Sức hút từ Cuộc thi Khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo tỉnh Đồng Tháp năm 2020
Cập nhật ngày: 30/10/2020 10:54:08
Với khát vọng xây dựng một “địa phương khởi nghiệp”, ngoài sự đồng hành, hỗ trợ cho các dự án, Đồng Tháp còn tổ chức các cuộc thi khởi nghiệp, tạo “sân chơi” cho các startup có dịp cọ xát với thực tế, tích lũy kinh nghiệm, nuôi dưỡng ước mơ khởi nghiệp của mình. Với sức hút của “sân chơi” này, Cuộc thi Khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo tỉnh Đồng Tháp năm 2020 mang lại nhiều kết quả ấn tượng từ số lượng đến chất lượng dự án tham gia...
Nhiều dự án sáng tạo
Theo Ban tổ chức, điểm nhấn cuộc thi khởi nghiệp năm nay là số lượng dự án tham gia nhiều nhất so với các lần tổ chức trước với 163 dự án đăng ký, có những dự án đến từ các tỉnh bạn như: Tiền Giang, An Giang, Vĩnh Long, Long An, Sóc Trăng. Các lĩnh vực tham gia tại cuộc thi rất đa dạng: thực phẩm, du lịch, nông nghiệp, sản phẩm chế biến từ nông nghiệp, thủ công mỹ nghệ...
Ngoài số lượng dự án tham gia nhiều hơn, cuộc thi năm nay được các startup đầu tư, mang nhiều yếu tố mới lạ, độc đáo vào các dự án. Hướng đến làm nông nghiệp theo hướng hiện đại, anh Võ Hào Em – chủ Dự án Máy phun thuốc điều khiển từ xa (Phường 1, TP.Cao Lãnh) sáng chế ra máy phun thuốc điều khiển từ xa. Chính sự đáp ứng tốt nhu cầu thực tế trong sản xuất nông nghiệp tại địa phương đã giúp dự án này đạt giải Nhất tại Cuộc thi Khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo tỉnh Đồng Tháp năm 2020. Ưu điểm của máy là thông qua việc điều khiển từ xa giúp bà con nông dân tránh tiếp xúc với thuốc, bảo vệ sức khỏe cho người trực tiếp sản xuất. Máy có 2 chức năng, có thể điều khiển bằng remoter bán kính 800m hoặc ngồi trực tiếp trên máy.
Máy hoạt động theo nguyên lý thủy lực, chỉ cần 1 chiếc remote là bà con nông dân có thể điều khiển máy hoạt động chạy tới, chạy lùi, rẽ trái, rẽ phải, nâng hạ cần phun lên xuống tùy theo độ tuổi của lúa. Ngoài ra, thiết bị còn vận hành tốt trên tất cả địa hình, máy chạy tốt nơi đất lún khoảng 30cm. Công suất làm việc của chiếc máy khoảng 30 - 40ha/ngày, chỉ tiêu hao 0,25 lít dầu/giờ. Với diện tích 1ha, máy xịt được khoảng 320 lít dung dịch thuốc.
Theo anh Võ Hào Em, thời gian tới, anh và các cộng sự tiếp tục nghiên cứu hoàn chỉnh thiết bị, đồng thời tiến đến đầu tư nhà xưởng để sản xuất theo đơn hàng; giới thiệu, quảng bá sản phẩm đến nông dân trong cả nước.
Trong cuộc thi, nhiều dự án có góc nhìn mới lạ, biến khó khăn, thách thức thành những cơ hội mới. Với ý tưởng “biến khó khăn thành lợi thế”, Dự án FarmStay Ao Nhà (huyện Tân Hồng) của chị Tô Thị Kim Thi lựa chọn chiếc ao sâu trung bình hơn 7m, rộng 2,3ha vốn kém hiệu quả trong nuôi trồng thủy sản để đầu tư những “cái nhà trên ao”. Do mặt nước của ao khá bình lặng nên dịch vụ và cơ sở lưu trú trên ao vừa an toàn vừa mang đến cho du khách cảm giác thư giãn tuyệt vời. Đặc biệt, khi màn đêm buông xuống, du khách được chìm đắm, tận hưởng không gian mênh mông đậm chất đồng quê. Theo chị Tô Thị Kim Thi, khi dự án được đầu tư hoàn thiện, FarmStay Ao Nhà sẽ đáp ứng đầy đủ nhu cầu đối với các dịch vụ cho du khách.
Đồng hành trong hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa, hành trình khởi nghiệp chưa bao giờ là dễ dàng. Thành công của dự án không chỉ dừng lại ở giải cao nhất của cuộc thi mà là giữ vững được hoài bão, tinh thần nhiệt huyết, đam mê khởi nghiệp, vượt qua thất bại, nỗ lực hoàn thiện sản phẩm.
Thực tế cho thấy, hiện nay, nhiều sản phẩm khởi nghiệp, chất lượng vẫn còn chưa ổn định, chưa đạt yêu cầu kiểm định kiểm nghiệm. Doanh nghiệp khởi nghiệp còn gặp nhiều khó khăn về vốn đầu tư; hàm lượng khoa học và công nghệ trong sản phẩm khởi nghiệp còn thấp, kém sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước.
Trên tinh thần đồng hành cùng hoạt động khởi nghiệp phát triển, tỉnh đẩy mạnh kết nối các nguồn lực trong hệ sinh thái khởi nghiệp, đảm bảo không để các dự án khởi nghiệp “đơn thương độc mã” trên thương trường. Theo Phó Chủ tịch Phạm Thiện Nghĩa, hướng đến sự phát triển lĩnh vực khởi nghiệp theo chiều sâu, tỉnh luôn đồng hành hỗ trợ, tạo thuận lợi cho các ý tưởng, dự án phát triển. Sau cuộc thi, tỉnh sẽ tiến hành phân loại ý tưởng, dự án để gắn kết với các doanh nghiệp, chuyên gia, đồng thời áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm tiến tới thương mại hóa, nâng cao giá trị sản phẩm.
Ngoài ra, Phó Chủ tịch cũng khuyến khích các chủ dự án đẩy mạnh nâng cao chất lượng đáp ứng theo các tiêu chuẩn Chương trình OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, VietGAP, GlobalGAP nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường tiêu thụ.
Ngoài việc hoàn thiện chính sách hỗ trợ khởi nghiệp, UBND tỉnh cũng chỉ đạo Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư đề xuất xây dựng và tổ chức vận hành “Không gian Hỗ trợ cộng đồng khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo”. Đây là không gian làm việc chung, tích hợp nhiều công năng hỗ trợ cho các hoạt động khởi nghiệp gắn với đổi mới sáng tạo; giúp các doanh nghiệp hoàn thiện ý tưởng, nâng cao năng lực, tìm kiếm nhà đầu tư... Đồng thời, các cấp, các ngành cần đồng lòng trong công tác xây dựng “cộng đồng khởi nghiệp”, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh; kết nối chương trình khởi nghiệp vào chương trình OCOP...
Y DU