thái, thanh long ruột đỏ, mận... Theo nhiều nhà vườn, do không xuất khẩu được nên hiện nay các mặt hàng này chỉ còn tiêu thụ trong thị trường nội địa. Mặc dù so với cùng kỳ những năm trước, giá một số mặt hàng nông sản này đã rớt chạm đáy, song việc tìm được người mua, đầu ra cho nông sản là vô cùng khó khăn trong thời điểm này.
Ông Nguyễn Văn Ba - Phó Giám đốc Hợp tác xã (HTX) thanh long xã Phú Hựu, đồng thời cũng là Tổ trưởng tổ hợp tác (THT) thanh long ruột đỏ xã An Phú Thuận, huyện Châu Thành chia sẻ: “Từ đây đến rằm tháng Giêng cả HTX và THT có trên 20 tấn thanh long cần phải tiêu thụ gấp. Giờ thanh long chín đỏ ngoài vườn, nhưng công ty xuất khẩu thì đã dừng lấy hàng từ mùng 2 Tết. Trước Tết Nguyên đán, doanh nghiệp ký kết bao tiêu thanh long loại 1 của HTX và THT giá 44 ngàn đồng/kg, nhưng do ảnh hưởng dịch viêm phổi cấp, nên mọi hoạt động mua bán buộc phải dừng hết. Ngày mùng 2 Tết, doanh nghiệp cho hay sẽ bù lỗ hỗ trợ nông dân 5 ngàn đồng/kg (với sản lượng công ty đã được ký hợp đồng), còn sản lượng chưa ký kết thì nông dân có thể bán thị trường nội địa. Giờ bà con nông dân ở đây đang rất lo lắng vì chi phí đầu tư cho vụ thanh long nghịch vụ này khá cao, trung bình khoảng 10 ngàn đồng/kg, nếu không bán được sẽ thiệt hại rất nhiều cho nông dân”.
Các doanh nghiệp thu mua nông sản xuất khẩu cũng bị động không kém nhà vườn. Sau hơn 10 ngày ở cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị, tỉnh Lạng Sơn chờ nước bạn thông quan để bán ớt, anh Nguyễn Phước Nhờ - chủ vựa ớt Phước Nhờ, thị trấn Thanh Bình, huyện Thanh Bình lại lặng lẽ đánh 3 xe Container về lại Đồng Tháp. Sau chuyến xuất hàng đầu năm không thành công này, anh Nguyễn Phước Nhờ ước tính mỗi xe ớt, vựa của anh phải chịu lỗ gần 300 triệu đồng. Anh Nguyễn Phước Nhờ cho biết: “Không riêng tôi mà nhiều anh em kinh doanh các mặt hàng nông sản khác cũng rơi vào tình trạng tương tự, rất nhiều Container chở dưa hấu, thanh long phải quay đầu trở về bán tháo dọc đường để vớt vát chi phí, chứ tình hình dịch bệnh cứ kéo dài thế này không biết đến khi nào mới có thể mua bán được trở lại. Để đảm bảo kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh, cả phía Việt Nam và phía Trung Quốc đều siết chặt các khu vực cửa khẩu. 3 xe ớt của tôi đã có mặt ở cửa khẩu từ ngày 27 Tết nhưng hơn 10 ngày nằm chờ đợi vô vọng, tôi cho xe chở ớt quay về quê phơi khô. Tới tỉnh Bình Định tôi đã “bán đổ bán tháo” hết 1 xe, giờ còn hai xe chở về huyện Thanh Bình phơi khô”.
Hiện tại, huyện Thanh Bình đang vào chính vụ thu hoạch ớt, giá ớt trong Tết vẫn còn dao động khoảng 12 -13 ngàn đồng/kg, tuy nhiên hiện nay chỉ còn khoảng 6 ngàn đồng/kg. Hiện các doanh nghiệp và vựa thu mua ớt xuất khẩu trên địa bàn huyện Thanh Bình chỉ còn mua bán cầm chừng để tiêu thụ nội địa, do đó nông dân trồng ớt hiện đang gặp nhiều khó khăn.
Xoài là một trong những mặt hàng nông sản của địa phương có sản lượng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc nhiều nhất. Hiện tại, hầu hết các doanh nghiệp và chủ vựa có xuất hàng sang thị trường Trung Quốc đều tạm ngưng đóng hàng từ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Chị Đinh Thị Kim Nhung - Giám đốc Công ty TNHH Kim Nhung Đồng Tháp chia sẻ: Hiện nay, các đơn hàng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đều phải tạm ngừng. Nếu như thời điểm này cùng kỳ những năm trước trung bình mỗi tháng doanh nghiệp chúng tôi xuất khẩu khoảng 500 tấn xoài các loại thì hiện nay chỉ còn xuất khẩu khoảng 100 tấn/tháng, do mất các đơn hàng từ thị trường Trung Quốc. Xoài tượng da xanh là một trong những mặt hàng bị tác động nhiều nhất trong dịp này, hiện tại, chúng tôi chỉ còn thu mua cầm chừng để cung cấp cho các đơn hàng ở châu Âu, tuy nhiên sản lượng không nhiều. Hiện xoài tượng da xanh loại I còn được thu mua khoảng 12 ngàn đồng/kg, trong khi đó, xoài không đạt chuẩn xuất khẩu chỉ còn khoảng 3 ngàn đồng/kg.
Đồng Tháp chủ động liên kết đầu ra cho nông sản
Trước tình trạng dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do vi-rút Corona đang lây lan và diễn biến phức tạp tại Trung Quốc ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế và hoạt động sản xuất của nhiều nông dân, theo chỉ đạo của UBND tỉnh Đồng Tháp, Sở Công Thương đã chủ động liên hệ nhiều đơn vị thu mua, nhà bán lẻ thực hiện liên kết, hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho nông dân. Trong ngày 3 và 4/2, Đoàn công tác của Sở Công Thương Đồng Tháp và đại diện Siêu thị Big C đã đến khảo sát tại các khu vực trồng thanh long của huyện Châu Thành, Lai Vung, Tam Nông để kết nối tìm đầu ra cho sản phẩm thanh long. Sau buổi làm việc tại các địa phương, đại diện Siêu thị Big C đánh giá cao chất lượng sản phẩm thanh long của nông dân Đồng Tháp, đồng thời cam kết sẽ đồng hành hỗ trợ tiêu thụ toàn bộ sản lượng thanh long cho nông dân tại Đồng Tháp. Dự kiến trung bình mỗi tuần siêu thị sẽ tiêu thụ khoảng từ 15 – 20 tấn thanh long cho nông dân.
Ông Nguyễn Tô Kiều Trinh - Giám đốc thu mua khu vực phía Nam của Siêu thị Big C cho biết, trước thông tin từ tỉnh Đồng Tháp về việc nhiều mặt hàng nông sản của nông dân khó khăn trong việc tiêu thụ do ảnh hưởng từ dịch dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do vi-rút Corona, Siêu thị Big C đã có chuyến đi khảo sát các khu vực trồng thanh long và ổi của Đồng Tháp. Thông qua chuyến đi này, Siêu thị Big C mong muốn hỗ trợ người nông dân có được đầu ra ổn định hơn cho nông sản. Trước mắt, siêu thị Big C sẽ hỗ trợ tiêu thụ các mặt hàng cần phải tiêu thụ ngay như thanh long, ổi. Trong thời gian tới, siêu thị sẽ phối hợp với Sở Công Thương Đồng Tháp nắm lại lịch thời vụ, sản lượng của từng mặt hàng nông sản của Đồng Tháp theo từng mùa vụ để có những bước liên kết “dài hơi” hơn. Ngoài ra, nhằm giúp cho nông dân có được đầu ra cho nông sản ổn định hơn, trong tương lai Big C cũng đang phối hợp với ngành công thương của tỉnh Đồng Tháp trong việc hướng dẫn cho các Hội quán, HTX cách thức lập hồ sơ cũng như các quy chuẩn cần thiết khi đưa hàng nông sản vào hệ thống siêu thi.
Về những giải pháp của ngành công thương Đồng Tháp trong việc hỗ trợ liên kết và tiêu thụ nông sản cho nông dân, bà Võ Phương Thủy - Phó Giám đốc Sở Công Thương Đồng Tháp cho biết, trước mắt đối với những mặt hàng nông sản cần tiêu thụ gấp thì ngành công thương sẽ phối hợp với các siêu thị, nhà bán lẻ giúp nông dân đưa hàng đi tiêu thụ trước. Hiện Sở Công Thương cũng yêu cầu các huyện gửi tổng hợp về sản lượng các loại loại nông sản chủ lực của từng địa phương đang khó khăn trong việc tiêu thụ để Sở có những bước chuẩn bị tiếp theo. Ngoài việc hỗ trợ liên kết tiêu thụ nông sản tươi sống, Sở Công Thương cũng đang tìm kiếm các doanh nghiệp, đối tác chế biến để liên kết tiêu thụ nông sản cho nông dân.
Mỹ Lý