Tạo chuyển biến mới cho ngành hàng xoài

Cập nhật ngày: 05/07/2018 06:02:06

ĐTO - Với hơn 9.300ha, sản lượng hằng năm khoảng 95.000 tấn, Đồng Tháp được xem là “thủ phủ” xoài của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Xoài được chọn là 1 trong 5 ngành hàng chủ lực thực hiện thí điểm trong Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh. Tuy nhiên, để phát triển bền vững ngành hàng xoài là bài toán khó đối với Đồng Tháp, bởi những hạn chế trong khâu bảo quản sau thu hoạch, khả năng cạnh tranh trên thị trường thấp…


Đoàn công tác tỉnh Ibaraki (Nhật Bản) tìm hiểu về ngành hàng xoài của Đồng Tháp

Tỷ lệ hao hụt sau thu hoạch chiếm hơn 27%

Theo thống kê, năm 2017, tỉnh Đồng Tháp có 9.200ha xoài, dẫn đầu khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). 2 địa phương có diện tích trồng xoài lớn nhất tỉnh là TP.Cao Lãnh và huyện Cao Lãnh, trong đó 2 giống xoài được ưa chuộng, nổi tiếng cả thị trường trong nước cũng như trên thế giới là xoài cát hòa lộc và xoài cát chu.

Theo ông Nguyễn Thành Tài - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), thời gian qua, Đồng Tháp tập trung đầu tư nhiều nguồn lực cho ngành hàng xoài. Từ việc đầu tư hạ tầng kỹ thuật, hệ thống đê bao chống lũ, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất như: cải tạo giống, xử lý ra hoa rải vụ, áp dụng kỹ thuật bao trái đến việc sản xuất xoài theo tiêu chuẩn thực hành Nông nghiệp tốt (GAP), công nghệ sau thu hoạch đã từng bước được áp dụng, hình thành nên vùng nguyên liệu xoài tập trung, chủ yếu ở huyện Cao Lãnh và TP.Cao Lãnh.

Đặc biệt, trong năm 2017, Bộ NN&PTNT thông qua sự hỗ trợ của Tổ chức UNIDO đã tiến hành dự án xây dựng “Trung tâm tiên tiến” về thu hoạch, sơ chế, đóng gói, bảo quản và vận chuyển xoài tại Công ty TNHH Kim Nhung, TP.Cao Lãnh. Dự án đã xây dựng thành công hệ thống sơ chế, bảo quản, đóng gói, công suất xử lý khoảng 30 tấn/ngày. Đây là mô hình đầu tiên ở khu vực ĐBSCL xử lý xoài áp dụng công nghệ tiên tiến, thân thiện môi trường, tạo bước đi đầu tiên cho quả xoài của tỉnh thâm nhập các thị trường khó tính như: Australia, Nga, Hàn Quốc...

Mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định trong sản xuất của ngành hàng xoài nhưng ông Nguyễn Thành Tài cũng thừa nhận: “Ngành hàng xoài vùng ĐBSCL nói chung và tỉnh Đồng Tháp nói riêng còn bộc lộ không ít những hạn chế, đặc biệt là công nghệ sau thu hoạch. Tỉ lệ hao hụt sau thu hoạch trong quá trình thu hoạch và vận chuyển, bảo quản, còn khá lớn, chiếm hơn 27%; công nghệ chế biến tạo giá trị gia tăng sản phẩm còn nhiều bất cập; quy trình canh tác tiền thu hoạch và xử lý sau thu hoạch (hệ thống kho lạnh, thiết bị phân loại, sơ chế, xử lý, làm chín, bao bì, đóng gói, vận chuyển...) chưa vận hành một cách đồng bộ”.

Giải pháp phát triển ổn định ngành hàng xoài

Để nâng cao giá trị ngành hàng xoài, nhiều chuyên gia, nhà khoa học cho rằng, các địa phương cần tháo gỡ nút thắt về vấn đề bảo đảm công nghệ sau thu hoạch để nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường xuất khẩu khó tính. Theo Tiến sĩ Võ Mai - Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam, hiện nay vấn đề công nghệ sau thu hoạch cực kỳ quan trọng, đây chính là chìa khóa của sản xuất hàng hóa. Để thực hiện hiệu quả vấn đề công nghệ sau thu hoạch, cần có sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền các địa phương trong việc mạnh dạn đầu tư một mô hình thí điểm đột phá, giúp hoàn thiện mô hình sản xuất, tạo ra sự chuyển biến mới cho ngành hàng xoài và các ngành hàng chủ lực khác.


“Trung tâm tiên tiến” về thu hoạch, sơ chế, đóng gói, bảo quản và vận chuyển xoài của Công ty TNHH Kim Nhung được xem là bước tiến mới cho ngành hàng xoài Đồng Tháp

Cùng với công nghệ chế biến sau thu hoạch, theo các doanh nghiệp xuất khẩu trong và ngoài nước, xoài Việt Nam sản lượng có nhiều nhưng số lượng đạt quy chuẩn xuất khẩu còn rất khiêm tốn. Đa phần, các công đoạn xử lý xoài sau thu hoạch được thực hiện bằng phương pháp thủ công. Sau khi được xử lý xong lại có vấn đề nấm bệnh, do đó thời gian bảo quản ngắn cùng với chi phí vận chuyển quá cao. Vì thế, để cạnh tranh với xoài các nước, các địa phương cần chú ý đến việc kiểm soát nấm bệnh và chất lượng sản phẩm.

Ông Peter Johnson - chuyên gia tư vấn công nghệ sơ chế, bảo quản xoài (Tổ chức công nghiệp Liên hiệp quốc UNIDO) cho rằng, Việt Nam có thể sản xuất xoài trong các giai đoạn tiềm năng, ví dụ như trước mùa xoài ở Trung Quốc, nghịch vụ ở Úc; cơ hội tiếp cận đường bộ vào thị trường lớn nhất trên thế giới (Trung Quốc), cũng như vị trí thuận lợi đến các thị trường khác (Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Canada, Úc...). Muốn vậy, Việt Nam cần tạo điều kiện thuận lợi cho việc đăng ký sản phẩm mới để kiểm soát nấm bệnh; xây dựng tiêu chuẩn xuất khẩu, kiểm soát chất lượng, tiếp cận toàn bộ chuỗi, kỹ thuật canh tác, hệ thống nhà đóng gói, chuỗi lạnh...

Về vấn đề đảm bảo tính ổn định, liên tục khi đưa xoài vào bán tại các siêu thị, Phó GS. TS Trần Văn Hâu - Trường Đại học Cần Thơ cho rằng, quy mô và chất lượng sản phẩm là thách thức lớn khi tham gia vào các thị trường thế giới. Vì vậy, cần quan tâm một số giải pháp để thâm nhập sâu hơn vào các thị trường khó tính, cụ thể như: hợp tác hóa để sản xuất cây ăn quả ở quy mô lớn hơn, nguyên liệu sản xuất ra đồng nhất hơn; rải vụ để có sản phẩm xuất khẩu quanh năm; chăm sóc cây trồng và thu hoạch đúng quy trình kỹ thuật; có kế hoạch đầu tư dài hơi để phát triển ngành hàng xoài, trong đó chú trọng 3 khâu chủ yếu là giống, công nghệ sau thu hoạch và kỹ thuật xử lý đảm bảo chất lượng, hiệu quả.

Công nghệ sau thu hoạch và chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm là vấn đề đặt ra đối với nhóm quả tươi xuất khẩu Việt Nam nói chung và ngành hàng xoài nói riêng. Vì vậy, các địa phương chủ lực về xoài cần hoàn thiện các khâu này để tham gia vào chuỗi giá trị xuất khẩu thế giới, đồng thời nâng cao giá trị cho ngành hàng địa phương.

Thảo Vy

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn