Tháp Mười
Tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại và bền vững
Cập nhật ngày: 04/09/2015 05:38:04
Giai đoạn năm 2010 – 2015, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Tháp Mười tiếp tục phát triển theo hướng hiện đại hóa và liên kết. Nổi bật, địa phương thực hiện được 82 cánh đồng liên kết với tổng diện tích 13.845,12ha. Giá trị sản xuất ngành nông - lâm - thủy sản năm 2015 tăng 1,27 lần so với năm 2010. Sản lượng lúa bình quân hàng năm đạt 600.000 tấn, trong đó diện tích lúa chất lượng cao chiếm khoảng 70%. Các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp được đưa vào áp dụng có hiệu quả như: diện tích sản xuất được tưới tiêu bằng trạm bơm điện chiếm gần 94% trên tổng diện tích sản xuất lúa của huyện; cơ giới hóa trong thu hoạch lúa chiếm trên 98%.
Phát huy những kết quả đạt được, nên một trong những nhiệm vụ trọng tâm của giai đoạn 2016 – 2020 là các cấp ủy đảng trên địa bàn huyện Tháp Mười tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại và bền vững, trong đó chú trọng phát triển các ngành hàng nông sản chủ lực, có tiềm năng và lợi thế cạnh tranh, tăng cường sự liên kết sản xuất với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nâng thu nhập nông dân.
Trước hết, các cấp ủy, chính quyền của huyện Tháp Mười tiếp tục xác định phát triển kinh tế nông nghiệp là ngành kinh tế trọng điểm của huyện. Do đó, đặc biệt quan tâm đến việc tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả “Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp” trên địa bàn. Trong đó, tập trung hoàn thiện các vùng sản xuất theo quy hoạch vùng của huyện cũng như thực hiện đồng bộ các giải pháp về đổi mới phương thức sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, hiện đại và liên kết gắn với thị trường, góp phần nâng cao chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp, tăng thu nhập cho người nông dân trên cùng một diện tích sản xuất.
Các cấp, ngành hữu quan tăng cường vận động, khuyến khích người dân đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp; chú trọng chuyển dịch cơ cấu trong nội bộ ngành nông nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng chăn nuôi, cây hoa màu, cây ăn trái, thủy sản. Hình thành vùng nuôi tập trung và xây dựng nhãn hiệu hàng hóa. Vận dụng tốt các cơ chế, chính sách của Trung ương, tỉnh trong việc hỗ trợ nông nghiệp, nông dân, nông thôn, tăng dần tính cạnh tranh những sản phẩm có thế mạnh của địa phương. Từng bước hình thành những tổ hợp tác nông nghiệp - công nghiệp - dịch vụ, gắn kết chặt chẽ với người nông dân và hướng tới xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững.
Tháp Mười quyết tâm đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể, trọng tâm là củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các hợp tác xã, tổ hợp tác theo đúng quy định của pháp luật. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, năng lực quản lý, điều hành, nghiệp vụ chuyên môn của đội ngũ cán bộ hợp tác xã, tổ hợp tác đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Phấn đấu đến năm 2020 xây dựng từ 2 - 3 hợp tác xã vững mạnh thực hiện tốt nhiệm vụ tái cơ cấu; mỗi xã, thị trấn hình thành ít nhất 1 tổ hợp tác, hợp tác xã hoạt động trên lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp.
Tiến Đạt