Tam Nông nỗ lực xây dựng khu vực sản xuất lúa sinh thái kết hợp bảo tồn sếu

Cập nhật ngày: 02/06/2024 05:37:56

ĐTO - Với người dân Tam Nông, sếu đầu đỏ không chỉ là loài chim quý hiếm mà còn gắn liền với đời sống văn hóa - tâm linh. Do đó, ngay khi UBND huyện Tam Nông có chủ trương xây dựng và phát triển khu vực sản xuất lúa sinh thái kết hợp bảo tồn và phát triển sếu đầu đỏ tại Vườn Quốc gia Tràm Chim, nhiều nông dân ở địa phương đã bày tỏ sự đồng thuận cao.


Mô hình “Sản xuất lúa sinh thái kết hợp bảo tồn và phát triển sếu đầu đỏ” được triển khai tại Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Phú Xuân (xã Phú Đức) vụ hè thu năm 2024

Nông dân tích cực tham gia mô hình lúa - sếu

Xác định cải thiện môi trường sinh thái trong sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, sinh thái là một trong những nền tảng quan trọng góp phần cho công tác bảo tồn và phát triển sếu đầu đỏ tại Vườn Quốc gia Tràm Chim, từ vụ lúa hè thu năm 2023, ngành nông nghiệp huyện Tam Nông triển khai thí điểm mô hình “Sản xuất lúa sinh thái kết hợp bảo tồn và phát triển sếu đầu đỏ tại Vườn Quốc gia Tràm Chim” với quy mô 39ha/4 hộ tham gia.

Sau 3 vụ triển khai liên tục, mô hình được nhân rộng 312 ha/41 hộ tham gia, tăng trên 112ha so với kế hoạch của UBND huyện Tam Nông đề ra. Theo đánh giá của ngành nông nghiệp huyện, bước đầu mô hình “Sản xuất lúa sinh thái kết hợp bảo tồn và phát triển sếu đầu đỏ” đạt nhiều kết quả tích cực. Trong đó, các hộ dân tham gia mô hình đã có nhiều thay đổi trong tư duy sản xuất; quan tâm hơn đến sản xuất nông nghiệp bền vững, gắn với bảo vệ môi trường; sản xuất nông nghiệp gắn với trách nhiệm bảo tồn thiên nhiên, nhất là các loài động vật hoang dã tại Vườn Quốc gia Tràm Chim...


Huyện Tam Nông đầu tư nhiều công trình hạ tầng đồng bộ thúc đẩy 
mô hình “Sản xuất lúa sinh thái kết hợp bảo tồn và phát triển sếu đầu đỏ” phát triển bền vững

Là một trong những nông dân tâm huyết, chủ động tham gia mô hình “Sản xuất lúa sinh thái kết hợp bảo tồn và phát triển sếu đầu đỏ” ngay từ những ngày đầu, ông Nguyễn Văn Mẫn ngụ ấp Phú Xuân, xã Phú Đức, huyện Tam Nông, tâm sự: “Với người dân Tam Nông, sếu đầu đỏ không chỉ là loài động vật quý hiếm cần được bảo vệ mà sếu còn gắn liền với đời sống văn hóa và tín ngưỡng của người dân địa phương. Vì vậy, ngay khi được chính quyền địa phương vận động tham gia mô hình, tôi đã mạnh dạn đăng ký. Tôi nhận thấy, việc tham gia mô hình có nhiều lợi ích, trước hết là nhờ sản xuất theo hướng hữu cơ nên sức khỏe của người sản xuất và người tiêu dùng được đảm bảo, nhờ thay đổi phương thức sản xuất môi trường tự nhiên cũng từ từ được phục hồi, tạo tiền đề cho việc bảo tồn các loài động vật hoang dã ở Vườn Quốc gia Tràm Chim...”.


Nông dân theo dõi và quản lý mật độ sâu rầy trên điện thoại thông minh

Chung tay để “đi đường dài” với mô hình lúa - sếu

Nhằm giúp nông dân từng bước thay đổi tập quán sản xuất, hướng đến sản xuất lúa theo hướng hữu cơ bền vững, tham gia mô hình “Sản xuất lúa sinh thái kết hợp bảo tồn và phát triển sếu đầu đỏ”, nông dân sẽ được ngành nông nghiệp tỉnh và huyện hướng dẫn áp dụng nhiều giải pháp sản xuất tiên tiến như: áp dụng biện pháp sạ thưa; bón vùi phân hữu cơ trước khi gieo sạ lúa; sử dụng Drone để sạ lúa, bón phân và phun thuốc phòng trừ dịch bệnh; sử dụng thuốc sinh học để phòng trị dịch bệnh; không đốt rơm mà sử dụng nấm vi sinh để phân hủy rơm, cày vùi vào đất... Ngoài các giải pháp kỹ thuật, thời gian qua, huyện Tam Nông cũng thực hiện nhiều giải pháp đầu tư hạ tầng đồng bộ nhằm tạo điều kiện thuận lợi để mô hình phát triển bền vững hơn.

Ông Lưu Văn Tiến - Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tam Nông, cho biết: “Để phát triển vùng sản xuất lúa sinh thái bền vững, thời gian qua, huyện Tam Nông đầu tư nhiều hạng mục công trình như: hệ thống cống và trạm bơm tiết kiệm điện để phục vụ cho sản xuất lúa sinh thái; trạm giám sát côn trùng thông minh giúp cho nông dân nắm được mật số sâu rầy để chủ động và có biện pháp phòng trị, chứ không phun xịt theo định kỳ như trước đây...”.


Trạm giám sát côn trùng thông minh được đầu tư tại Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Phú Xuân (xã Phú Đức, huyện Tam Nông)

Mặc dù sau 3 vụ triển khai mô hình đã đạt được nhiều kết quả tích cực, song hiện nay ở khâu liên kết tiêu thụ, nông dân và hợp tác xã vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Ông Lê Văn Hùng - Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Phú Xuân (xã Phú Đức, huyện Tam Nông), chia sẻ: “Để mô hình “Sản xuất lúa sinh thái kết hợp bảo tồn và phát triển sếu đầu đỏ” được bền vững hơn, nông dân tham gia mô hình an tâm hơn trong sản xuất, rất cần có sự chung tay của doanh nghiệp. Đặc biệt với mục tiêu “dài hơi” là xây dựng và phát triển mô hình “Sản xuất lúa sinh thái kết hợp bảo tồn và phát triển sếu đầu đỏ” tiến tới xây dựng thương hiệu “Gạo sếu Tam Nông” thì vai trò “đầu tàu” của doanh nghiệp rất quan trọng. Nông dân chúng tôi có đủ khả năng để xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu đạt chuẩn, nhưng để xây dựng thương hiệu gạo cho một địa phương thì rất cần sự đồng hành nhiều hơn từ phía cộng đồng doanh nghiệp...”.

Bước đầu mô hình “Sản xuất lúa sinh thái kết hợp bảo tồn và phát triển sếu đầu đỏ” tại Vườn Quốc gia Tràm Chim giai đoạn 2023 - 2027, định hướng đến năm 2032 đã nhận được sự đồng tình từ đông đảo nông dân. Tuy nhiên, việc phát triển mô hình rất cần sự hợp sức của nông dân, chính quyền, các ngành liên quan, nhất là sự vào cuộc tích cực của doanh nghiệp...

Mỹ Lý

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn