Tập trung đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả
Cập nhật ngày: 11/04/2020 06:19:28
ĐTO - Thời gian qua, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Đồng Tháp thực hiện nhiều giải pháp đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Qua những đợt đấu tranh cao điểm, lực lượng chức năng kịp thời phát hiện, ngăn chặn nhiều trường hợp vi phạm, góp phần đảm bảo ổn định tình hình kinh tế - chính trị của tỉnh.
Lực lượng chức năng xử lý trường hợp vi phạm vận chuyển khẩu trang y tế nhập lậu qua biên giới
Theo Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Đồng Tháp, trong quý I/2020, các lực lượng chức năng tiếp tục thực hiện tốt các chỉ đạo của cấp trên về công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh. Vì vậy, tình trạng buôn lậu qua biên giới không gia tăng, phát sinh những điểm nóng, tụ điểm về buôn lậu.
Tình hình vận chuyển, buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu qua biên giới vào nội địa trên địa bàn tỉnh diễn ra ở mức độ nhỏ lẻ. Nguyên nhân do các lực lượng chức năng thực hiện nghiêm công tác chỉ đạo cấp trên tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát từ tuyến biên giới cho đến thị trường nội địa. Trong quý I/2020, các lực lượng chức năng đã kiểm tra, phát hiện 280 vụ/140 đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Xử lý 275 vụ (có vụ tồn chuyển qua), trong đó phạt cảnh cáo 2 vụ; phạt tiền 105 vụ, với tổng số tiền phạt hơn 573 triệu đồng.
Riêng địa bàn tuyến biên giới, các lực lượng chức năng tiếp tục duy trì phối hợp chốt chặn buôn lậu tại các khu vực trọng điểm. Vì vậy, tình hình vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu trên địa bàn chưa phát sinh điểm nóng, tụ điểm buôn lậu gây bức xúc trong dư luận xã hội. Tình hình xuất lậu hàng hóa qua biên giới chủ yếu là xăng dầu, vật tư nông nghiệp với số lượng nhỏ lẻ xuất phát từ nhu cầu của cư dân sống dọc tuyến biên giới. Riêng mặt hàng khẩu trang y tế xuất lậu qua biên giới với số lượng lớn do phía Campuchia đang xảy ra dịch Covid-19, nhu cầu mặt hàng khẩu trang tăng cao, vì vậy các đối tượng thu gom nguồn hàng để xuất lậu qua biên giới nhằm thu lợi...
Ông Phạm Thiện Nghĩa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 tỉnh đánh giá: “Hiện nay, diễn biến dịch bệnh Covid-19 rất phức tạp. Tuy nhiên, với kinh nghiệm, sự nhạy bén chủ động, các ngành, địa phương đã thực hiện tốt việc quản lý thị trường các mặt hàng, trong đó thiết bị y tế là trọng tâm. Hàng hóa trên địa bàn tỉnh đảm bảo thông suốt, nguồn cung dồi dào. Ngoài ra, các lực lượng chức năng còn tổ chức hiệu quả việc ngăn chặn tình hình vận chuyển, buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng gian, hàng giả, kém chất lượng qua biên giới...”.
Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Đồng Tháp dự báo, trong quý II/2020, thị trường hàng hóa sẽ ổn định. Tuy nhiên, tình hình vận chuyển, buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, gian lận thương mại và sản xuất, kinh doanh hàng giả vẫn tiếp tục diễn ra, nhất là các mặt hàng khẩu trang, nước sát khuẩn... Thời gian tới, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của Trung ương về tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng. Đặc biệt là phòng ngừa và ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, lực lượng Bộ đội biên phòng, Hải quan tăng cường công tác phối hợp, kiểm soát chặt chẽ tuyến biên giới, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi xuất lậu hàng hóa qua biên giới, nhất là mặt hàng khẩu trang, thiết bị y tế...
Ngoài ra, lực lượng chức năng sẽ thường xuyên kiểm tra, kiểm soát việc tuân thủ pháp luật về niêm yết giá, đăng ký kinh doanh, ghi nhãn hàng hóa, đo lường, chất lượng, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Song song đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động người dân không tham gia, tiếp tay buôn lậu, tích cực tố giác tội phạm...
Theo ông Phạm Thiện Nghĩa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, thời gian tới, Ban chỉ đạo 389 cần xây dựng kịch bản ứng phó với tình hình xấu nhất khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát mạnh, để có sự chủ động ứng phó dịch bệnh. Theo đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần chỉ đạo trong sản xuất đối với mặt hàng thiết yếu; Sở Công Thương phải tập hợp các điểm bán hàng nhằm đảm bảo cung ứng hàng hóa cho người tiêu dùng trong tình huống xấu nhất. Ngoài ra, các ngành cần cập nhật thông tin chính thống để tạo niềm tin cho người dân; tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, trọng tâm là kiểm soát các sản phẩm y tế, không để xảy ra việc đầu cơ găm hàng, tăng giá...
Khánh Phan